“Mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải để đánh trượt thí sinh”
(Dân trí)- Trả lời báo chí sau kỳ thi tốt nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Mục đích của kỳ thi không phải để đánh trượt TS mà là đánh giá trình độ HS, chất lượng giáo dục, tác động trở lại của kỳ thi đối với việc dạy và học trong nhà trường”.
Thưa Thứ trưởng, năm nay Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động cho các địa phương trong tổ chức thi, dư luận rất băn khoăn về chất lượng và tính nghiêm túc của kỳ thi. Nếu sau chấm thi có những bất thường về kết quả thi. Bộ có tổ chức chấm hậu kiểm không? Có công khai kết quả không?
Sau khi thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ và cuộc vận động 2 không thì có thể thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tiến bộ hơn nhiều. Tình hình học tập của học sinh cũng tốt hơn nên chúng tôi giao chủ động cho các địa phương trong tổ chức thi.
Tuy nhiên, nhưng sai sót, vi phạm trong kỳ thi vẫn chưa hết, còn tồn tại. Bộ năm nào cũng có kiểm tra lại về vấn đề chấm thi và có biện pháp kỹ thuật để kiểm tra việc coi thi có nghiêm túc hay không, có sao chép hay không? Và tùy theo tính chất của sự việc Bộ sẽ quyết định có công khai.
Trong kết luận sau kỳ thi của Bộ có ghi “Tại một số hội đồng coi thi, sau buổi thi một số TS còn vứt bỏ tài liệu không được mang vào phòng thi ở sân trường, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục”. Tuy nhiên, nhiều báo đài đã ghi được hiện tượng thí sinh sử dụng “phao” ngay trong phòng thi chứ không phải chỉ vứt ở sân trường. Bộ có ý kiến gì về vấn đề này?
Có thể các bạn không đồng tình với báo cáo của Bộ nhưng Bộ không có gì sai. Học sinh thường lo lắng đến phút chót vẫn cầm tài liệu để ôn tập lại bài trước khi thi và thi xong thường mang tài liệu ra xem lại để xem làm bài có đúng hay không? Cũng có những thí sinh mang tài liệu vào phòng thi để hy vọng có thể quay cóp nhưng không phải tất cả giấy tờ vất ra ngoài phòng thi đều là phao thi. Cũng không phải có phao thi ở sân trường là hội đồng thi không nghiêm. Vấn đề là có sử dụng được phao thi hay không. Tuy nhiên các trường cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này, không để các thí sinh mang phao thi vào khu vực thi.
Có một vài thí sinh đã ghi lại được cảnh vi phạm quy chế thi ngay trong phòng thi như có cảnh giám thị ném bài, một số môn thí sinh quay bài thoải mái... Với những trường hợp như thế thì sẽ xử lý thế nào với thí sinh phòng thi đó, với giám thị và lãnh đạo tỉnh? Thí sinh quay clip này có được bảo vệ không, thưa Thứ trưởng?
Bộ GD-ĐT hoàn toàn ủng hộ việc người dân, thí sinh phản ánh tiêu cực tới các cơ quan có thẩm quyền và sẽ xử lý nghiêm túc. Còn nói thí sinh có được đảm bảo hay không thì phải xử lý đúng quy trình, đúng thẩm quyền và đúng quy chế.
Sẽ có kỹ thuật riêng để kiểm tra kết quả thi tốt nghiệp!
Thưa Thứ trưởng, kỳ thi năm 2011 đã xảy ra vụ việc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngồi lại với nhau để làm lại barem chấm. Năm nay Bộ có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
Năm nay, Bộ không cho phép địa phương nào viết lại hướng dẫn chấm thi của Bộ mà chỉ có hướng dẫn cụ thể hơn cho giám thị về hướng dẫn chấm thi của Bộ mà thôi. Đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Năm nay Bộ sẽ nâng số lượng bài chấm chung so với năm trước để đảm bảo chấm đều tay.
Thanh tra Bộ sẽ chấm lại số lượng bài nhất định, khoảng 5% bài đã chấm để xem việc chấm thi có đảm bảo đúng hướng dẫn chấm thi của Bộ hay không.
Kết quả thi tốt nghiệp năm nay Bộ công bố hay các tỉnh công bố?
Bộ không công bố kết quả thi tốt nghiệp mà Bộ chỉ duyệt kết quả nhưng trước khi các Sở GD-ĐT công bố kết quả thi thì phải báo cáo Bộ, rút kinh nghiệm năm trước có tình trạng lộn xộn.
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của nhiều địa phương đã xấp xỉ 100%, người dân ngày càng không tin tưởng, vậy Bộ có cách đánh giá nào tốt hơn không? Và có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nữa không?
Bộ GD-ĐT đang trong quá trình đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh nói riêng. Ngày càng có nhiều hình thức đánh giá kiểm tra quá trình học tập của học sinh. Tôi tin rằng không nước nào không tổ chức thi, quan trọng là thi theo hình thức nào phù hợp, ít tốn kém, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng giáo dục chứ không phải là không thi nữa.
Không phải đỗ 98, 99% rồi thì không nên thi nữa vì mục đích của kỳ thi này không phải để đánh trượt thí sinh mà là để đánh giá trình độ thí sinh, chất lượng giáo dục, tác động trở lại của kỳ thi đối với việc dạy và học trong nhà trường. Không thể nhìn kỳ thi thành công hay không ở tỉ lệ đỗ trượt.
Năm nay Bộ cho phép mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi. Bộ có tính đến thí sinh xin phúc khảo sẽ cao đột biến. Bộ chỉ đạo như thế nào để đảm bảo đúng tiến độ, kịp thời có kết quả cho thí sinh trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ?
Theo quy chế thi tốt nghiệp thí sinh nộp đơn xin phúc khảo trong vòng 7 ngày kể từ khi có kết quả thi. Hội đồng phúc khảo làm việc trong thời gian không quá 10 ngày kể từ khi nhận đơn của thí sinh. Các Sở GD-ĐT dựa trên số đơn xin phúc khảo để thành lập hội đồng chấm cho phù hợp. Chậm nhất sau 10 ngày phải công bố kết quả cho thí sinh, đảm bảo đủ thời gian để thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Đây là sự thay đổi nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh được công bằng, dân chủ hơn. Có thể sẽ khó khăn cho sở giáo dục và hội đồng phúc khảo nhưng tất cả là vì quyền lợi của thí sinh.
Bộ GD-ĐT quy định: Chậm nhất đến ngày 18/6, các hội đồng chấm thi xét và đề nghị giám đốc Sở GD-ĐT sơ duyệt kết quả tốt nghiệp, công bố kết quả tạm thời của kỳ thi. Trước ngày 25/6, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho TS. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, có 2 trường hợp đặc biệt được xét đặc cách tốt nghiệp vì những lý do khách quan: Thứ nhất:TS bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi. Điều kiện để xét tốt nghiệp trong trường hợp này phải là những học sinh có học lực và hạnh kiểm cả năm lớp 12 từ khá trở lên. Hồ sơ bao gồm: hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp (nếu bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt); biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp của trường phổ thông nơi đăng ký dự thi. Thứ hai: Những TS bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn, không thể tiếp tục dự thi; hoặc TS sau khi bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi một số môn thi còn lại. Điều kiện để xét đặc cách đối với trường hợp này là phải có điểm bài thi của những môn đã thi đều đạt từ 5 trở lên. Kết quả xếp loại học lực ở lớp 12 từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên. Hồ sơ xét tốt nghiệp gồm: biên bản xác nhận của hội đồng thi; hồ sơ nhập viện, ra viện của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (nếu bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt). Thí sinh tốt nghiệp đặc cách đều xếp loại trung bình. |