Một số tân giáo sư, phó giáo sư bị tố vi phạm liêm chính, Hội đồng kết luận

Mỹ Hà

(Dân trí) - Sau khi các ứng viên được công nhận, nếu có đơn thư tố cáo, phản ánh liên quan đến liêm chính học thuật, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ họp, xác minh theo quy định của Luật tố cáo, khiếu nại.

Ngày 20/11, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước Nguyễn Kim Sơn ký quyết định 80/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) 2023 cho 630 nhà giáo. Trong đó có 58 giáo sư, 572 phó giáo sư.

Ngay sau đó, một số cơ quan báo chí, diễn đàn mạng xã hội xôn xao phản ánh nhiều tân GS, PGS vi phạm liêm chính học thuật, đứng tên các công bố quốc tế..., trong đó có tân GS, PGS ngành y học, kinh tế.

Chiều 25/11, PGS.TS Dương Nghĩa Bang, Phó chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, từ sau khi công bố danh sách các ứng viên GS, PGS đạt chuẩn đến nay, Hội đồng chưa nhận được đơn thư tố cáo chính thức nào từ phía các chuyên gia, đơn vị liên quan đến liêm chính học thuật.

Một số tân giáo sư, phó giáo sư bị tố vi phạm liêm chính, Hội đồng kết luận - 1

Phiên họp của Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngày 4-5/11 (Ảnh: Đức Ngọc).

Trường hợp sau khi các ứng viên được công nhận, nếu có đơn thư tố cáo, phản ánh liên quan đến liêm chính học thuật, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ họp bàn lại nếu có quyết định, kết quả thẩm định của các đơn vị chức năng.

Cũng theo ông Bang, 15 ngày sau khi công bố danh sách các ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS, nếu không nhận được phản hồi nào, danh sách này được thông qua để được công nhận chính thức.

Còn trong quá trình xét duyệt, nếu có đơn thư tố cáo, phản ánh, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ chuyển đến các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành để thẩm định, xác minh, làm rõ thông tin. 

Tùy theo từng nội dung phản ánh, các ứng viên có thể phải giải trình hoặc không phải giải trình.

Đồng thời, ứng viên có thể chọn giải trình bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn của các thành viên hội đồng giáo sư ngành tại phiên báo cáo tổng quan.

Căn cứ giải trình của ứng viên và kết quả xử lý, xác minh của các bên liên quan, Hội đồng Giáo sư ngành tổ chức thảo luận công khai, minh bạch, đưa ra kết quả để báo cáo lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước theo quy định.

Năm 2023, có 648 ứng viên được 28 hội đồng giáo sư ngành/liên ngành đề xuất nhưng chỉ 630 ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay.

Theo Hội đồng Giáo sư Nhà nước, các ứng viên bị loại do nhiều lý do khác xoay quanh các tiêu chí xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó có ứng viên xin rút hồ sơ.

Theo danh sách, ngành Kinh tế chiếm số lượng ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS nhiều nhất với 92 người, gồm 6 tân GS và 86 PGS.

Năm nay Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm 2023 với 74 người. Xếp vị trí tiếp theo là các địa phương: Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An...

Theo danh sách ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, tỉnh Nam Định có 39 người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023. 

Chỉ riêng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có đến 11 người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Có 7 người trong số này trong độ tuổi 8X (sinh từ năm 1980 đến 1989). 

Đặc biệt, năm nay có 7 phó giáo sư trong độ tuổi 8X đạt chuẩn chức danh Giáo sư, trong đó có 3 giảng viên đều đến từ một trường đại học.

Năm nay, 3 ngành, liên ngành không có ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư là ngôn ngữ học, sử học - khảo cổ học - dân tộc học và văn học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm