Một hướng ra cho ĐH Hoa Sen

Đa dạng hóa đại học để tìm nhiều nguồn đầu tư, điều này có lẽ không cần bàn cãi. Song, khi Luật Giáo dục đại học Việt Nam còn chưa phân định rạch ròi về mô hình, quản lý; quyền hạn, sở hữu… của cổ đông loại hình đại học tư thục “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” thì việc “đấu đá” nhau tại khu vực đại học này vẫn diễn ra triền miên và ngày càng lan rộng.

Câu chuyện của ĐH Hoa Sen (HSU) sẽ được giải quyết như thế nào là thỏa đáng, nhìn ở góc độ luật pháp Việt Nam và hiệu quả mô hình này trên thế giới.

Không văn bản pháp lý nào ghi nhận ĐH Hoa Sen là “vì lợi nhuận”

Có lẽ cũng phải nhắc lại thêm, trong “Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH Hoa Sen”, tại Điều 8 mục 7 có ghi “Trường hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận theo Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005/NQ-CP ngày 18-04-2005…”.

Gần đây, trong biên bản đại hội cổ đông thường niên 2013 cũng như biên bản họp HĐQT ngày 11/7/2014 của HSU, những thành viên HĐQT đã không muốn điều chỉnh cụm từ “cơ chế phi lợi nhuận” thành cụm từ “cơ chế không vì lợi nhuận” để cho phù hợp với cách dùng từ của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) 2012.

Cần nhấn mạnh trong số những thành viên HĐQT không muốn điều chỉnh cụm từ “cơ chế phi lợi nhuận” của quy chế, cũng có những người đứng ra tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 2-8-2014.

Họ không muốn bởi vì chính nhờ cơ chế phi lợi nhuận mà HSU được hưởng tiêu chuẩn theo Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005/NQ-CP ngày 18-04-2005: “Thực hiện việc miễn tiền sử dụng đất, thuê đất đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận”.

Được biết HSU nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước rất lớn: Được giao (cho thuê trên danh nghĩa nhưng tiền thuê được hoàn lại để nhà trường đầu tư) hơn 11.000 m2 đất ở đường Nguyễn Văn Tráng, quận 1 và Công viên Phần mềm Quang Trung; được vay vốn kích cầu không lãi… Chưa kể, sự hỗ trợ về nhân tài, vật lực của chính phủ Pháp thông qua hai tổ chức: AIMF-Hiệp hội Thị trưởng các thành phố Pháp ngữ, CCIV-Phòng Thương mại và Công nghiệp Versailles. Chính sự hỗ trợ này đã tạo danh tiếng về đào tạo cho Hoa Sen trong những bước đi quan trọng của thuở ban đầu lập nghiệp.

Khởi thủy nếu Hoa Sen không là trường bán công, sau là trường phi lợi nhuận, AIMF và CCIV dễ gì đem tiền thuế của dân Pháp đầu tư cho một cơ sở kinh doanh GD Việt Nam.

Rõ ràng quyền lợi mà HSU đã được hưởng là rất lớn, khi chọn hình thức hoạt động theo “cơ chế phi lợi nhuận”.

Một hướng ra cho ĐH Hoa Sen
Dự án mở rộng Cơ sở 2 Trường ĐH Hoa Sen (lô 10 Công viên Phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM) gồm hai block nhà A và B với tổng diện tích sử dụng hơn 21.300 m2, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 9-2016. (Ảnh lấy từ hoasen.edu.vn)

Luật “mù mờ”, cổ đông tranh thủ

Tuy có ghi nhận một số ưu đãi cho các cơ sở GD phi lợi nhuận, song Luật GD và Nghị quyết 05/2005 trên đã không phân định rạch ròi việc sở hữu cũng như chia lợi tức của các cổ đông đầu tư. Do đó, về mặt quy định của luật pháp trước ngày 10/12/2013, ĐH vì lợi nhuận - phi lợi nhuận, đều chia lợi tức như nhau, đây là sơ hở lớn khi tình trạng “mù mờ” luật pháp được kéo dài quá lâu.

Điều trên dẫn đến một lý giải dễ hiểu: HSU vừa chia lợi tức 35%/năm, vừa là ĐH phi lợi nhuận mà vẫn không sai luật pháp Việt Nam.

Có thể thấy trước ngày 1/1/2013, cổ đông HSU đã chia hầu hết chênh lệch thu chi trong quá trình hoạt động, vì vậy mọi chuyện đều “xuôi chèo mát mái”. Tình hình cổ đông đã “quen” với mức sinh lợi trung bình 35% hằng năm, nay theo quy định của Nghị định 141/2013/NĐ-CP - với ĐH phi lợi nhuận, chỉ còn cổ tức không quá lãi suất của trái phiếu chính phủ, tức là vài %/năm - có thể lý giải tại sao có nhiều chuyện “lùm xùm” ở HSU từ sau thời điểm Nghị định 141 có hiệu lực thi hành vào ngày 10/12/2013.

Vừa muốn phi lợi nhuận để được đầu tư, vừa muốn chia 75% lợi tức/năm

Tại đại hội cổ đông thường niên của HSU tháng 1/2014, một số cổ đông lại đòi chia cổ tức bằng tiền lên đến 30%/năm và sau đó đại hội kết luận là chia cổ tức bằng tiền 20% + cổ tức bằng cổ phiếu, tổng cộng lên đến 30,06%/năm (chia đến tỉ lệ phần ngàn!!!); trong khi hiệu trưởng đề nghị cổ tức là 5%/năm.

Điều này cho thấy ngay cả khi Nghị định 141 có hiệu lực, lấy số đông áp đảo, các cổ đông vẫn buộc nhà trường chi trả cổ tức 30,06%/năm. Và sau đó một số cổ đông lại sử dụng chính những con số lợi tức trung bình 35%/năm mà chính họ đã buộc nhà trường phải thi hành (trong lúc Luật GD Việt Nam chưa cấm), cùng với cái phao mới là “cơ chế phi lợi nhuận của Mỹ” không chia cổ tức, trong khi Hoa Sen có chia cổ tức. Và rồi họ lấy cái cớ có chia cổ tức để kết luận rằng: HSU hoạt động thực sự không phải là ĐH phi lợi nhuận, với mong muốn HSU lúc này nếu trở thành ĐH vì lợi nhuận - theo Nghị định 141, cổ đông vẫn có thể tiếp tục chia nhau phần 75% lợi tức hằng năm của nhà trường!

Một điều cần công bố thêm, hiện nay chỉ riêng số tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia ước tính đến ngày 31/3/2014 của HSU đã là một con số lớn ấn tượng: 170 tỉ đồng.

Phải chăng con số này đã khiến cho một số cổ đông “giật mình” khi chủ tịch và hiệu trưởng vẫn muốn đi theo tôn chỉ ngày thành lập là phi lợi nhuận nên lộ rõ mong muốn nhanh chóng thay đổi để có một HĐQT ủng hộ khuynh hướng vì lợi nhuận.

Hành động “uốn éo” qua lại giữa luật Việt Nam và Mỹ tùy thời điểm để đạt được tối đa lợi nhuận của một số cổ đông, cần được phân tích rõ ràng ở đây, như thế.

Đâu là lợi ích hài hòa cho nhà trường - cổ đông - Nhà nước tại ĐH Hoa Sen?

Tránh vết xe đổ như ĐH Hùng Vương, giải pháp nào cho Nhà nước, cho cổ đông, cho xã hội mà vẫn tôn trọng, hài hòa lợi ích của các bên là một câu hỏi thiết thực, không những cho HSU mà còn cho những người cầm cân nảy mực, những người có trách nhiệm với tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Điều kiện kinh tế, pháp lý, xã hội hiện nay và hoàn cảnh của các trường ĐH tư thục Việt Nam có thể cho ra đời những ĐH tư thục không vì lợi nhuận đúng nghĩa hay không?

Nếu chiếu theo Luật GD Việt Nam và các văn bản dưới luật, hiện nay vẫn chưa phân định rạch ròi nhiều vấn đề về quản lý, điều hành và quyền hạn của cổ đông trong hoạt động của một ĐH phi lợi nhuận, “luật chưa giống ai” thì chẳng lẽ Việt Nam sẽ không có mô hình ĐH phi lợi nhuận. Hiện nay, nếu có được ĐH phi lợi nhuận nào tự cho là hoạt động đúng nghĩa theo thông lệ quốc tế, trường đó cũng đang phải “tự biên tự diễn” luật lệ cho riêng mình.

Trong khi đó nếu chiếu theo thông lệ quốc tế, ở Mỹ hiện có hơn 90% trường ĐH tư thục hoạt động theo hướng phi lợi nhuận, tỉ lệ ĐH vì lợi nhuận còn lại, hầu hết là ĐH nhỏ, ĐH cộng đồng hoặc trường nghề.

Trong một cuộc điều tra kéo dài hai năm của Ủy ban Thượng viện Mỹ đặc trách y tế, GD, lao động và hưu trí công bố vào tháng 7/2013 vừa qua đã đưa ra kết luận: “Mỹ đã thất bại trong việc cân bằng đòi hỏi lợi nhuận của giới đầu tư với yêu cầu của người đóng thuế về chất lượng đào tạo, chất lượng hỗ trợ sinh viên và chất lượng đầu ra. Luật liên bang hiện hành chưa khuyến khích được các trường vì-lợi-nhuận vừa đạt thành công tài chính vừa giúp sinh viên”.

Do vậy, bài học thành công và thất bại của nước ngoài trong GD cần được chúng ta nghiên cứu đầy đủ, nghiêm cẩn để tránh đi vào “vết xe đổ” của họ. Trên thực tế hoạt động thành công của hơn 90% ĐH tư thục theo hướng phi lợi nhuận tại Mỹ là một điểm mà Việt Nam cần xem xét.

Trở lại vấn đề của HSU, xét trên cơ sở Luật GD Việt Nam 2012 và Nghị định 141, HSU hội đủ tiêu chuẩn của một trường phi lợi nhuận: Có đầu tư lớn của Nhà nước, đại hội cổ đông các năm đều chưa phế bỏ cơ chế phi lợi nhuận trong quy chế và dù cổ đông có chia lợi nhuận cao cũng nằm trong phạm vi không cấm của luật trong thời điểm trước 10/12/2013. Nay nếu tiếp tục cơ chế phi lợi nhuận, các cổ đông phải bớt lợi nhuận xuống bằng trái phiếu chính phủ và mọi hoạt động của trường vẫn diễn ra bình thường. Với những cổ đông không đồng tình tiếp tục HSU là trường phi lợi nhuận, do họ đã quen hưởng lợi tức 35%/năm, nay không muốn giảm bớt, có thể thoái vốn để họ đầu tư sang lĩnh vực khác.

 Phương thức thoái vốn như thế nào? Đây là lúc HĐQT và các cổ đông cần ngồi lại với nhau để tìm ra một phương thức nhằm đảm bảo được quyền lợi thỏa đáng cho người đầu tư. Chẳng hạn nhà trường có thể dùng tài sản chung không phân chia là nguồn tiền để mua lại cổ phiếu của những cổ đông muốn thoái vốn. Với giá trị tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia đến hết năm nay và một vài năm sau, HSU hoàn toàn có đủ nguồn lực để mua lại cổ phiếu mà nhà đầu tư vẫn được một mức lãi rất cao. Dĩ nhiên cần một lộ trình cụ thể về giá, số lượng cổ phiếu và danh sách cổ đông thoái vốn từng năm, cam kết thực hiện của các bên,…

Nếu chọn con đường vì lợi nhuận, HSU sẽ phải bắt đầu tính toán lại từ đầu các hoạt động kinh tài của nhà trường để phân định lại chủ sở hữu từng phần trong nhà trường, trả lại tất cả sự hỗ trợ của Nhà nước cho trường phi lợi nhuận suốt bảy năm qua, từ đất đai đến thuế má và nhiều hỗ trợ khác theo quy định của Nghị định 141 (nhiều thành viên nhà trường và giới chức quản lý nhà nước lo là ai quản nổi việc trả lại này cho sòng phẳng với tiền thuế của dân).

Và lẽ đương nhiên điều này ắt sẽ tạo một sự xáo trộn lớn cho hoạt động của nhà trường và sẽ đẩy thương hiệu Hoa Sen đến bờ vực thẳm - một ngôi trường đẳng cấp mà tất cả thành viên liên quan: Nhà nước, cổ đông, cán bộ-giáo viên và ngay cả sinh viên đã dày công vun đắp trong suốt bảy năm qua.

Bài toán không đơn giản nhưng không phải không có cách giải. Giải được hay không một phần cũng tùy lòng người.
 
Theo Lam Phương
Pháp luật TPHCM

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm