Muốn vươn tới đỉnh cao đại học phải thực hiện triết lý "phát triển bền vững"

(Dân trí) - GS. Hiroshi Komiyama nguyên Giám đốc Đại học Tokyo, Chủ tịch Viện nghiên cứu Mitsubishi nêu cao mục tiêu phát triển bền vững, nhấn mạnh việc phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, để đạt được điều này, chúng ta phải thông qua giáo dục.

Chiều 9/9/2017, Trường Đại học Việt Nhật đã tổ chức Hội thảo Khai giảng “Phát triển bền vững”.

Buổi hội thảo nhận được sự chú ý của nhiều cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ môi trường, tổ chức phi chính phủ, đến doanh nghiệp và giảng dạy.

Hội thảo có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nhân lớn đến từ Nhật Bản và Việt Nam, ngoài ra còn có sự tham dự của những chuyên gia, giảng viên đến từ Đại học Osaka; Đại học Waseda; Đại học Yokohama cùng các đại diện từ doanh nghiệp Nhật Bản.

Muốn vươn tới đỉnh cao đại học phải thực hiện triết lý "phát triển bền vững" - 1

Phát biểu mở đầu buổi Hội thảo, GS.TS. Furuta Motoo Hiệu trưởng của Trường Đại học Việt Nhật cho biết, Trường Đại học Việt Nhật luôn theo đuổi triết lý “phát triển bền vững” trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu của Trường hướng tới phục vụ sự phát triển bền vững của xã hội và mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Tất cả các chương trình đào tạo thạc sĩ khai giảng năm 2017 đều có một môn chung gọi là “cơ sở khoa học bền vững”. Do đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học về “phát triển bền vững” nhân dịp năm học mới này chính là một cơ hội để giúp học viên mới nói riêng và toàn thể người tham dự hội thảo nói chung, có thể hiểu được định hướng và triết lý giáo dục của Trường.


GS.TS. Furuta Motoo Hiệu trưởng của Trường Đại học Việt Nhật

GS.TS. Furuta Motoo Hiệu trưởng của Trường Đại học Việt Nhật

Ông Irigaki Hidetoshi Phó chủ tịch cấp cao JICA cho biết, rất quan tâm đến vấn đề Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu và đặc biệt là ở Việt Nam – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng này.

Trong một năm qua, JICA đã cử nhiều giảng viên đến giảng dạy tại Trường Đại học Việt Nhật và hy vọng học viên VJU có thể học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ những giảng viên Nhật Bản. Ông Irigaki Hidetoshi cũng khẳng định: "Hội thảo “phát triển bền vững” là 1 trong chuỗi hoạt động thúc đẩy tình hữu nghị Việt Nhật".

Bài giảng đầu tiên với tựa đề “Beyond the limits to growth – New Ideas for Sustainability from Japan” của GS. Hiroshi Komiyama, nguyên Giám đốc Đại học Tokyo, Chủ tịch Viện nghiên cứu Mitsubishi.

Trong vỏn vẹn 45 phút, GS. Hiroshi Komiyama đã cho thấy một cái nhìn lạc quan đặc trưng của mình về một tương lai bền vững trên thế giới.

Theo GS. Hiroshi Komiyama, sự bền vững được thể hiện qua 3 khía cạnh: Trái đất, xã hội và nhân loại và quan trọng hơn hết, chúng ta đang dần tiến đến một điểm bão hòa trong khía cạnh xã hội và nhân loại.


GS. Hiroshi Komiyama, nguyên Giám đốc Đại học Tokyo, Chủ tịch Viện nghiên cứu Mitsubishi.

GS. Hiroshi Komiyama, nguyên Giám đốc Đại học Tokyo, Chủ tịch Viện nghiên cứu Mitsubishi.

GS. Hiroshi Komiyama dẫn giải, hơn 100 năm trước đến nay, GDP toàn cầu đã tăng gấp 8 lần. Tuổi thọ của con người trong những năm 1900 chỉ là 31, nay đã tăng lên 72. GS. Hiroshi Komiyama nhận định “con người ngày càng đầy đủ về vật chất”, và khi đạt đến độ đầy đủ vật chất, con người sẽ đòi hỏi về chất lượng cuộc sống cao hơn, “chất” cao hơn “lượng”.

Thế kỷ 21 này sẽ là thế kỷ tái chế, con người sẽ dần dần không phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên nữa. Một xã hội cung cấp đầy đủ vật chất cho con người, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, được gọi là một xã hội bạch kim.

Ở xã hội bạch kim, các nguồn lực sẽ được đảm bảo đầy đủ, các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái được giải quyết, đa dạng trong tầng lớp độ tuổi người tham gia, không thiếu cơ hội việc làm và con người tự do trong việc chọn lựa văn hóa, thể thao, nghệ thuật,…

"Như vậy, xã hội bạch kim chính là giải pháp mà Nhật Bản hiện tại đang hướng đến để có thể giải quyết vấn đề môi trường song song với việc mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân" - GS. Hiroshi Komiyama nhấn mạnh.

Nếu GS. Hiroshi Komiyama đề cập nhiều đến giải pháp để phát triển bền vững dựa trên mô hình xã hội bạch kim thì GS. Mai Trọng Nhuận lại đem đến một bài giảng mà phát triển bền vững gần gũi hơn với biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững chỉ đạt được khi có sự ổn định và hài hòa trong xã hội-môi trường-kinh tế.

Tuy nhiên, trong thế giới liên tục thay đổi hiện nay, sự phát triển về xã hội kinh tế liên tục tác động đến con người và xã hội, chưa kể còn có sự tác động của biến đổi khí hậu và chất thải, phát triển bền vững chỉ đạt được khi những giá trị cốt lõi được bảo toàn: Công bằng kinh tế; Bản sắc văn hóa – hòa bình; An ninh con người; Đa dạng sinh học. Việt Nam đặc biệt phải đối mặt với nhiều thử thách về biến đổi khí hậu và gặp nhiều khó khăn trong việc tiến đến phát triển bền vững.


GS.TS. Furuta Motoo và GS Mai Trọng Nhuận

GS.TS. Furuta Motoo và GS Mai Trọng Nhuận

Kết luận, giải pháp của GS. Mai Trọng Nhuận đưa ra để Việt Nam đạt được phát triển bền vững trong tương lai là phải phát triển nguồn nhân lực có tầm nhìn, sáng tạo; hệ thống thông minh thích ứng với Biến đổi khí hậu; học tập các mô hình thích nghi của Nhật Bản; Thay đổi thể chế, khuyến khích sáng tạo xã hội trên nền tảng ứng dụng công nghệ.

Hai bài giảng đều có sức hút, đặc biệt với những bạn học viên VJU. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho hai học giả, xoay quanh các chủ đề: hệ thống thông minh là gì; tính kinh tế của việc sử dụng năng lượng tái tạo; sơ đồ bền vững có nên được mở rộng hay không...

Với 2 bài giảng trên, Hiệu trưởng Furuta Motoo nhận định: "Với bài giảng của GS. Hiroshi Komiyama, theo Hiệu trưởng Furuta Motoo, đã chỉ ra được điểm sai trong nhận thức kinh tế là ưu tiên hàng đầu và môi trường đứng sau kinh tế, đồng thời nêu ra một giải pháp để không rơi vào quan điểm của các nước phát triển: muốn bền vững phải chịu đựng kiểu sống gần gũi với thiên nhiên. Bài giảng của GS. Mai Trọng Nhuận gần gũi với thực trạng của Việt Nam và cũng đề cao việc giáo dục đại học về phát triển bền vững cũng rất đáng chú ý".

Ông Takeuchi Kazuhiko – thành viên Hội đồng của Trường Đại học Việt Nhật nhận xét: "Bài giảng của GS. Hiroshi Komiyama vì giải pháp cho phép tìm kiếm cuộc sống sung túc hơn cho con người mà vẫn đạt được phát triển bền vững.

Bài giảng của GS. Hiroshi Komiyama đã nêu cao mục tiêu phát triển bền vững, nhấn mạnh việc phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, để đạt được điều này, chúng ta phải thông qua giáo dục.

Bên cạnh khái niệm bền vững, bài giảng của GS. Mai Trọng Nhuận còn đề cập đến khái niệm về “resilient” – xã hội phải thích ứng được với những thay đổi toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Do đó, việc đào tạo được nguồn nhân lực có tính thích ứng cao và trí tuệ để điều khiển được máy móc công nghệ cao là vô cùng quan trọng. Có thể thấy, phát triển bền vững là vấn đề toàn cầu, mà để giải quyết vấn đề đó, rất cần những cơ sở nghiên cứu và đào tạo về phát triển bền vững và các vấn đề liên quan".

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm