Nan giải trường tạm, lớp ghép!

(Dân trí) - Chỉ tính riêng trên địa bàn Tà Long đã có 5 điểm trường tạm, lớp ghép như ở bản Chai, Pa Ngay, Tà Lao... Nói trường tạm cho... oai vậy thôi, kỳ thực chỉ lèo tèo mấy phòng học được dân bản dựng sơ sài bằng nứa, lá, tre, tranh.

Có một thực tế khá xót lòng ở nhiều xã miền núi của 2 huyện Hướng Hoá, Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đó là việc nhiều em học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Cô học trước quên sau, học cho có học để cuối năm giáo viên đành “ngậm ngùi” cho lên lớp. Chất lượng giáo viên đứng lớp còn thấp bởi trường chẳng ra trường, lớp chẳng ra lớp nên cũng không ai mặn mà lắm với việc học của các em... Tất cả đều bắt nguồn tư nguyên nhân “trường tạm, lớp ghép”.

 

Thầy Dương Vinh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đakrông cho biết: Trong tổng số 315 phòng học ở Đakrông thì 43 phòng học tạm bợ được làm từ tranh tre nứa lá, 31 lớp ghép với 576 học sinh từ bậc tiểu học (15 lớp, 292 học sinh) tới trung học cơ sở (16 lớp, 284 học sinh). Cảnh trường tạm, lớp ghép đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng thầy đứng lớp, trò học bài, nhất là đối với những học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

 

 

Nan giải trường tạm, lớp ghép! - 1

“Toàn cảnh” phòng dành cho giáo viên, trường tạm,

lớp ghép ở bản Chai (xã Tà Long, huyện Đakrông).

 

Dẫn chúng tôi đến điểm trường tạm, lớp ghép ở bản Chai (xã Tà Long, Đakrông), Ông Lê Xuân Bền, Bí thư Đảng ủy xã ngao ngán lắc đầu cho hay: Chỉ tính riêng trên địa bàn Tà Long đã có 5 điểm trường tạm, lớp ghép như ở bản Chai, Pa Ngay, Tà Lao...Nói trường tạm cho... oai vậy thôi, kỳ thực chỉ lèo tèo mấy phòng học được dân bản dựng sơ sài bằng nứa, lá, tre, tranh. Mùa nắng học sinh còn trụ được, chứ mùa mưa thầy cô giáo buộc phải cho trò nghỉ bởi mấy phòng học còm cõi xộc xệch ấy không đủ sức che mưa, che gió.

 

Cứ nhìn điểm trường tạm, lớp ghép tại bản Chai này mới thấy hết cái khó, nỗi khổ của thầy cô giáo ở đây. 2 phòng học được dân bản làm tạm bợ dành cho từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi lớp chưa đầy 7-8 trò học. Thiếu học sinh, thầy giáo phải ghép lớp, nghĩa là ngăn bảng đen thành... 2 phần để dạy... 2 lớp khác nhau (!). Phần bảng bên này, trò lớp 1 tập viết thì phần bảng bên kia, trò lớp 2 làm bài tập.

 

Nhiều học sinh Vân Kiều, Pa Kô học tới lớp 3, lớp 4 mà vẫn chưa thạo mặt chữ. Phụ huynh thì phó mặc cho thầy cô giáo, thậm chí nhiều gia đình không cho con em đến trường với lý do có đi học rồi sau này cũng về làm rẫy thì học để làm gì, thà bỏ học phụ giúp gia đình còn hơn...!

 

Thầy Dương Vinh giãi bày: Mấy năm gần đây, thông qua nguồn vốn từ các chương trình kiên cố hóa trường học, xây nhà ở cho giáo viên vùng khó rồi dự án phát triển trẻ em vùng khó, phát triển trẻ thơ... Huyện Đakrông đã đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy lẫn học của giáo viên và học sinh, thế nhưng hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường tạm, lớp ghép.

 

Đa phần các điểm trường tạm, lớp ghép nằm trên những bản làng xa xôi hẻo lánh nên cơ sở vật chất phục vụ dạy và học như phòng thí nghiệm, thực hành, trang thiết bị bên trong, các phương tiện nghe nhìn... quá thiếu và chưa đạt tiêu chuẩn quy định đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của thầy lẫn trò. Ở các điểm trường tạm, lớp ghép chưa có điều kiện tổ chức 1 ngày học 2 buổi nên không đáp ứng được thời gian học trên lớp đối với các em học sinh Vân Kiều, Pa Kô.

 

Bên cạnh trường tạm lớp ghép có quy mô nhỏ, số lượng học sinh ít nên giáo viên phải dạy kiêm thêm các môn khác và không có giáo viên cùng bộ môn để trao đổi, đúc rút kinh nghiệm giảng dạy đã dẫn đến hệ quả là chất lượng nhiều môn học thấp. Một nguyên nhân nữa, đa số con em đồng bào dân tộc vốn hiểu biết tiếng Việt còn ít và yếu nên tiếp thu bài chậm, có tâm lý rụt rè, không mạnh dạn, thiếu tự tin...

Sĩ Hoàng