Năng lượng cho đam mê
Lê Vương Trường Sơn (sinh năm 1992, trường ĐH Công nghệ TP. HCM) đã trở thành sinh viên duy nhất tại Việt Nam nhận học bổng toàn phần của VIA University – VIA Design (Đan Mạch), trường đại học hàng đầu về ngành Thiết kế.
Bảng điểm “lung linh” là đủ ?
Ngay khi xong đồ án tốt nghiệp, Sơn đã có một công việc ổn định, với mức lương khởi điểm rất cao. Nhưng ước mơ du học là điều cậu ấp ủ suốt 4 năm đại học. Kinh tế gia đình không cho phép Trường Sơn du học tự túc nên “săn” học bổng là lựa chọn duy nhất.
Sơn mạnh dạn đăng ký học bổng toàn phần vào trường ĐH VIA – TEKO, theo đúng chuyên ngành Thiết kế nội thất. Năm tháng sau, Trường Sơn là người duy nhất được trường VIA – TEKO gửi giấy báo nhập học theo dạng học bổng toàn phần một năm, gồm 2 học kỳ mùa Xuân và mùa Thu.
Sơn cho biết, tiếng Anh tuy quan trọng nhưng kỹ năng viết hồ sơ cá nhân mới là quyết định. Một hồ sơ thu hút phải được viết bằng đam mê và trải nghiệm. Phải cho người đọc thấy bản thân mình có những kinh nghiệm gì, mục đích phát triển bản thân sau khi nhận học bổng.
Sơn nói: “Các nước châu Âu người ta không quan tâm đến đến một bảng điểm “lung linh” của thí sinh mà muốn biết bạn sẽ làm được gì, “cái tôi”, cá tính và năng lực có đủ “cứng” để thích nghi, tiếp thu kiến thức mới trong một môi trường hoàn toàn khác biệt”.
Suốt 4 năm đại học, Sơn đã trải qua nhiều công việc, từ phục vụ, nhiếp ảnh đến quản lý các phòng trưng bày nội thất… nên hồ sơ cá nhân của Sơn đủ “dày” để thuyết phục trường về khả năng phát triển bản thân.
“Du học sinh chuẩn”
Có học bổng toàn phần, không nhận trợ cấp từ gia đình, công việc part-time thú vị, được du lịch nhiều nước châu Âu… là lý do bạn bè gọi Sơn là “du học sinh chuẩn”. Ngoài giờ học, Sơn có những công việc làm thêm, như: Chụp ảnh, thiết kế “thuê”, sửa xe đạp dạo…
Vì ở Đan Mạch, phương tiện di chuyển chủ yếu là xe đạp nên nhu cầu sửa xe của mọi người khá cao, Sơn không ngại tự học ngay khóa sửa xe đạp cơ bản để hành nghề.
Sơn còn có một nhà hàng nho nhỏ, mang tên San Pher (“San” cách gọi chệch tên Sơn, “Pher” là photographer) chuyên phục vụ món sushi Nhật và gỏi cuốn Việt. Vì quy định ở Đan Mạch, du học sinh chỉ được làm thêm 20 giờ trong tuần nên dù nhà hàng San Pher có lượng khách ổn định nhưng Sơn chỉ mở cửa hàng vào thứ Hai hằng tuần.
Vốn để mở nhà hàng không quá tốn kém, căn hộ Sơn ở khá rộng, sức chứa khoảng 30 khách nên tiết kiệm được tiền thuê mặt bằng. Vì kinh doanh theo kiểu hộ gia đình nên Sơn được miễn thuế. Tuy thời gian hoạt động của nhà hàng bị hạn chế nhưng lượng khách vẫn khá đông. Khách hàng thường phải đặt bàn trước.
Sơn chia sẻ: “Người châu Âu rất thích món ăn Á mà thức ăn Á ở Đan Mạch đắt vô cùng. Sushi, gỏi cuốn là tự tay mình làm, vừa rẻ, vừa ngon, không như kiểu công nghiệp của các nhà hàng trong thành phố nên khách hàng cảm thấy thú vị hơn”.
Trước khi du học, Sơn làm quản lý một showroom nội thất nên đã tường tận cách sắp xếp, chi tiêu như thế nào để kinh doanh có hiệu quả, nhờ vậy, việc quản lý San Pher không gặp trở ngại.
Sơn đã đi qua Thụy Sỹ, Pháp, Hà Lan, Đức, Ý và sắp đến là Thụy Điển và Bỉ. Du lịch là đam mê nhưng đó không phải là lý do chính để cậu lang thang khắp châu Âu. Sơn nói: “Vì mình học Thiết kế nên đi càng nhiều sẽ càng giàu thêm “kho ý tưởng”, học được cái hay của các vùng đất để ứng dụng trong công việc tương lai”.
Ở các nước, người ta không chỉ chú trọng tới thiết kế mà còn quan tâm cảm nhận của người tiêu dùng. Một năm du học, Sơn học được điều quan trọng khi kết hợp kinh doanh và thiết kế, làm sao có thể bán được sản phẩm thiết kế của mình và có thêm nhiều khách hàng. Mỗi sản phẩm thiết kế là mỗi tâm huyết, thêm một khách hàng là thêm năng lượng cho niềm đam mê.
“To do list” của mỗi người
Tháng 2/2016, Trường Sơn sẽ kết thúc việc học. Cậu sẽ về nước, đi làm một năm để tìm hiểu thị trường trong nước, sau đó, tiếp tục săn học bổng Master ở Phần Lan để sau này có thể đi dạy ở các trường đại học. Ba mẹ Sơn đều là giáo viên nên Sơn cũng khát khao chia sẻ những điều học được với những bạn trẻ có cùng chí hướng.
Sơn cho biết: “Mình mong mỏi ngày về, đem những điều học được áp dụng, thực hành ở Việt Nam. Mình thấy được tiềm năng ở quê nhà. Trò chuyện với bạn bè quốc tế, ai cũng muốn đầu tư vào Việt Nam, tại sao mình lại làm điều ngược lại?”.
Sơn từng xót xa khi chứng kiến nhiều du học sinh mải mê làm thêm kiếm tiền mà bỏ học. Theo Sơn, cần xác định đam mê điều gì và kiên tâm “giữ lửa” cho niềm đam mê ấy là điều quan trọng khi bạn quyết định du học.
Sơn tâm sự: “Từ lúc học đại học ở Việt Nam, mình đã tìm kiếm cơ hội. Chuẩn bị mọi thứ, từ tiếng Anh đến các kỹ năng, công việc thực tập… nên khi cơ hội đến, mình nắm bắt rất nhanh. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy thành quả, thực ra, đó là cả một quá trình mình cố gắng trong thời gian dài”.
Mỗi ngày, Sơn đều lên một “to do list” (danh sách những việc cần làm), xếp theo thứ tự ưu tiên, từng bước hoàn thiện những mục tiêu hướng đến. Sơn quan niệm: Cuộc đời mỗi người đều có thể theo hướng họ muốn, miễn là phải được tính toán và thực hiện bằng những nỗ lực không ngừng.
Theo Nguyên Nguyên
Sinh viên Việt Nam