Nàng Trinh - cô học trò đặc biệt của tộc người B’râu

(Dân trí)-Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha bị tai biến mạch máu não, mẹ quanh năm bám rẫy nên cô bé Nàng Trinh (12 tuổi, dân tộc B’râu) sớm phải lao động giúp gia đình từ khi lên 7 tuổi. Vất vả là vậy nhưng Nàng Trinh luôn học giỏi với ước mơ làm cô giáo.

Nằm ở vùng biên giới nơi con gà gáy cả 3 nước đều nghe rõ, tộc người B’râu (làng Đắk Mế, xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum) là một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam với vỏn vẹn 425 người (116 hộ) sống tập trung tại làng Đắk Mế. Chính vì vậy, cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề giao tiếp với xã hội vẫn còn là thách thức lớn khi nhiều người dân trong làng vẫn chưa thông thạo tiếng phổ thông. Tuy nhiên, với cô học trò nhỏ bé Nàng Trinh thì ngược lại: “Kĩ năng giao tiếp của Trinh rất tốt, em rất nhạy bén trong các công việc mà giáo viên triển khai... trong khi em lại là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” - cô Nàng Thái Sinh, giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum) vừa dẫn chúng tôi đến nhà Trinh vừa kể.

Có lẽ gia đình Trinh nằm trong diện nghèo nhất thôn, khi nơi trú ngụ của Trinh và cha mẹ chỉ là căn chòi nhỏ rộng chưa đầy 20m2, cao chừng 3m, nằm nấp sau ngôi nhà của ông bà ngoại. Trong nhà không có bất kì một đồ dùng gì đáng giá, ngay cả cái giường cũng chỉ làm bằng mấy cây cọc tre đóng xuống đất rồi vót vài cây nứa lát lên để 3 con người sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, tiếp khách… và cho Trinh kê sách ngồi học. Cách cái giường chừng 1 mét là chỗ dành để cái kiềng cho Trinh ngày nấu 3 bữa ăn cho gia đình.

Căn chòi tạm bợ là nơi mẹ con Trinh và người cha bị bệnh tai biến mạch máu não trú ngụ
Căn chòi tạm bợ là nơi mẹ con Trinh và người cha bị bệnh tai biến mạch máu não trú ngụ.

Đảo mắt quanh nhà, chúng tôi cũng chỉ thấy thêm được vài bộ quần áo treo trên vách nứa, ngay đến cả cái bàn học và chỗ ngồi học cho cô học trò nghèo cũng không có. Trinh cho biết, ba em bị bệnh tai biến di chuyển khó khăn nên hầu như nằm trên giường cả ngày. Vì vậy, mỗi lần muốn học bài thì em lấy một viên gạch kê dưới đất để ngồi, còn sách vở thì đặt trên giường để học. Nhìn thấy cảnh cô bé ngồi học chúng tôi không khỏi xót xa, vậy nhưng cô bé vẫn hồn nhiên cho biết: “Em học bài ở nhà rất ít, vì ở trên lớp em tranh thủ học hết rồi nên về nhà em học ít lắm, để thời gian làm việc nữa”.

Chỗ học tập của Trinh cũng là cái giường của cả nhà.
Chỗ học tập của Trinh cũng là cái giường của cả nhà.

Trinh cho biết, vì ba bị bệnh, mẹ phải lên rẫy cả ngày nên mọi công việc trong gia đình từ nấu cơm, kiếm rau, giặt giũ, đi chặt củi… đều do một tay em lo liệu từ khi Trinh mới học lớp 3. “Mỗi buổi sáng em dạy lúc 5 giờ sáng để nấu cơm cho mẹ ăn lên rẫy, ăn cơm xong thì em đi học. Buổi trưa đi học về, em nấu cơm cho 2 ba con ăn, buổi chiều em giặt đồ, đi kiếm rau về làm thức ăn, kiếm củi, rồi tiếp tục nấu cơm chờ mẹ đi làm về…”, Trinh kể công việc một ngày của mình.

Góc giường là nơi để sách vở, đồ dùng học tập của cô học trò nghèo.
Góc giường là nơi để sách vở, đồ dùng học tập của cô học trò nghèo.
 
Đó chỉ là công việc của những ngày đi học, còn ngày lễ hay thứ 7, chủ nhật thì sau khi chuẩn bị cơm nước cho cha ở nhà thì Trinh đi bộ cả chục km đường đồi núi để vào rẫy làm cùng mẹ: “Thứ 7 và chủ nhật thì em cùng mẹ đi bộ vào rẫy làm cỏ mì, trồng lúa… đến từ sáng đến khoảng 4 giờ chiều thì bắt đầu đi về. Vì rẫy ở xa lại trên cao nên em và mẹ ở lại rẫy ăn cơm trưa luôn. Còn mùa hè thì em sẽ theo mẹ đi làm rẫy cho đến khi đi học thì nghỉ”, Trinh vô tư kể cho chúng tôi nghe về công việc nặng nhọc mà chỉ dành cho người lớn.
 
Còn cô Sinh cho biết: “Gia đình Trinh rất khó khăn, nhiều lúc giáo viên trong trường phải vận động quyên ghóp tiền và quần áo để em có cái mặc đến trường”.
 
Vất vả là vậy, Trinh vẫn dẻo dai và kiên cường vượt khó học giỏi với ước mơ sau này làm cô giáo. Dù mới học lớp 5 (Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, xã Bờ Y) nhưng Trinh đã sở hữu hàng chục tờ giấy khen. Ngoài những tờ giấy khen là học sinh Khá, Giỏi, Xuất sắc thì cô bé còn có hàng loạt giấy khen khác như: giải Nhất huyện cuộc thi Học sinh giỏi giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc thiểu số, giải Nhất cấp huyện, giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Cách chỗ Trinh ngồi học một chút là cái bếp củi dùng để nấu ăn, khiến căn chòi rất nóng nực.
Cách chỗ Trinh ngồi học một chút là cái bếp củi dùng để nấu ăn, khiến căn chòi rất nóng nực.

Nói về thành tích học tập của Trinh, cô Sinh tự hào kể: “Cả trường có tổng số 386 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 219 học sinh. So với mặt bằng chung của trường thì Trinh là một học sinh giỏi, học lực và kĩ năng giao tiếp của em rất nổi trội. Trinh rất nhạy bén trong các việc giáo viên triển khai, năng động trong các phong trào nhà trường phát động. Ngoài những thành tích trên, Trinh còn là cô học trò viết chữ đẹp nhất trường, em học giỏi nhất là môn toán và tiếng Việt”.

Không chỉ vậy, cô Sinh còn khoe thêm: “Ngoài là một học sinh ngoan, giỏi, Trinh còn nói được 4 thứ tiếng: Tiếng Kinh, tiếng B’râu (tiếng dân tộc mẹ), tiếng Hre (tiếng dân tộc của ba Trinh ở Sơn Hà, Quảng Ngãi) và tiếng dân tộc Jẻ của làng bên cạnh”.

Hàng chục tờ giấy khen trong học tập của cô học trò nghèo người dân tộc thiểu số.
Hàng chục tờ giấy khen trong học tập của cô học trò nghèo người dân tộc thiểu số.

Tâm sự về ước mơ của mình, cô học trò người B'râu cho biết: “Em mơ ước sau này sẽ trở thành giáo viên để về lại làng dạy học cho những bạn học sinh nghèo trong làng”.

Mẹ của Trinh là chị Nàng Tiên (33 tuổi) chia sẻ: “Mình khổ nên mình muốn con mình được đi học, nhưng mình rất lo sẽ không có tiền để cho Trinh tiếp tục đi học cao hơn. Trước đây gia đình mình ở quê chồng Quảng Ngãi, nhưng sau đó chuyển lên đây nên không có đất để dựng nhà, đây là đất của cha mẹ mình cho ở tạm”.

Thiên Thư