Ký sự:

Mùa hè Bắc Âu trong tôi (phần 2)

(Dân trí) - Một ngày cuối tuần, tôi đi khám phá Copenhagen cùng một người bạn Phần Lan mới quen ở khách sạn. Hai chúng tôi quyết định đi bộ dọc những con phố lớn với một chiếc bản đồ thành phố.

Đó là vào 10h sáng chủ nhật và chúng tôi đã kịp chứng kiến nghi thức giao ban khá thú vị của quân đội Hoàng gia Đan Mạch tại lâu đài Rosenborg. Sau một hồi đi bộ dọc bờ biển, chúng tôi dừng lại bên bờ Nyhavn nổi tiếng (cách đó không là nhà của nhà văn H. C. Andersen).

 

Đây là một con đường nước được xây dựng từ thế kỷ 17 và nay trở thành một quận giải trí của Copenhagen. Hai bên bờ Nyhavn là những ngôi nhà cổ đầy màu sắc được xây dựng từ gỗ, gạch, và thạch cao. Du khách có thể đến đây để thưởng thức những món ăn truyền thống của Đan Mạch ở những nhà hàng ngoài trời. Vào những ngày trời lạnh hơn, người ta vẫn thích ngồi ở Nyhavn với một cốc bia và choàng một tấm chăn nhẹ do nhà hàng cung cấp. Đến giờ ăn trưa, chúng tôi dừng lại một quán nhỏ gần đó và thưởng thức món bánh mì sandwich Đan Mạch khá ngon với giá 45 Krone (khoảng 6 euros).

 

Nyhavn buổi chiều hôm (ảnh: Internet)
Nyhavn buổi chiều hôm (ảnh: Internet)

Sau đó chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về phía biển nơi có bức tượng Nàng Tiên Cá trong truyện cổ Andersen. Do đi bộ cả ngày dài, hai đứa đều thấm mệt và dừng lại nghỉ. Bỗng tôi nghe từ phía sau có người nói xin chào với mình.

 

Người phụ nữ trung niên nói với chúng tôi rằng họ có 2 chiếc vé city tour giờ không sử dụng nữa và chúng vẫn còn có giá trị tới ngày hôm sau. Họ muốn tặng cho chúng tôi nếu muốn. Ôi, còn gì hạnh phúc hơn, cả hai đứa hớn hở cảm ơn và trèo lên xe buýt Hop-on Hop-off để dạo một vòng quanh Copenhagen và đến với Nàng tiên cá.

 

Ngồi trên chiếc xe bus hai tầng vào một ngày có nắng đẹp và gió mát, cả hai chúng tôi tự thưởng cho mình một giấc ngủ nhẹ nhàng qua các khu phố cổ. Hành trình lên xuống những địa điểm du lịch của Copenhagen kết thúc một ngày du ngoạn thoải mái tự do và đầy may mắn của chúng tôi.

 

Copenhagen yên bình là thế, tươi đẹp là thế nhưng ít ai có thể tượng tượng được ở giữa trung tâm của thành phố đó là một nơi rất đặc biệt - thành phố tự do Freetown Christiania với dân số tầm 850 người – nơi mà từ năm 2004 mọi người có thể hợp pháp buôn bán các loại ma túy (cannabis).

 

Bức tượng Nàng Tiên Cá ở Bến cảng Copenhagen
Bức tượng Nàng Tiên Cá ở Bến cảng Copenhagen



Christiania cam kết trở thành một cộng đồng tự chủ, nơi mọi người tự do phát triển và thể hiện bản thân mình như những thành viên có trách nhiệm của cộng đồng này. Nghe thì có vẻ nguy hiểm, nhưng đây là một trong những địa điểm “không nổi tiếng” thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Copenhagen.

 

Ban đầu khi đặt chân vào Christiania, tôi có phần hơi e ngại. Những người bán hàng lưu niệm và cần sa được coi là những người cùng khổ đến từ mọi nẻo đường trong xã hội. Họ có thể là dân nhập cư hoặc những người chán ghét cuộc sống bên ngoài (người theo chủ nghĩa lý tưởng, vô chính phủ và lập dị) và tìm đến nơi đây như một chốn dừng chân của cuộc đời.

 

Thú thực tôi không dám nhìn thẳng vào họ. Mặt hàng được bán ở Christiania vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy cảnh người ta sản suất, sử dụng, và buôn bán cần sa một cách hợp pháp giữa một thủ đô yên bình bậc nhất trên thế giới này. Đương nhiên tôi sẽ chẳng bao giờ dám thử hay mua mặt hàng ấy.

 

Cổng vào thành phố tự do Christiania ở Copenhagen
Cổng vào thành phố tự do Christiania ở Copenhagen
 
 

Nhưng đến thăm thành phố tự do này đã cho tôi cảm nhận được sự tương phản hay chính sự đa dạng trong cuộc sống của Copenhagen. Mặc dù vẫn còn nhiều những tranh luận xung quanh sự tồn tại của Christiania, thành phố tự do này đã trở thành một phần khó tách rời về hình ảnh Copenhagen trong mắt du khách và phần nào làm cho thành phố này càng thêm màu sắc cổ tích.

 

Đan Mạch thực sự là một xứ sở của những câu chuyện thần tiên và thủ đô Copenhagen nằm trên hòn đảo Zealand của đất nước nhỏ bé xinh đẹp này chỉ là một phần trong xứ sở đó. Thời gian dài hơn một tháng ở nơi đây với tôi dường như là chưa đủ. Nếu có nhiều thời gian hơn, tôi đã có thể đến thăm Odense – quê hương của Andersen và Aarhus – thành phố lớn thứ hai và là thủ đô vùng Jutland.

 

Tôi không muốn viết lời kết tại đây vì tôi hi vọng sẽ có một dịp nữa được quay trở lại Đan Mạch để tiếp tục câu chuyện về vùng đất cổ tích này...  

 

Vivi

(DHS tại Phần Lan)