Muôn vẻ Tết xa nhà của du học sinh Việt
(Dân trí) - "5 năm trước là lần cuối cùng mình được ăn Tết cùng gia đình. Hai năm đầu tiên còn được về nhà ngay sau Tết nhưng từ khi lên đại học thì không thể về nhà liên tục được nên mỗi khi Tết đến thì lại nhớ gia đình bạn bè kinh khủng. Càng trưởng thành thì càng thấy ý nghĩa của mỗi dịp Tết đến, mình chỉ muốn học mau mau rồi về nhà để được quây quần bên bố mẹ".
Đó là những tâm sự của Minh Khuê (sinh viên ĐH Penn State, Mỹ). Nữ du học sinh Việt chia sẻ: “Ở đây, mỗi dịp Tết như thế này mình với hội bạn thân thường hay chơi bài, xem táo quân, ăn uống cùng nhau ngày mùng 1. Hội sinh viên Việt Nam thì tổ chức nhiều event lớn cho dịp Tết mỗi năm, mọi người cùng nhau trang trí, làm video Tết rồi cùng chuẩn bị làm những đồ ăn truyền thống của Việt Nam”.
Với Khuê mỗi dịp như thế chính là cơ hội để những du học sinh Việt Nam cùng quây quần bên nhau sau những ngày học tập, làm việc bận rộn và phần nào giúp vơi đi nỗi nhớ nhà.
Ở những đất nước có nhiều người Việt sinh sống thì không khó để có thể mua được những món ăn truyền thống của Việt Nam tại các chợ Việt. Thế nhưng cái không khí rộn ràng, sự đầm ấm, sum họp hay những sắc hồng của cành đào phai mỗi dịp Tết đến thì không thể nào mua được. Bởi vậy, sự nhớ nhà là điều không tránh khỏi.
Với cô bạn Nguyễn Phước Hoài Linh - sinh viên năm nhất ĐH Stenden, Hà Lan, Tết chỉ trọn vẹn khi được ở cạnh gia đình. Linh tâm sự: “Từ trước đến nay, em luôn là người thích dành nhiều thời gian cho gia đình nên việc đi học xa như này cũng là một thử thách đối với em. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên em đón Tết xa nhà, cuộc sống hiện tại cũng chưa gặp phải khó khăn gì lớn và mọi người ở nhà vẫn thường xuyên liên lạc động viên nên em cũng không cảm thấy tủi thân.
Trong đêm giao thừa, ở bên này em cũng thắp hương và niệm phật đầy đủ vì em vẫn muốn giữ truyền thống gia đình. Mùi thơm của hương khiến em nhớ nhà rất nhiều. Đêm hôm đó em đã đón giao thừa một mình nên cũng có nhiều cảm xúc khó tả lắm".
Vào những ngày giáp Tết, trong khi bạn bè và gia đình ở nhà đang tất bật chuẩn bị cho cái Tết thật đầy đủ thì tại những đất nước không đón Tết âm lịch như Việt Nam, các du học sinh vẫn phải tiếp tục làm việc, học tập như ngày thường.
Mỹ Hạnh (du học sinh tại Đức) cảm thấy tủi thân trong khi bạn bè ở nhà tất bật chuẩn bị mua sắm Tết còn mình thì phải ôn thi. “Bình thường thì cũng tủi thân nhưng đến Tết thì tủi thân hơn vì Tết lại trùng vào đúng lịch thi của em nên áp lực học tập cộng với nhớ nhà, nhớ bạn bè khiến em nhiều lúc cảm thấy rất mệt mỏi. Cũng may hôm 30 Tết ở Việt Nam, em được về sớm nên đã có thời gian gọi điện về cho gia đình”, Hạnh bộc lộ.
Hạnh cho biết thêm: “Ở đây, em cùng mấy bạn người Việt cùng lớp và một số bạn châu Á khác cũng có lễ hội Tết truyền thống này tổ chức nấu ăn với nhau. Mỗi đất nước sẽ nấu một hoặc vài món đặc sản để mọi người cũng thưởng thức nên em cũng thấy vui như ở nhà vậy".
Cùng chung cảm xúc ấy, Hà Anh (du học sinh tại Đức) tâm sự: “Ngày em bay đúng vào 27 Tết nên em may mắn hơn các bạn khác vì cũng đã được hưởng một chút không khí Tết năm nay rồi. Sang đây, em sống cùng gia đình bác. Trong bữa cơm ngày Tết, mọi người nói chuyện cười đùa vui vẻ khiến em lại nhớ đến em em và bố mẹ ở nhà.”
Còn nữ du học sinh Hồng Ngọc (đang học tại Bermen, Đức) lại quên cả tủi thân vì phải đi làm. “Đây là cái Tết đầu tiên em xa nhà nên thực ra cũng có chút hụt hẫng. Em vẫn thường gọi điện về nhà với gia đình. Tuy nhiên những ngày này em vẫn phải bận rộn đi học, đi làm nên cũng không có thời gian mà tủi thân nữa", Ngọc cười nói.
Trong những ngày này, ở phương xa, dù bận rộn với công việc, học tập nhưng các du học sinh vẫn cố gắng cùng nhau tổ chức cái Tết xa xứ nhưng vẫn đậm vị quê nhà. Đây cũng là giúp các bạn vơi đi phần nào sự tủi thân và nỗi nhớ gi agia đình, bạn bè.
Tại Pháp, Mỹ Linh (sinh viên năm thứ 3 khoa Tài chính - kế toán, Đại học Valenciennes) cho biết: “Năm nay là năm thứ 3 mình đón Tết xa nhà rối, cảm xúc thì thật sự không khác năm đầu là mấy vì Tết là một dịp rất thiêng liêng đối với mình nên cứ mỗi dịp gần Tết là cảm xúc lại bồi hồi và háo hức. Ở bên này mình và các bạn du học xinh cũng tất bật tổ chức những hoạt động đón Tết như ở Việt Nam để. Đấy cũng chính là những hoạt động thường niên của hội sinh viên.
Trước Tết một tuần, bọn mình sẽ tổ chức gói bánh chưng. Đây là hoạt động mình yêu thích nhất. Tất cả các anh chị em trong hội sinh viên có dịp quây quần cùng nhau rửa lá dong, nấu đỗ, gói bánh. Sau khi gói bánh xong cả nhóm sẽ thay phiên nhau trông bánh chưng và chơi những trò chơi tập thể.
Đêm giao thừa, bọn mình tổ chức một bữa ăn tất niên nho nhỏ, gọi điện về cho gia đình để cùng đón năm mới. Mùng một Tết mình và bạn bè cũng làm những món ăn truyền thống như nem, gà luộc, thịt đông, có cả giò chả và bánh chưng nữa để cùng nhau ăn bữa cơm năm mới. May mắn là năm nay dịp năm mới vào đúng cuối tuần nên bọn mình có thêm thời gian để ăn Tết cùng bạn bè vào mùng một, mùng hai nữa".
Còn với Duy Quang (sinh viên khoa Quản lý khách sạn tại ĐH Khoa học ứng dụng Saimia, Phần Lan) Tết xa nhà là dịp để các bạn trẻ Việt thân thiết với nhau hơn khi mọi người cũng nấu bánh chưng, làm chả giò, thịt đông.
Quang cho hay, trong đêm giao thừa, các du học sinh Việt xông đất và cùng chúc Tết nhau như tục lệ của Việt Nam và nhắc nhở nhau những điều cấm kị trong ngày Tết. Tuy nhiên, nam sinh này hơi tiếc vì ở thành phố cậu học tập không có chùa nên nhóm bạn không thể đi lễ cầu bình an đầu năm được.
Hồng Nhung