Năng lượng tích cực của giảng viên Bách khoa có điểm nghiên cứu tuyệt đối

Trần Trang

(Dân trí) - TS. Đặng Tuấn Linh, giảng viên bộ môn Truyền thông và Mạng máy tính, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa có điểm nghiên cứu tuyệt đối 4/4.

Năng lượng tích cực của giảng viên Bách khoa có điểm nghiên cứu tuyệt đối - 1

TS. Đặng Tuấn Linh, giảng viên bộ môn Truyền thông và Mạng máy tính, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành một trong những giảng viên tiêu biểu trong giảng dạy 2020 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. TS. Linh có điểm nghiên cứu đạt tuyệt đối 4/4.

Giảng dạy song song với nghiên cứu

TS Đặng Tuấn Linh chia sẻ, mình được thừa hưởng đam mê nghiên cứu khoa học từ bố, một giảng viên của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, TS. đã theo học Thạc sĩ tại trường và tiếp tục học cao học và làm nghiên cứu sinh tại xứ sở hoa anh đào. Đứng trước hai con đường hoặc ở lại Nhật Bản sinh sống và làm việc, hoặc trở về Đại học Bách khoa Hà Nội nối nghiệp cha, TS. Linh đã chọn bén duyên với giảng dạy.

Theo thầy Linh, nghề giáo có cả những ưu điểm và nhược điểm. Lợi ích thầy có được so với bạn bè làm doanh nghiệp là "khi nào có tiết dạy mới phải lên giảng đường" và "lịch gặp sinh viên cũng khá linh động", tuy nhiên lại có những "việc không tên" như chuẩn bị bài giảng, chấm bài, nghiên cứu và giám sát kết quả nghiên cứu của sinh viên, tham gia thêm các hoạt động Đoàn, Hội.

TS. Linh đã có những cải tiến, sáng kiến trong dạy học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong năm 2020.

Theo thầy Linh, phương pháp hiệu quả nhất là để sinh viên tự đánh giá lẫn nhau trong các bài tập nhóm. "Nếu chỉ một sinh viên trình bày thì những người còn lại sẽ không theo dõi. Khi làm bài tập lớn, có nhiều chủ đề khác nhau, mỗi nhóm một chủ đề nên có thể không hiểu các chủ đề còn lại. Nhưng nếu đánh giá chéo nhau thì tất cả mọi người sẽ cùng làm việc, cùng nghe cùng hiểu." - thầy Linh giải thích.

Song song với việc giảng dạy, thầy Linh không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, TS. Đặng Tuấn Linh vẫn liên lạc với giáo sư cũ của mình ở Nhật Bản hàng tuần để hai nhóm nghiên cứu của mình và thầy cùng giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Với thói quen đọc tài liệu và nghiên cứu, thầy Linh cho biết, những cuốn sách yêu thích của thầy đều là sách chuyên ngành vì "ngày nay, kiến thức cập nhật liên tục hàng giờ. Tôi không muốn bỏ lỡ kiến thức nào để khi tương tác với sinh viên nước khác, sinh viên của mình không bị bỡ ngỡ."

Mang năng lượng tích cực đến với sinh viên

Thầy Linh chia sẻ lý do thích làm việc cùng sinh viên: "Sinh viên như luồng gió mới khiến tôi nhớ lại tuổi trẻ của mình. Sinh viên là những người trẻ, thường hay cập nhật và chia sẻ những công nghệ mới cho tôi."

Năng lượng tích cực của giảng viên Bách khoa có điểm nghiên cứu tuyệt đối - 2
Nhóm nghiên cứu của TS. Đặng Tuấn Linh. Ảnh: NVCC

Đào Đức Mạnh, sinh viên ICT K64 nhận xét: "Theo mình thầy là một người rất chỉn chu, gọn gàng, vui vẻ và hòa đồng với sinh viên". Mạnh chia sẻ thêm: "Lần ấn tượng nhất của mình đối với thầy là lần đầu tiên tham gia làm việc trong nhóm nghiên cứu.

Thường những lúc lên giảng đường thì thầy luôn rất gọn gàng nhưng lần ấy mình lần đầu thấy tóc thầy rối bời. Thầy vẫn nụ cười đó, cùng với sự tập trung, nghiêm túc, … Khi ấy, mình mới hiểu được là làm nghiên cứu thì có một chút thiếu sót, thiếu một chút chỉnh tề cũng không sao. Thầy là một tấm gương tốt cho mình về tinh thần làm việc đối với mình."

Thầy Linh nhớ lại và giải thích: "Lần đó, tôi có hạn báo cáo công việc vào sáng sớm hôm sau nên tối hôm trước thức đến 3 giờ sáng để làm. Tôi đã định thông báo các bạn sinh viên để hủy hẹn nhưng vì đó là buổi gặp đầu tiên giữa các thầy trò cùng làm nghiên cứu nên tôi vẫn cố gặp các bạn sinh viên sau khi hoàn thành báo cáo."

Thầy luôn cố để vẹn toàn cả nghiên cứu riêng của mình và nghiên cứu của sinh viên. Thầy cho rằng bản thân "không quan tâm đến ngoại hình nhưng đối với nghiên cứu thì thầy rất kỹ tính, chi tiết và cầu toàn.

TS. Đặng Tuấn Linh trong mắt sinh viên là người "thân thiện" và "tận tình". "Thầy luôn tạo động lực giúp mình hoàn thành công việc một cách tốt hơn, làm mọi thứ có tinh thần hơn, luôn muốn làm việc hết mình." - Đặng Quang Minh, sinh viên ICT K64 chia sẻ.

Thầy Linh khẳng định: "sinh viên Bách khoa rất giỏi, nền tảng rất tốt nhưng nhiều bạn chưa được định hướng sớm, chưa có người hướng dẫn xây dựng đề tài để tập trung đi đúng hướng."

Dựa trên kinh nghiệm bản thân, TS. Tuấn Linh khuyên các bạn có đam mê nghiên cứu, có định hướng học lên cao nên tiếp xúc với các nhóm nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm. Còn những bạn muốn đi làm thì nên đầu quân cho các công ty để trải nghiệm được nhiều hơn.

Người lái đò đưa sinh viên đi đúng hướng

Chia sẻ về một lần giúp sinh viên "đi đúng hướng", thầy Linh nhớ nhất một bạn sinh viên có thành tích tốt ở THPT. Tuy nhiên, khi vào Bách khoa Hà Nội, học chung với những bạn từng thi Olympic, giỏi cả ngôn ngữ lập trình và ngoại ngữ, bạn bị "sốc", dường như rơi vào khủng hoảng và "không muốn ra khỏi giường". TS. đã nói chuyện với mẹ bạn và động viên bạn đó để vượt qua thời kỳ đó và có những kế hoạch học tập đúng đắn để theo kịp các bạn khác.

Đến với Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên không chỉ trang bị cho mình tri thức tốt mà còn cả tâm lý sẵn sàng đối mặt với một môi trường hoàn toàn mới mẻ và khác lạ so với những gì các bạn đã quen thuộc thời Cấp 3. Đại học không chỉ là nơi cho sinh viên thêm kiến thức mà còn giúp các bạn rèn luyện nết người.

Thầy Linh nhấn mạnh: "Sinh viên nên tập trung ngay từ năm nhất vì những môn cơ bản có thể là nền móng chắc chắn để các bạn vào môn chuyên ngành sau này."

Đối với TS. Tuấn Linh, "sinh viên không cần quá giỏi nhưng nhất định phải chăm!" Có những công việc trong nhóm nghiên cứu của TS. Linh mà sinh viên lớp đại trà làm tốt hơn sinh viên tài năng vì tính chăm chỉ và cẩn thận. Đặc biệt, theo quan điểm của thầy, "con gái cũng hợp công nghệ thông tin vì tính tỉ mỉ và kiên trì."

Hai điều thầy Tuấn Linh muốn nhắn nhủ đến sinh viên Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông nói riêng và Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung là hãy thực hành thật nhiều và bổ sung thêm ngoại ngữ.

Thầy cho rằng: "Nếu chỉ biết tiếng Anh thôi thì chưa đủ" vì hiện nay rất nhiều công ty nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, … đầu tư vào công nghệ thông tin ở Việt Nam. Vậy nên, biết nhiều ngoại ngữ là lợi thế rất lớn cho sinh viên trong công việc sau này.