Ý kiến chuyên gia:
Một số suy nghĩ về giáo dục hiện nay
(Dân trí) - Kỳ 1: Cải tổ giáo dục hiện thời có vẻ như là chuyện của các nhà quản lý. Quí vị đã tham khảo ý kiến của giáo viên chưa? Quí vị có tận tường các khó khăn thuận lợi hoặc nhu cầu và ước vọng của những người vẫn dùng phấn trắng bảng đen mỗi ngày hay không?
Minh họa: Ngọc Diệp
Suy nghĩ đầu tiên: học để làm gì?
Câu hỏi giản dị này có lẻ vẫn chưa được trả lời một cách toàn diện ở nước ta.
Các nhà giáo dục chú trọng đến chương trình, đến sách giáo khoa và đề nghị nhiều cải tổ trong các đường hướng đó.
Phụ huynh, cha mẹ học sinh đều có chủ đích đẩy con em mình học càng cao càng tốt. Thi vào Đại học để đổi đời, để bảo đảm cho tương lai. Tích cực mà nói, ta bảo đó là biểu hiệu của truyền thống hiếu học. Nhưng nếu nhìn một cách tiêu cực ta có thể thấy rằng đó không khác gì tính thực dụng.
Thế là các em đi học vì được xã hội hóa trong bối cảnh đó: phải có điểm cao, phải có mảnh bằng để cha mẹ vui lòng, để kiếm ăn sau này... Học ... bán chết bán sống, quá tải, kiệt lực, hết cả tài sản của cha mẹ, ... không hề gì, hi sinh đời cha để lo cho đời con, hi sinh hiện tại để ngày mai tươi sáng.
Cách đây mấy năm, có cho đăng bài này: học để làm quan:
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/triet-ly-giao-duc-viet-nam-hoc-de-lam-quan-1411820226.htm
Rồi tất cả thu gọn vào chủ đích học vị, chủ đích kiếm sống, làm ra tiền . Mặc kệ nếu ra trường mà không có kỹ năng sống hay không khả năng làm việc.
Học để phát triển bản thân, học để biết, học để làm, học để sống với người khác, học để hạnh phúc... mấy điều cơ bản mà UNESCO đưa ra từ ba bốn thập niên rồi, mà nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng nhưng ta chưa để tâm đến.
Nhưng chưa “vẽ” ra những chủ đích nhất định thì làm sao bàn thảo đến chương trình và phương pháp sư phạm? Rốt cuộc đoàn tàu giáo dục hôm nay sơn thêm màu sắc, hôm sau thay toa, đổi bánh, nhưng vẫn luẩn quẩn lúng túng trong sân ga...
Ngày xưa, lúc tôi còn đi học, thầy tôi bảo học để “Mai giúp nhà giúp nước, Con ráng học nghe con”
Thế là đầu óc trẻ thơ của tôi, và của các bạn đồng song thời đó, đã ghi lòng tạc dạ hai câu ấy mà tới bây giờ chúng tôi vẫn mang áp dụng.
Đất nước cần phát triển thì cần một nền giáo dục tốt và những người biết học để phục vụ xứ sở.
Thời thế có đổi thay. Bây giờ cá nhân lên ngôi. Chắc không còn ai đồng ý học để giúp nhà giúp nước. Nhưng ít nhất, ta thử tìm xem bây giờ học để làm gì – một câu trả lời đồng thuận cùng nhau để cùng nhau bàn tiếp theo những cải tổ cần thiết.
Có thể dùng bài này, cũng trên , để suy nghĩ và để đi xa hơn:
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chu-dich-nao-cho-giao-duc-trong-tuong-lai-1367396405.htm
Suy nghĩ thứ hai
Việc cải tổ chương trình giáo dục phổ thông lần này có chi tiết, có lập luận, dạy kỹ năng, dạy tích hợp, phương pháp đặt trọng tâm lên người đi học, dạy toàn diện có tri thức và dạy cả cái đẹp ...Trên văn bản không chê vào đâu được.
Thế nhưng phải cải tổ với những giáo viên đã được đào tạo từ.thể chế cũ.
Cũ là theo chương trình trước đó. Các tác giả của cải tổ giáo dục có nghĩ đến cái khó khăn của giáo viên hiện tại chưa? Đâu phải chỉ một ngày đẹp trời là ta có thể thay đổi quan niệm, cách dạy hay các thói quen.
Ở xã hội học, chúng tôi bảo rằng “thói quen là một bản tính thứ nhì, mà đuổi bản tính thì nó trở lại như ngựa phi nước đại” (les habitudes sont une deuxième nature et chasser la nature, elle revient au galop).
Các giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn để thích ứng với dạy lấy trò làm trung tâm, với phương pháp tích hợp, ... Ai cũng có sức “cản” trước bất cứ thay đổi nào (résistance aux changements). Chỉ riêng việc thay sự liên hệ giữa thầy và trò - từ liên hệ quyền lực sang liên hệ đồng hàng và cộng tác - là cả một vấn đề. Đó là chưa nói đến những thay đổi khác để theo chương trình mới hay áp dụng các phương pháp sư phạm mới.
Trong văn kiện Hỏi đáp về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các tác giả nói rằng, câu 23 và tiếp theo, giáo viên hiện thời 100% đạt chuẩn và trên chuẩn , nên chỉ cần bồi dưỡng là sẽ thích ứng.
Tôi thận trọng hơn cho việc này.
Nhưng cải tổ giáo dục hiện thời có vẻ như là chuyện của các nhà quản lý. Quí vị đã tham khảo ý kiến của giáo viên chưa? Quí vị có tận tường các khó khăn thuận lợi hoặc nhu cầu và ước vọng của những người vẫn dùng phấn trắng bảng đen mỗi ngày hay không?
Suy nghĩ thứ ba
Giáo dục là công việc của hai diễn viên chính: trò và thầy.
Trong thời sự gần, một em bé lên 14, học lớp 8 trường chuyên Hà nội-Amsterdam đã có những nhận xét về giáo dục làm dư luận lao xao.
Dạy lấy trò làm trung tâm thì ta phải cho chúng lên tiếng.
Ta phải tận tường các môn về tâm lý nhi đồng và tâm lý trẻ để có thể tìm chương trình và phương pháp sư phạm thích ứng. Để cải tổ giáo dục hay để bồi dưỡng giáo viên.
Chúng ta hiện đang bắt trẻ phải thích ứng với chương trình mới vì chúng ta đã suy nghĩ và thiết lập chương trình cho chúng. Như thế thì đâu còn là triết lý dạy lấy trò làm trung tâm. Mà là áp đặt chương trình người lớn quyết định cho trẻ !
Ít nhất là cần khảo sát nghiên cứu thực địa hai mươi mấy triệu học sinh trong nước trước khi đề nghị một chương trình thích hợp.
Hơn nữa, cải tổ kỳ này hình như quên các lớp mẫu giáo? Các lớp mẫu giáo vô cùng quan trọng: đó là thời điểm các cháu tập tành cấu tạo bản thể và học sống với người khác. Mẫu giáo là những lớp đầu tiên trẻ tiếp xúc với trường - “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Nghìn năm chưa dễ đã ai quên” - Những lớp mẫu giáo ghi dấu hằn, gần y như câu thơ của Thế Lữ. Những lớp đó chuẩn bị cho trò vào trung học cơ sở và trẻ đã có khả năng sáng tạo từ tuổi mầm non. Các hình thức lớp học đảo ngược, chẳng hạn, hoàn toàn có thể áp dụng cho trẻ từ 3-5 tuổi.
(Còn tiếp...)
Nguyễn Huỳnh Mai