Sóc Trăng:
Nam sinh lớp 12 sáng tạo giải pháp kiểm soát tốc độ lái xe bằng điện thoại thông minh
(Dân trí) - Một nam sinh ở Sóc Trăng đã sáng tạo ra giải pháp "ứng dụng kiểm soát tốc độ lái xe bằng điện thoại thông minh" giúp người điều khiển phương tiện tránh được những rủi ro không đáng có trong quá trình tham gia giao thông.
Nam sinh Lê Đức Trọng (hiện học lớp 12, Trường THPT Lương Định Của, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Ngày nay, số lượng người sử dụng xe gắn máy, xe ô tô khi tham gia giao thông ngày càng nhiều và hầu hết ai cũng sử dụng điện thoại di động. Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vì nhiều lý do nên nhiều người thường điều khiển phương tiện chạy với tốc độ cao, dẫn đến hay xảy ra tai nạn giao thông.
Các tính toán cho thấy, nếu tốc độ tăng 5% thì tai nạn giao thông tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. Và hơn 80% vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lỗi người điều khiển phương tiện. Muốn giảm tai nạn phải kiểm soát tốc độ, mà muốn kiểm soát tốc độ cần sự vào cuộc không những của tất cả các lực lượng chức năng mà là ở người tham gia giao thông.
Theo Đức Trọng, nếu xây dựng được một ứng dụng đo và cảnh báo tốc độ bằng GPS cho Android, ứng dụng này sẽ rất hữu ích khi người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép thì ứng dụng sẽ báo động, giúp tránh được những rủi ro không đáng có trong quá trình tham gia giao thông.
“Với kỹ thuật lập trình Android và GPS, chúng ta có thể tạo ứng dụng đo và kiểm soát tốc độ. Khi người điều khiển phương tiện giao thông được cung cấp tốc độ được phép, nếu vượt quá tốc độ được quy định thì điện thoại sẽ phát cảnh báo bằng rung và chuông. Khi sử dụng ứng dụng này, sẽ góp phần tích cực vào cuộc chiến giảm thiểu tai nạn giao thông do vượt quá tốc độ. Chính từ đó mà em đã tìm tòi, đưa ra giải pháp “Ứng dụng 2S (chữ viết tắt từ tiếng Anh Safe Speed - tốc độ an toàn) kiểm soát tốc độ lái xe bằng điện thoại thông minh (trong điện thoại có cài đặt ứng dụng 2S)”, Trọng chia sẻ.
Em Đức Trọng cho biết, ứng dụng 2S có chức năng tự động đưa ra tốc độ tối đa cho phép theo loại phương tiện, loại tuyến đường, khu vực đông dân cư và đo, hiển thị, cảnh báo tốc độ khi thiết bị di chuyển vượt quá tốc độ cho phép. Hoạt động này có sử dụng 3G, 4G cùng với định vị GPS để đo vận tốc trên mọi loại tuyến đường như quốc lộ, tỉnh lộ,… và các loại phương tiện mà người tham gia giao thông đang sử dụng. Từ đó, đưa ra cảnh báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông biết về tốc độ xe đang chạy (theo quy định).
Điều ấn tượng là giải pháp này không hề tốn tiền bởi ứng dụng sau khi hoàn thiện sẽ được em Đức Trọng đưa lên CH Play, mọi người có thể tải miễn phí về điện thoại thông minh của mình.
Thầy Trương Văn Đực (giáo viên hướng dẫn cho em Đức Trọng) chia sẻ: “Sau khi chạy thử nghiệm, ứng dụng 2S của em Trọng thỏa mãn các tiêu chí được đề ra như đo tốc độ chính xác đến 98% so với tốc kế cơ học, độ chính xác đạt được đến 3 con số thập phân, đặc biệt không có độ trễ như tốc kế cơ học.
Vì tốc độ giới hạn cho phép được quy định theo loại phương tiện và loại tuyến đường, nên ứng dụng 2S cho phép người dùng chọn loại phương tiện của mình, tự động định vị được loại tuyến đường hiện tại mà người tham gia giao thông đang lưu thông, từ đó tự động đưa ra được giới hạn tốc độ theo loại tuyến đường đó. Khi tốc độ vượt ngưỡng cho phép, ứng dụng tự động phát cảnh báo bằng âm thanh và rung. Nhờ đó người sử dụng được cảnh báo an toàn khi tham gia giao thông”.
Tại lễ tổng kết cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” tỉnh Sóc Trăng lần thứ VII - năm 2018, giải pháp “Ứng dụng 2S kiểm soát tốc độ lái xe bằng điện thoại thông minh” của em Lê Đức Trọng là một trong 5 giải Nhất được Ban tổ chức cấp tỉnh chọn tham dự cuộc thi toàn quốc.
Nam sinh Lê Đức Trọng cho biết thêm, hiện nay em đang tiếp tục hoàn thiện thêm chức năng đo khoảng cách giữa 2 xe chạy cùng chiều, lập bản đồ mật độ xe trên các tuyến đường, để từ đó người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông biết để điều khiển xe được an toàn.
“Trong thời gian tới, em sẽ nghiên cứu kết nối ứng dụng 2S với hệ tốc tay ga, chân ga của xe gắn máy hoặc ô tô thông qua Bluetooth và điều khiển bằng động cơ Servo. Khi tốc độ phương tiện vượt quá giới hạn cho phép, ứng dụng 2S sẽ phát cảnh báo bằng đèn led nhấp nháy được gắn trên tay lái, đồng thời kích hoạt động cơ Servo để giảm tay ga hoặc chân ga về tốc độ an toàn”, Trọng nói thêm ý tưởng.
Được biết, từ cấp Tiểu học đến lớp 11, Lê Đức Trọng liên tục nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ước mơ của Trọng là sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, em sẽ đăng ký thi vào chuyên ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM).
Cao Xuân Lương