Mùa xuân bất tử trên bảng xanh của thầy giáo xứ Nghệ
(Dân trí) - Bức tranh được vẽ bằng phấn màu trên bảng của lớp học là món quà đặc biệt mà thầy giáo xứ Nghệ gửi đến các thế hệ chiến sĩ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.
Trong dòng chảy hào hùng của lịch sử dân tộc, có những con người lặng thầm nhưng bền bỉ, góp phần viết nên những trang sử vàng bằng máu, nước mắt và cả tuổi xuân rực rỡ nhất của đời mình.
Đó là những người lính, những người con ưu tú đã dâng trọn trái tim và sinh mệnh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ có thể không được ghi tên trong sử sách, nhưng tên tuổi và công lao đã khắc sâu trong tâm khảm bao thế hệ người Việt.

Bức tranh được vẽ bằng phấn màu, như một lời tri ân thành kính gửi tới các chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước (Ảnh: Trí Nguyễn).
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh, giáo viên Mỹ thuật Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh (thành phố Vinh, Nghệ An) đã thực hiện một tác phẩm đặc biệt ngay trên bảng xanh lớp học. Bức tranh được vẽ bằng phấn màu, như một lời tri ân thành kính gửi tới các chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước.
Tác phẩm tái hiện sinh động thời khắc lịch sử hào hùng ngày 30/4/1975. Hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập được thể hiện đầy khí thế.
Phía sau là đoàn quân giải phóng tiến vào với tinh thần quyết thắng, gương mặt thể hiện sự kiên cường và niềm tin tất thắng. Trên nóc Dinh Độc Lập, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay kiêu hãnh trong gió, tượng trưng cho khát vọng hòa bình và độc lập.

Thầy Hạnh bên bức tranh được vẽ ngay trên bục giảng (Ảnh: Nguyễn Phê).
Dưới bức tranh là dòng chữ nổi bật: "Bắc - Nam một nhà, 30/4/1975-30/4/2025". Đây không chỉ là thông điệp nhắc nhở về một cột mốc vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mà còn là lời khẳng định thiêng liêng về sự toàn vẹn lãnh thổ, niềm tự hào dân tộc trường tồn cùng năm tháng.
"Tôi muốn góp tiếng lòng vào ngày vui đại thắng, nhất là dấu mốc 50 năm, theo cách riêng của mình. Tôi tạo nên một tác phẩm nghệ thuật giản dị mà đầy ý nghĩa trên bảng lớp thân quen", thầy Nguyễn Trí Hạnh chia sẻ.
Đối với học trò, đây không chỉ là một bức tranh nghệ thuật. Đó là một bài học lịch sử sống động, là thông điệp sâu sắc về sự đánh đổi không thể đong đếm của biết bao thế hệ đi trước để giành lấy nền hòa bình hôm nay.
Tác phẩm gợi lại những bước chân hành quân, những bức thư từ chiến hào, những khẩu hiệu khắc vội lên ba lô, tất cả kết tụ trong từng nét phấn để trở thành một khúc ca bất tử.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, bày tỏ xúc động khi chứng kiến tác phẩm trên.

Tác phẩm tái hiện sinh động thời khắc lịch sử thiêng liêng ngày 30/4/1975 (Ảnh: Trí Nguyễn).
Đến nay thầy Nguyễn Trí Hạnh đã thực hiện hơn 500 tác phẩm nghệ thuật bằng phấn trên bảng. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một lát cắt lịch sử hoặc một thông điệp về lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Những tác phẩm ấy không chỉ thể hiện tài năng, mà còn là kết tinh của tình yêu nghề, tình yêu đất nước và sự tri ân với các thế hệ đi trước.
Tri ân là hành động thiêng liêng. Nhưng tri ân không chỉ dừng ở lời nói, mà phải được thể hiện bằng hành động, bằng lối sống tử tế và trách nhiệm với hiện tại và tương lai. Tác phẩm của thầy Hạnh chính là một hành động như thế, là sự tiếp nối niềm tự hào, là cách người thầy lặng lẽ gieo vào lòng học trò một hạt giống yêu nước.
Xin được cúi đầu trước những người lính đã làm nên mùa xuân bất tử của dân tộc. Và cũng xin được trân trọng những người thầy, người cô vẫn ngày đêm âm thầm gieo mầm yêu nước trong từng bài học, để bản hùng ca dân tộc mãi ngân vang qua năm tháng.