Năm học 2014-2015: Thí điểm mô hình trường học mới ở bậc THCS
(Dân trí) - Sau khi thực hiện khá thành công với mô hình trường học mới Việt Nam ở cấp tiểu học, năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT sẽ tiến thành thí điểm đối với bậc học THCS.
Theo kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2014-2015 mà Bộ GD-ĐT đưa ra thì sẽ tiếp tục triển khai mở rộng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) cấp tiểu học, triển khai thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam cấp THCS; áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương; Trường học đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh; dạy học thông qua di sản; tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp học phổ thông, nhất là cấp tiểu học. Tiếp tục chỉ đạo triển khai dạy và học ngoại ngữ một cách hiệu quả.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong năm học này sẽ tiếp tục triển khai đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kì, cuối năm học. Tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước và ở những địa phương có điều kiện để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm năng cao chất lượng giáo dục.
Phát động sâu rộng, nâng cao hiệu quả cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Song hành với đó là tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các trường trung học phổ thông; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống và kĩ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe của học sinh; giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, giáo dục về chủ quyền biển, đảo, tiết kiệm năng lượng; tăng cường công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học; phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh.
Tiếp tục triển khai sát nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện nhằm giảm đầu mối quản lý nhưng không thực hiện đồng loạt, đại trà mà tiến hành một cách thận trọng, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương; củng cố mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân và xây dựng xã hội học tập.
Tập trung chỉ đạo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương và khu vực. Các trường TCCN thực hiện nghiêm túc quy chế đào tạo, mở ngàh đào tạo, liên kết đào tạo, đổi mới việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực người học nâng cao hiệu quả đào tạo; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với các trường phổ thông trên địa bàn đẩy mạnh công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp.
Ngoài ra, trong năm học mới này ngành sẽ tiếp tục tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, chăm sóc, giáo dục trẻ; triển khai chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện Chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn. Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm/lớp mầm non độc lập, tư thục ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung.
Nguyễn Hùng