Mức học phí ở 5 thành phố lớn sẽ cao nhất cả nước

(Dân trí) - Đó là mức học phí phổ thông dự kiến của 5 thành phố Cần Thơ, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng. Đây đồng thời cũng là 5 thành phố có chất lượng giáo dục cao nhất nước.

Thông tin trên được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2009-2010 khối giao ước thi đua vùng 7 ngành GD-ĐT của 5 thành phố Cần Thơ, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng vừa tổ chức tại thành phố Hải Phòng.

Theo Phó Thủ tướng, 5 thành phố này có mức sống cao nhất nước, do vậy phải đi đầu về chất lượng giáo dục. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị là khung học phí mới đảm bảo nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Theo đó, nếu TPHCM có mức thu bình quân đầu người là 2,74 triệu đồng/người/tháng thì mức học phí tối đa dự kiến sẽ là 200.000 đồng/tháng trở xuống. Hà Nội, thu nhập bình quân 1,93 triệu thì học phí phổ thông tối đa 120.000 đồng/tháng. Hải Phòng 1,37 triệu đồng/người/tháng thì mức thu là 60.000 đồng/tháng. Đà Nẵng mức thu nhập bình quân là 1,57 triệu đồng/người thì học phí cao nhất sẽ là 90.000 đồng/tháng. Cần Thơ, mức thu nhập là 1,43 triệu đồng thì học phí là 75.000 đồng/tháng trở xuống. Tùy theo mỗi vùng thành thị, nông thôn để các thành phố đưa ra các mức học phí phù hợp, có thể nội thành cao hơn ngoại thành.

“Không thu đồng loạt các khoản đóng góp ở nhà trường, đóng góp tự nguyện phải đúng tính chất tự nguyện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Mức học phí ở 5 thành phố lớn sẽ cao nhất cả nước - 1
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội -  Amsterdam

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi thông tin về các nội dung đổi mới trong công tác giáo dục, bồi dưỡng giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, các nội dung trong chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực…

Đặc biệt là công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, nhiều đại biểu cho rằng cần phải điều chỉnh phương thức thi theo hướng đơn giản hơn, tiếp tục tổ chức thi theo cụm, nhưng phải đảm bảo về vị trí địa lý để học sinh không đi lại quá xa.

Về chấm thi, các đại biểu kiến nghị nên chấm theo cụm vì các tỉnh có vị trí gần nhau để công tác vận chuyển bài thi, nhận kết quả thi được nhanh chóng, thuận lợi hơn là chấm chéo giữa các tỉnh trong kỳ thi vừa qua gây gây áp lực, khó khăn khi vận chuyển.

Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD - ĐT cho rằng: “Trong chấm chéo bài thi tự luận kỳ thi vừa qua cho thấy vẫn đảm bảo độ an toàn, khách quan. Về đề nghị chấm thi theo cụm, Cục sẽ nghiên cứu, tìm hiểu và thông tin trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu chấm thi theo cụm sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp”.

Ông Kiên cũng cho biết, Bộ đã công bố cấu trúc đề thi, về cơ bản vẫn giữ nguyên như kỳ thi trước, chỉ có thay đổi về đề thi năm 2010 là cho học sinh chọn làm 1 trong 2 phần riêng, làm cả 2 phần sẽ không được chấm điểm.

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu phát biểu rằng: “Thanh tra uỷ quyền do Bộ cử về các hội đồng thi có số lượng tăng, nhưng chất lượng chưa tốt, chưa nắm được nghiệp vụ thanh tra. Đề nghị kỳ thi tới, Bộ cử thanh tra uỷ quyền phải phải nắm chắc nghiệp vụ để xử lý các tình huống bất ngờ sảy ra”.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT 5 thành phố lớn cần tập trung  nhiệm vụ quan trọng trong năm học 2009 -2010: 100% các trường học tại 5 thành phố có nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn; thực hiện “3 đủ” cho học sinh (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở); các trường phổ thông, thực hiện “3 công khai” (công khai điều kiện, quy mô đào tạo; công khai nguồn lực; công khai tài chính).

Đặc biệt, hết năm học 2009 - 2010, tất cả các hiệu trưởng phải học xong chương trình bồi dưỡng và các trường sẽ công bố kế hoạch đảm bảo đủ giáo viên vào năm 2012.

Hồng Hạnh