Năm học mới mang “màu sắc” dịch cúm
(Dân trí) - Ngành y tế cảnh báo, khi cúm vào trường học là khi đó đã đến giai đoạn nguy hiểm nhất của nó. Một năm học mới sắp bắt đầu và người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của virus cúm A/H1N1 trùm lên những ngôi trường.
Học sinh trường tư thục Nguyễn Khuyến chuẩn bị sơ tán khẩn cấp khỏi ổ dịch cúm A/H1N1 (Ảnh: Ngọc Thanh)
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TPHCM nhận định đây là giai đoạn virus cúm bắt đầu lây lan nhanh trong cộng đồng. Lúc này, việc mỗi công dân phải hiểu và tự phòng ngừa là yếu tố quyết định trong việc phòng chống dịch cúm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng có ý kiến cho rằng trước ngày khai giảng nên có tập huấn cho các trường, trước hết là ban giám hiệu, nhân viên y tế trường. Không những thế, toàn ngành giáo dục cần được trang bị kiến thức tối thiểu về dịch bệnh này, để mỗi người có thể tự kiểm tra sức khỏe của mình.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Bộ Y tế biên soạn một cẩm nang cho HS-SV những hiểu biết sơ đẳng nhất về cách phòng ngừa virus cúm A/H1N1. Có thể hướng dẫn các em truy bài lẫn nhau. Từ đó, các em sẽ trở thành tuyên truyền viên cho bố mẹ, cho những người xung quanh. Chậm nhất đến ngày 28/7, phải biên soạn xong cuốn cẩm nang này.
Sẽ có cuộc vận động mỗi HS-SV tự kiểm tra, tự đánh giá sức khỏe bản thân trước khi đến trường. Các trường cần phải khuyến cáo học sinh trước khi đến trường cần phải tự rà soát lại xem có tiếp xúc với ai, có biểu hiện sốt hay không và phải tự giác đi khám bệnh nếu thấy có nguy cơ.
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, mỗi lớp học nên có vài cặp nhiệt kế để tự đo thân nhiệt cho mình. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý có thể sáng thứ 2 hàng tuần, học sinh nên đo thân nhiệt lẫn nhau.
Không khai giảng nếu chưa làm vệ sinh trường
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo tất cả 41.000 trường học trên cả nước phải thành lập xong ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm trước ngày 30/7/2009. Sau khi đã làm công tác vệ sinh trường học thì mới được khai giảng năm học mới. Bộ Y tế cũng sẽ biên soạn một tài liệu về cúm cho hiệu trưởng các trường. Tài liệu này sẽ đưa lên trang web của Bộ Y tế, trang web các địa phương.
Mỗi trường học phải xác định đơn vị y tế hỗ trợ gần nhất là ai, để khi có dịch cúm thì không phải đi lòng vòng. Ngành giáo dục cũng sẽ xác định lại trường hợp nào thì được nghỉ học, trong thời gian nghỉ học sẽ phải làm gì. Phó thủ tướng cho biết chủ đề của năm học không thay đổi nhưng chủ đề của tuần lễ khai giảng sẽ là Giáo viên, học sinh chủ động ngăn ngừa dịch cúm A/H1N1. Năm học sẽ thực hiện việc phòng chống dịch cúm theo phương châm 2 không: “Không chủ quan, không hoang mang”.
TPHCM là nơi phát sinh hai chùm bệnh trong trường học đầu tiên của cả nước sẽ thực hiện việc vệ sinh trường học một cách rốt ráo hơn. Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết trong thời gian tới sẽ tập huấn cho 100% giáo viên các trường học. Tổng vệ sinh 100% các trường trước khi vào năm học và hàng tuần đều có một lần làm tổng vệ sinh. Phó thủ tướng nhấn mạnh nếu khu nhà vệ sinh là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm thì cần phải dọn vệ sinh hai ngày một lần.
Ngay trong ngày 23/7, UBND TPHCM đã thành lập 6 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn có sự phối hợp của các ban ngành khác nhau để kiểm tra việc phòng chống cúm ở các quận, huyện, trường học, khu vui chơi, khu chế xuất, kí túc xá.
Đặc biệt, cả Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế đều đồng ý nên khuyến cáo học sinh giữa các trường hạn chế việc tiếp xúc với nhau như tham gia văn nghệ liên trường, các giải thi đấu thể thao, liên hoan, cắm trại… Nên tránh tập trung nơi đông người nếu không cần thiết. Nơi nào có trường hợp bị nhiễm thì sau khi đi học lại, các trường nên khuyến cáo học sinh đeo khẩu trang.
Hiếu Hiền