Một ngày làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

(Dân trí) - Rời ga Hà Nội vào 23h đêm thứ sáu và đến Vinh lúc 4h30 sáng thứ bảy, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chăm chú nghiên cứu các tài liệu và ông chỉ chợp mắt khoảng 2 tiếng…

6h30 sáng thứ bảy, ngày 26/4, ông bắt đầu cho ngày làm việc ở Vinh bằng chuyến thăm khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Viếng mộ Tổng Bí Thư Trần Phú. Sau đó, ông dành hơn 2 giờ làm việc với trường THCS Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh, làm việc hơn 1 giờ tại trường tiểu học và THCS Cẩm Bình, Cẩm Xuyên.

13h30 chiều chủ trì Hội nghị giao ban "Hai không" các tỉnh miền trung. Hơn 17h đi thăm Khu di tích lịch sử Đồng Lộc; 19h-21h30 tối làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các ban ngành về tình hình kinh tế xã hội, chương trình phát triển nguồn nhân lực....

22h đêm, ông rời Hà Tĩnh để ra ga Vinh lên chuyến tàu 23h30 về Hà Nội lúc 5h sáng ngày chủ nhật. Trên chuyến tàu đêm trở về Hà Nội, lại cắm cúi đọc tài liệu, lại hí húi gạch gạch, viết viết...

Một trong những nhân viên của ông nhận xét: “Lịch làm việc đó là trong ngày nghỉ nên mới... thoáng thế đấy chứ ngày thường thì đến con kiến cũng không chui lọt trong danh sách các đề mục làm việc của Phó Thủ tướng!”.

Sự làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, tất cả những nhân viên làm việc dưới quyền của ông đã không còn lạ. Chuyện ông ăn bánh mì vội vàng cho qua bữa hay đi xuống cơ sở liền một mạch trong đêm để làm việc lập tức trong sáng sớm hôm sau đã là chuyện mà những người yêu quý ông dù buồn lòng nhưng cũng không thể can ngăn…
 
Một ngày làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các cháu học sinh THCS Tùng Ảnh (Đức Thọ- Hà Tĩnh), tháng 4/2008.

Nụ cười chính khách

Ngay khi giữ cương vị Bộ trưởng Bộ GD- ĐT, rồi Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng là một trong những chính khách đi cơ sở nhiều nhất. Ông đi rất nhanh, thời gian làm việc liên tục và nhiều người đã đặt câu hỏi: Không biết Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ nghỉ ngơi vào lúc nào?

GS Toán học Bùi Trọng Liễu, người đã xa Việt Nam gần 30 năm nay nhưng vẫn luôn trăn trở, khắc khoải về sự nghiệp giáo dục nơi quê nhà, khi chứng kiến sự “lăn lộn” này đã phải thốt lên: “Ít có ai năng nổ tận tụy như ông Bộ trưởng Bộ GD- ĐT hiện nay; Ông đã liên tiếp có mặt ở nhiều địa bàn để giải quyết những việc cấp bách, khen thưởng, úy lạo. Với một nhịp độ làm việc như vậy, dù là “mình đồng da sắt”, tôi không biết ông sẽ chịu đựng được bao lâu ở vị thế vừa là tư lệnh vừa là xung kích như thế”.

Khi gánh thêm trọng trách của một Phó Thủ tướng, có những lúc người đứng đầu ngành giáo dục tưởng như kiệt sức. Có những hôm tổng kết Hội nghị giáo dục, giọng nói của ông lạc đi. Nhưng sau đó, người ta lại thấy ông vội vã những chuyến đi cơ sở như chưa từng biết mệt...

Nhưng dù vất vả thế nào, mệt mỏi thế nào, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng là một trong những chính khách dễ thương nhất khi ông có nụ cười rất đôn hậu và cũng rất tươi, đặc biệt là khi ông trò chuyện cùng các cháu học sinh. Các cháu học sinh dường như luôn “truyền” cho Phó Thủ tướng một sức mạnh mới. Còn về phần mình, để đáp lại, ông cũng luôn có sẵn những câu chuyện trẻ thơ ngộ nghĩnh với những câu hỏi ngộ nghĩnh dành cho các em như: “Bé thế này mà các con cũng đã biết dạy sớm nấu cơm, giỏi quá! Nồi cơm nhà các con to bằng nào?”...

Một thầy giáo ở trường tiểu học Cẩm Bình đã nhận xét: “Có lẽ, phải từ lâu lắm đến nay, chưa có lúc nào mà lũ học trò còn thò lò mũi cũng đã được gặp Bộ trưởng nhiều đến thế, lại còn được ríu ran trò chuyện như với người thân trong nhà! Thời của cha tôi, cha tôi cũng làm nghề giáo. Ông kể là chưa từng lần nào được gặp Bộ trưởng, họa chăng thì thỉnh thoảng mới được nhìn loáng thoáng Bộ trưởng trong một số ít cuộc Hội nghị lớn, còn lại chỉ được biết qua... ti vi!”.

Cũng theo lời thầy giáo này thì các em học sinh còn nhỏ lắm và các em có thể không hiểu hết những gì mà Bác Bộ trưởng đang cố gắng làm cho nên giáo dục, cho việc học hành của các em. Nhưng trong trí nhớ của các em sau này chắc sẽ còn lưu giữ mãi hình ảnh của một Bác Bộ trưởng với nụ cười gần gũi và ấm áp.
 
Một ngày làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - 2

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các cháu trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, tháng 11/2007.

Làm Bộ trưởng giáo dục thời nay thật khó khăn!

Thời gian gần đây, khi cuộc vận động “Hai không” do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng vào năm 2006, vừa thành công đã bắt đầu gặp phải sóng gió, trong dư luận có nhiều “điều tiếng” nghi ngại về phong cách điều hành của ông Nhân và họ cho rằng ông đã quá lạc quan khi tiến hành cải tổ nền giáo dục. Nhưng, cũng có không ít nhà khoa học - giáo dục lên tiếng bảo vệ ông.

Như GS Việt kiều Bùi Trọng Liễu: “Tôi thiết tha mong các cấp lãnh đạo cao hơn ông, dư luận cả nước và các phương tiện truyền thông, hỗ trợ ông để ông có thể thực hiện được nhiệm vụ của người tư lệnh trong ngành Giáo dục Đào tạo, bởi vì các vấn đề tầm cỡ vĩ mô, chiến lược, cũng cần rất nhiều thì giờ tập trung suy nghĩ trước khi được đưa ra giải quyết”.

Còn TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chỉ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì: “Sức ép đối với ngành giáo dục là rất lớn. Và làm Bộ trưởng giáo dục thời nay thật sự khó khăn. Hiện nay, liên quan đến giáo dục, ai cũng cảm thấy có cái gì đó không ổn và ai cũng hăng hái có ý kiến. Nhưng nhận thức một cách mạch lạc, sáng tỏ về những vấn đề đang đặt ra là cái chúng ta sẽ phải còn hướng tới.”

Quả thật, đế nhận định rằng tất cả các quyết định mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân đưa ra chấn hưng giáo dục là hoàn toàn đúng thì có vẻ là một nhận định còn đôi chút khiên cưỡng. Nhưng, nhìn vào sự tận tụy và vất vả, sự làm việc triền miên ngày nối ngày của ông, chúng ta không thể không cảm thông và hy vọng cho sự ngày một phát triển của ngành giáo dục.
 
Đoàn Trần