Bạn đọc viết:
Nên cộng điểm ưu tiên đầu ra đối với sinh viên
(Dân trí) - Lẽ ra phải ưu tiên "đầu ra", nghĩa là xét ưu tiên cho các cháu cam kết sẽ về miền núi, hải đảo làm việc sau khi ra trường thì hiện nay chúng ta đang ưu tiên đầu vào. Vô hình chung có tác dụng ngược, các cháu được ưu tiên khả năng lớn là sẽ lại ... về thành phố.
Theo ông Khúc Trung Kiên (Giám đốc Chương trình Fast Track SE, ĐH FPT), việc cộng điểm ưu tiên vốn đã nhiều bất cập. Điều này trở thành nóng sốt khi năm nay, có thể có trường hợp học sinh thi tất cả các môn đều điểm 10 vẫn trượt. Dù giải thích theo cách nào, điều đó cũng rất khôi hài và có gì đó không ổn.
Tác dụng ngược
Việc cộng điểm ưu tiên từ trước đến nay, vốn đã nhiều bất cập. Đặc biệt năm nay, một số trường có những ngành học lấy điểm xét tuyển ở mức 30,5 - nghĩa là cao hơn điểm tối đa bình thường; nghĩa là có thể có trường hợp học sinh thi tất cả các môn đều điểm 10 vẫn trượt. Dù giải thích theo cách nào, điều đó cũng rất khôi hài và có gì đó rất không ổn.
Vấn đề ở đâu? Thứ nhất, theo tôi không ai phủ nhận điểm ưu tiên cần thiết trong một số trường hợp. Ví dụ: để khuyến khích mang kiến thức về vùng sâu, vùng xa. Nhưng ngay cả khi đó, có vẻ ta đang ưu tiên sai đối tượng.
Lẽ ra phải ưu tiên "đầu ra", nghĩa là xét ưu tiên cho các cháu cam kết sẽ về miền núi, hải đảo làm việc sau khi ra trường thì hiện nay chúng ta đang ưu tiên đầu vào. Vô hình chung có tác dụng ngược, các cháu được ưu tiên khả năng lớn là sẽ lại ... về thành phố.
Thứ hai, điều có thể làm ngay và không tốn kém là bỏ ưu tiên học sinh khá giỏi. Tôi không hiểu vì sao, điều này mãi không được thực hiện. Tôi cho rằng, điều này hệ luỵ rất rõ ràng: khuyến khích bệnh thành tích và chất lượng giáo dục giả tạo khi số học sinh trung bình lẽ ra phải đông nhất thì lại thành thiểu số.
Trung bình vốn là điểm giữa, điểm cân bằng, điểm tập trung đông nhất,... giờ không còn như thế nữa.
Thứ ba, ưu tiên các giải năng khiếu thể thao, văn nghệ, học sinh giỏi cấp tỉnh, điểm học nghề,... thoạt nghe thì không có gì sai nhưng kết quả thì sao? Lại "chạy". Môi trường giáo dục dễ dàng bị ô nhiễm.
Tôi từng nghe câu chuyện, có cháu được giải bơi lội mà ... không biết bơi. Việc học nghề, lẽ ra để chuẩn bị cho các cháu một số kỹ năng làm việc, cuối cùng lại để kiếm điểm ưu tiên.
Điểm ưu tiên: Không phải chính sách chung
Thực ra chuyện ưu tiên tuyển các học sinh năng khiếu về thể thao, nghệ thuật hay khoa học khá phổ biến ở nước ngoài. Các trường trung học hay đại học ở Mỹ đặc biệt ưu ái các học sinh nổi bật về tài năng ở một số lĩnh vực. Ví dụ điển hình là kỳ thủ Lê Quang Liêm của Việt Nam được nhận học bổng của đại học Webster (Mỹ).
Tuy nhiên, tôi thấy có vài điểm khác biệt. Trừ những tài năng về khoa học được công nhận rộng rãi, ở nước ngoài, họ không hề hạ thấp chuẩn mực về kiến thức (nghĩa là không hạ điểm chuẩn - hay cộng điểm cho thí sinh) mà chỉ ưu ái về tài chính và các điều kiện để sinh viên phát triển môn năng khiếu của mình.
Việc ưu tiên cho các tài năng cũng không là chính sách chung cho tất cả các trường. Ví dụ, trường đào tạo về công nghệ sinh học thì họ không có ưu tiên cho thần đồng ngôn ngữ. Chẳng có ý nghĩa gì nhiều khi một học sinh được giải bơi quốc gia, được cộng điểm khi vào trường kinh tế, và rồi trong mấy năm học trường chẳng quan tâm gì đến môn bơi hơn các trường khác.
Bỏ tất cả các điểm ưu tiên có lẽ là việc nên làm, vừa dễ vừa không tốn kém. Có thể, sẽ có vài điểm dở nhưng để như bây giờ sẽ hại gấp trăm lần.
Khúc Trung Kiên
(Giám đốc chương trình Fast Track SE, Đại học FPT)