Mùa Xuân đi trồng người

Trồng người là câu chuyện giáo dục muôn đời của nhiều quốc gia chứ không phải riêng ở nước ta. Nhật Bản đã ý thức chuyện trồng người từ thời Minh Trị, Hàn Quốc thì vào những năm 1960-1970.

Trung Quốc ồ ạt đưa người du học, cải tổ giáo dục từ vài chục năm trước và đến nay, sinh viên của họ ở các trường ĐH danh tiếng trên thế giới luôn chiếm số đông, kéo theo nền kinh tế lên vị trí số 2 toàn cầu. Những dẫn chứng đó rất gần gũi và cũng là kinh nghiệm quý báu đối với chúng ta.
 
Mùa Xuân đi trồng người

Trong một phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu rất ấn tượng: “Tôi cho rằng tài nguyên lớn nhất của Việt Nam không phải là khoáng sản, dầu khí, bởi một thời gian nữa hết dầu khí thì không còn gì để thu. Tài nguyên lớn nhất của Việt Nam là con người”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ tụt hậu xa của Việt Nam, thậm chí cả với Lào và Campuchia qua những dẫn chứng cụ thể: Theo điều tra năm 2011 của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ lao động qua đào tạo trên cả nước khá thấp, nam giới chỉ 17,4% và nữ giới là 13,7%; năng suất lao động của Việt Nam chỉ tương đương 14,9% Singapore, 9% Mỹ, 40% Thái Lan và 52,6% Trung Quốc.

Cái gì quyết định sức mạnh của nền kinh tế, nếu không phải là năng suất lao động? Các số liệu này cho thấy chúng ta đang tụt hậu rất xa về nguồn nhân lực. Việt Nam phải cạnh tranh như thế nào trong điều kiện ấy, khi mà tốc độ hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực ngày càng sâu hơn?

“Sách trắng 2014” do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 11/11/2013 chỉ rõ: “Trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, phát triển và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng”.

Nhiều khảo sát, nghiên cứu cho thấy 50%, hoặc nhiều hơn thế, nguồn nhân lực đã được đào tạo từ các trường nghề, trường ĐH... phải đào tạo lại. Đó là một thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục.

Để có đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, phải thay đổi căn bản nền giáo dục và mắt xích đầu tiên là các trường sư phạm. Cả Ngân hàng Thế giới và EuroCham đều khuyến nghị phải cải tổ toàn diện nền giáo dục rất lạc hậu đã tồn tại quá lâu ở nước ta, trong khi thị trường lao động và khoa học công nghệ phát triển từng ngày.

Việt Nam có hơn 500 trường ĐH, CĐ với hơn 24.000 TS, GS, PGS và hơn 101.000 ThS. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tụt hậu làm người ta có quyền nghi ngờ đến chất lượng khoa bảng này. Trong một cuộc trả lời trực tuyến gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận sự lạc hậu ấy.

Đó cũng là lý do ra đời của Nghị quyết Trung ương 8 về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo” đang được triển khai. Đây là cuộc đổi mới có tính chất quyết định để đạt được mục đích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đề án này đang được Bộ GD-ĐT hoàn thiện để triển khai đồng bộ, trong đó có việc đổi mới công tác tuyển sinh, thi cử, sách giáo khoa…; đặc biệt nhấn mạnh sự thay đổi mang tính đột phá từ các trường sư phạm.

Chất lượng nguồn nhân lực quyết định năng suất lao động, quyết định khả năng cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia. Tháng 11/2013, Việt Nam đã đón công dân thứ 90 triệu - đạt điểm “thời cơ vàng” về dân số. “Thời cơ vàng” nhưng cũng đầy thách thức vì nếu trong vòng 10-15 năm nữa, chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện thì nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn mãi là nền kinh tế nhân công rẻ. Nguy hiểm hơn, thời điểm “dân số già” sẽ đến, chúng ta sẽ mất cơ hội để trở thành quốc gia công nghiệp phát triển.

Mùa Xuân trồng cây là truyền thống tốt đẹp của thời hiện đại. Mùa Xuân đi trồng người là mệnh lệnh, tiền đồ của dân tộc. Một “cuộc cách mạng giáo dục” phải được tiến hành một cách khoa học nếu muốn tiến về phía trước…

Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm