Từ vụ bạo hành ở nhóm trẻ không phép:

Nan giải bài toán tìm chỗ gửi trẻ

(Dân trí) - Sau sự vụ bạo hành ở nhóm trẻ gia đình Phương Anh (Q. Thủ Đức), các cơ quan chức năng tại TPHCM đều nhận ra phải làm thế nào đáp ứng đủ chỗ giữ trẻ an toàn. Tuy nhiên, thực tế bài toán cho vấn đề này gặp rất nhiều vướng mắc.

Trước sự việc bạo hành trẻ xảy ra tại cơ sở mầm non (MN) Phương Anh, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch UBND Quận Thủ Đức nhìn nhận vai trò, nhiệm vụ của địa phương quản lý chưa tốt, chưa hoàn thành công tác giám sát. Cũng theo ông Truyền, sau khi sự việc xảy ra, quận đã rà soát được trên địa bàn quận có 131 nhóm trẻ gia đình không phép với tổng số 1.288 trẻ.

Bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ những khó khăn ngành giáo dục mầm non
Bà Trần Thị Kim Thanh - phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ những khó khăn ngành giáo dục mầm non.

Hiện tại, quận đã có phương án bố trí số trẻ này vào các trường MN công lập, tư thục, nhóm trẻ có phép. “Tuy vậy gặp một số trở ngại, hơn 100 trẻ ở phường Linh Xuân không thể bố trí vì các nhóm trẻ đang trong quá trình thẩm định lên trường nhưng chưa biết có đủ điều kiện không. Còn 415 trẻ ở phường Bình Chiểu cũng không bố trí được vì sỉ số các trường, nhóm trẻ có phép đã trên 45 trẻ/lớp nếu bố trí thêm nữa thì quá đông. Còn nếu chờ trường MN Bình Chiểu hoàn thành thì phải đến tháng 2 năm sau mới bố trí được”, ông Truyền chia sẻ.

Còn bà Trần Thị Kim Thanh - phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thì cho biết: theo thống kê, có 65.000 trẻ không có hộ khẩu, KT3 tại TPHCM nhưng vẫn được học tại các trường trên địa bàn TP. Tuy nhiên, thực tế việc giữ trẻ sau khi người mẹ hết thời gian nghỉ thai sản vượt quá khả năng quản lý của ngành giáo dục. Theo luật thì các trường MN công lập chỉ có thể giữ trẻ từ 18 tháng trở lên, chỉ một số ít trường MN tư thục giữ trẻ từ 12 tháng tuổi. Bà Thanh đặt vấn đề rằng “Vậy trách nhiệm chung trong vấn đề quản lý thì ai sẽ chịu trách nhiệm đối với việc giữ những trẻ từ 6-18 tháng mà xã hội đang rất cần”. Theo bà Thanh, vai trò của xã hội hóa để hỗ trợ là rất cần.

Cũng theo bà Thanh, một trong những điều gây khó cho ngành giáo dục thành phố chính là điều kiện cơ sở vật chất. Điều lệ trường mầm non quy định tất cả các phường phải có trường MN công lập nhưng thực tế hiện nay thành phố vẫn còn 9 phường chưa có trường. Thành  phố đã phải “tháo gỡ” bằng cách lập các trường MN liên phường. Trong khi đó thành phố cũng đưa ra chủ trương xây dựng trường ở các khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng qua 3 năm thực sự chỉ có 4 lớp, học ghép ở trường MN Đồng Xanh, huyện Bình Chánh. Dù nhiều nơi “đất sạch” đã có rồi nhưng lại vướng ở chỗ không có tiền xây trường.

Xã hội hóa được xem là giải pháp hỗ trợ cho ngành giáo dục. Thế nhưng yêu cầu các nhóm trẻ lên trường cũng gặp không ít khó khăn vì không phải nhóm trẻ nào cũng đáp ứng đủ chuẩn như nhà vệ sinh đạt yêu cầu, cầu thang đảm bảo an toàn, đầy đủ đồ chơi… “Làm lại nhà vệ sinh, cầu thang để đảm bảo an toàn thì họ không làm được vì không có tiền trong khi việc vay đâu có dễ, họ lấy gì để thế chấp? Chúng ta nghe họ nói nhưng giúp được gì cho họ?”, bà Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, theo Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) TPHCM (Hepza): với hơn 1000 doanh nghiệp (nằm trong 15 KCN,KCX) mà đơn vị này quản lý hiện chỉ mới có một nhà trẻ ở KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) đưa vào hoạt động. Ông Nguyễn Quốc Vĩnh, Phó trưởng phòng Xây dựng (Hepza) cho rằng vấn đề xây trương mầm non cho con em công nhân ở các KCN, KCX rất phức tạp. Lý do vì các KCN,KCX được quy hoạch từ những năm 1990 - 2000 chưa tính đến quy hoạch nhà trẻ và khu lưu trú cho công nhân. Do đó khi bắt tay vào xây dựng các nhà trẻ đáp ứng nhu cầu người lao động thì bị vướn ở chỗ không đủ diện tích đất.

Đến năm 2010, để phục vụ đời sống người công nhân tốt hơn Hepza khảo sát và đề xuất lập 6 dự án trường mầm non tại các KCN, KCX: KCN Hiệp Phước, Tân Tạo, Vĩnh Lộc, KCX Tân Thuận, Linh Trung I, Linh Trung II. Thế nhưng đến thời điểm này mới hoàn thành và đưa vào sử dụng một trường tại Hiệp Phước đảm bảo tiếp nhận giữ 150 trẻ. Trong khi đó, các dự án các trường còn lại vẫn “giẫm chân tại chỗ” vì đang chờ điều chỉnh quy hoạch, thiết kế, trình Sở Xây dựng thẩm định để UBND TP phê duyệt.

Ông Hồ Xuân Lâm - Chánh Văn phòng Ban quản lý các KCX,KCN chia sẻ: “Chúng tôi luôn nhận được những câu hỏi tại sao không làm nhà trẻ, nhà lưu trú cho công nhân. Tuy nhiên chúng tôi không né tránh trách nhiệm nhưng chưa có cơ chế hơn nữa là cần phải có các sở, ngành cùng chung tay tham gia. Tuy nhiên trước những xảy ra những vụ việc hành hạ trẻ tại các cơ sở giữ trẻ vừa rồi khiến chúng tôi cũng thấy xót xa”.

Ông Lâm cũng cho rằng các doanh nghiệp đã đóng thuế hàng năm nên yêu cầu họ phải xây nhà trẻ thì rất khó. Nên kiến nghị cần trích lại phần trăm tiền thuế mà các doanh nghiệp đã đóng góp cho Nhà nước để xây các công trình xã hội như nhà trẻ, phòng khám, nhà lưu trú cho công nhân.

 

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng: Đông công nhân ở các tỉnh đến làm việc là đóng góp cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Để thiếu chỗ cho người lao động gửi con là trách nhiệm của thành phố. Trong khi đó, cần nhìn nhận các nhóm trẻ cũng đáp ứng với túi tiền, thuận lợi cho việc đi làm của công nhân. Vì vậy các quận huyện xem có thể hỗ trợ như thế nào. Cứ yêu cầu xử lý, rà soát lại để đóng cửa là cần thiết nhưng không phải là tất cả.
 
Theo Chủ tịch HĐND thì công tác kiểm tra để phát hiện, xử lý vấn đề, để hỗ trợ, tạo điều kiện chứ không phải để gây khó khăn, phiền hà cho những người có nhu cầu nuôi giữ trẻ. Tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất để người dân có nhu cầu hoạt động về lĩnh vực này được thuận lợi. Để họ không phải hoạt động không phép nữa, đừng gây bất cứ khó khăn, nhũng nhiễu gì cho người dân trong việc làm thủ tục. Các quận huyện cùng các ngành như giáo dục, lao động, nội vụ... cần cụ thể nhiệm vụ hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở trông trẻ để đạt mục tiêu là con em phải có chỗ nuôi dạy được đảm bảo.
 
Lê Phương - Hoài Nam