ĐH Hoa Sen: 11.000 m2 đất và vốn kích cầu làm lợi cho ai?

Trong nhiều trường đại học ngoài công lập, cuộc đấu tranh hỗn loạn để xác lập chủ sở hữu của từng thành viên cổ đông cũng như tập thể nhà trường dường như diễn ra thường trực. ĐH Hoa Sen không là ngoại lệ.

Hơn 20 năm tồn tại của mô hình đại học (ĐH) ngoài công lập Việt Nam, Bộ GD-ĐT vẫn chưa giải quyết thỏa đáng mô hình ĐH phi lợi nhuận và ĐH vì lợi nhuận. Đây chính là rào cản lớn nhất, cũng là nguyên nhân “đánh nhau” trong nội bộ của loại trường này mà dư luận đã biết hoặc chưa biết.

Bảy năm hoạt động - thị giá tăng gấp 10 lần

Khởi đầu khi thành lập ĐH tư thục vào năm 2007, vốn điều lệ của ĐH Hoa Sen là 15 tỉ đồng. Đến đầu năm nay, vốn điều lệ của trường lên gần 94 tỉ đồng. Vào thời điểm tháng 2-2014, giá giao dịch cổ phiếu của ĐH Hoa Sen vào khoảng 16.000 đồng/đơn vị thì thị giá của ĐH Hoa Sen vào khoảng 150 tỉ đồng. Đến giữa năm 2014, giá giao dịch cổ phiếu của ĐH Hoa Sen có lúc lên đến 19.000 đồng, thị giá tăng lên khoảng 170 tỉ đồng.

Về vốn chủ sở hữu, hiện chưa có báo cáo tài chính mới nhất, tạm tính bằng vốn chủ sở hữu vào thời điểm 30-9-2013 vào khoảng 180 tỉ đồng:
Là ĐH phi lợi nhuận không cần tranh cãi

Là ĐH phi lợi nhuận không cần tranh cãi

Điều này được khẳng định ngay từ khi thành lập, cổ đông đã biểu quyết thông qua “Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường Hoa Sen”, trong đó ghi rõ “trường hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận”. Một cơ sở pháp lý mà không một cổ đông hoặc hội đồng quản trị nào có thể xóa bỏ!

Chính nhờ cam kết liên quan đến lợi ích cho cộng đồng, xã hội trên mà trường được Nhà nước hỗ trợ rất lớn: Được Nhà nước giao 1.500 m2 đất ở đường Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành (quận 1, TP.HCM) và 9.600 m2 đất ở Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP.HCM).

Bên cạnh đó, ĐH Hoa Sen còn được Nhà nước cho vay gói hỗ trợ kích cầu để xây dựng trụ sở và cơ sở giảng dạy.

Chỉ tính riêng tiền mua 1.500 m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Tráng, nếu không được Nhà nước hỗ trợ, các cổ đông sẽ phải bỏ ra khoảng 400 tỉ đồng để mua đất (chưa kể tiền xây dựng) lấy chỗ cho sinh viên học, thêm 9.600 m2 đất ở Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12 cũng là khoản tiền không nhỏ. Cộng tất cả giá trị đất mà Nhà nước giao cho ĐH Hoa Sen sử dụng cũng lên tới gần cả ngàn tỉ đồng (gấp vài chục lần số tiền cổ đông bỏ ra), chưa kể tiền vay kích cầu không lãi suất...

Do đó không thể có tình trạng khi thành lập cách đây bảy năm với số vốn nhỏ nhoi 15 tỉ đồng (tức chưa mua nổi một căn nhà mặt tiền 4 x 20 m tại đường Nguyễn Văn Tráng), nay với cơ ngơi đất đai lớn do Nhà nước hỗ trợ, một số cổ đông nghiễm nhiên xem tất cả tài sản đó là “con gà đẻ trứng vàng” cho riêng cá nhân mình.
 
Là ĐH phi lợi nhuận không cần tranh cãi
Nhờ Nhà nước hỗ trợ đất và vốn vay kích cầu Trường ĐH Hoa Sen mới xây dựng hoành tráng trên đường Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM. (Ảnh: Hữu Trí)

Đây cũng chính là cái gốc vấn đề để một lần nữa cần phải khẳng định dứt khoát: ĐH Hoa Sen phải tiếp tục hoàn chỉnh mình để trở thành ĐH phi lợi nhuận đúng nghĩa.

Nếu ai đó đang có ý tưởng bằng mọi giá lèo lái chuyển hướng ĐH Hoa Sen thành ĐH vì lợi nhuận thì đó chính là ý tưởng mang tính lừa bịp và “tham nhũng” tài sản của Nhà nước đã đầu tư cho trường.

Đóng góp 1/3 mức tăng trưởng…

Từ thực tiễn trên, chúng ta thấy ba thành phần có đóng góp cho sự tăng trưởng của ĐH Hoa Sen là: 1. Nhà đầu tư (cổ đông) góp vốn; 2. Đội ngũ giảng viên, nhân viên làm việc tại ĐH Hoa Sen góp giá trị gia tăng từ công sức và trí tuệ của mình; 3. Tài sản cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Giả sử trong bảy năm liên tục (2007-2013), chi phí sử dụng vốn (đã bao gồm rủi ro) là 20% thì đến 2013, số vốn này lên đến 87 tỉ đồng.

Vậy giá trị thặng dư là chênh lệch giữa 87 tỉ và 150-170 tỉ đồng từ đâu mà có? Ai, cái gì đã tạo ra số chênh lệch tăng thêm đó? Có phải chỉ do tự bản thân yếu tố vốn góp của cổ đông và trong thực tế họ đã nhận lại cổ tức?

Câu trả lời dứt khoát là: Không!

Nhất thiết phải kể tới hai yếu tố còn lại: Giảng viên, nhân viên đã nhận lương với mức trung bình của thị trường và họ cũng đã tạo ra giá trị thặng dư. Kế tiếp là giá trị sử dụng phần tài sản hỗ trợ của Nhà nước.

Đã được chia lời 35%/năm

Trước hết chúng ta phải xác lập một quan điểm theo thông lệ quốc tế và Nghị định 141 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24-10-2013: Dù là ĐH phi lợi nhuận nhưng các cổ đông đóng góp tài chính cho nhà trường vẫn được chia lợi nhuận trên số tiền đóng góp của mình (theo thông lệ quốc tế là bằng lãi suất ngân hàng hoặc hơn một chút; còn theo Nghị định 141 thì không được hơn lãi suất trái phiếu chính phủ trong cùng thời kỳ) và tiền chia lợi nhuận không được nhiều hơn lợi nhuận mà trường thu được, sau khi trừ đi các chi phí. Có vậy mới khuyến khích các nhà đầu tư vào giáo dục.

Lợi ích của cổ đông hiển nhiên là rất được xem trọng.

Tại ĐH Hoa Sen, họ đã nhận được: a) Cổ tức bằng tiền từ năm 2007 đến 2013: Trung bình 13%/năm (tính theo mệnh giá) hay là 17,11% tính theo quy đổi giá trị đầu tư và số lượng cổ phiếu; b) Cổ tức bằng cổ phiếu: Từ một cổ phần năm 2007 thành khoảng sáu cổ phần năm 2013.

Như vậy tính cả hai khoản, cổ đông đã nhận trung bình trên 35%/năm, liên tục từ năm 2007 đến 2013. Đây là một mức sinh lời bền vững, đáng mơ ước và cao hơn nhiều so với suất sinh lợi của thị trường vốn mà không một nhà sản xuất kinh doanh chân chính nào dám mơ ước. (Chi tiết trong bảng 2)
Là ĐH phi lợi nhuận không cần tranh cãi

Cần phải thấy thêm rằng: Sự nhập nhằng chính sách giữa ĐH phi lợi nhuận và lợi nhuận mà Bộ GD-ĐT vô tình hay cố ý duy trì quá lâu đã tạo ra “khoảng mờ” mà một số cổ đông chi phối các trường ngoài công lập đã và đang ra sức vận dụng để tự tăng quyền lợi, trong đó ĐH Hoa Sen không là ngoại lệ.

Chỉ đến ngày 10/12/2013 khi Nghị định 141 có hiệu lực, với quy định về tỉ lệ chia cổ tức không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ đối với các ĐH phi lợi nhuận. Tức là từ năm 2014, việc hưởng lợi tức của cổ đông ĐH Hoa Sen mới phải giảm theo mức quy định của Nhà nước.

Phải chăng khi lợi tức bắt đầu bị Nhà nước khống chế, một số cổ đông đã tìm cách nắm luôn cả ngôi trường để “uốn nắn” hướng đi của trường theo kiểu tối đa hóa lợi nhuận. Bởi có trăm ngàn cách để tuồn lợi nhuận ra khỏi một ngôi trường.

Một phát biểu báng bổ

Phát biểu của ông Tô Văn Ngời - thành viên chủ tọa đại hội bất thường đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 2/8 đã cho thấy rõ bản chất của những vấn đề đang diễn ra tại ĐH Hoa Sen: “Cổ đông chúng ta là những người bỏ tiền vào đó. Giáo viên, hôm nay anh không dạy chỗ này thì mai anh dạy chỗ khác. Người lao động có thể mất việc nếu Hoa Sen không còn tồn tại và phát triển. Nhưng chúng tôi là những người bỏ tiền vào, nếu Hoa Sen sụp đổ, chúng tôi mất tiền”. (Trong khi đó với lợi tức 35%/năm, sau bảy năm các cổ đông xem như đã nhận lại 200% vốn bỏ ra).

Đây là một phát biểu thiếu đạo đức, chỉ có thể thấy trong “thời kỳ tư bản hoang dã thế kỷ 19” chứ không phải của một nhà đầu tư giáo dục!

Vậy khi nhà đầu tư đã quyết liệt bảo vệ quyền lợi của mình dù quy chế đã khẳng định phi lợi nhuận từ ban đầu, ai sẽ bảo vệ giá trị đóng góp của Nhà nước, của giảng viên-nhân viên ĐH Hoa Sen?

Mô hình phi lợi nhuận châu Á

Ở khu vực châu Á, nếu căng đúng nguyên tắc “phi lợi nhuận” của các trường ĐH Mỹ xuất hiện cách đây trên một thế kỷ, chắc sẽ khó phát triển ĐH phi lợi nhuận. Vì hầu hết các nước ở châu Á còn chưa có truyền thống hiến, tặng, cho tài sản đối với giáo dục ĐH. Trong khi đó nhu cầu sinh viên gia tăng rất nhanh, nhà nước lại không đủ nguồn lực nên rất nhiều dạng thức “phi lợi nhuận” uyển chuyển ra đời, vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa đảm bảo phần nào quyền lợi cho nhà đầu tư.

Ngoài ĐH phi lợi nhuận có chia lợi tức vừa phải cho nhà đầu tư, đã xuất hiện loại ĐH “nửa vì lợi nhuận”: Trong một tổ chức “không vì lợi nhuận” có thể có một bộ phận vì lợi nhuận. Có trường ĐH hàng đầu ở Mỹ không vì lợi nhuận nhưng sở hữu một bệnh viện tư vì lợi nhuận đem lại đến 50% doanh thu cho nhà trường.

Ngày nay trên thế giới còn có “ĐH có liên quan đến nhà nước” (State - related) như ở Mỹ, nhà nước thường cung cấp khoảng 50% kinh phí, có thể gọi là “bán công”, ĐH có tài trợ công nhưng “vận hành tư” như IUB của Đức, SMU của Singapore…; ĐH tư có tài trợ của nhà nước như ở Ấn Độ; ĐH tư do ĐH công phối hợp với chính quyền địa phương thành lập… Ngân hàng Thế giới (WB) còn khuyến khích lập các ĐH công-tư phối hợp (Public - Private Partnership - PPP). Cũng có nhiều trường ĐH thuộc các công ty như Apple, Dell, Disney, General Motors, Motorola, Xerok Document…

(Trích từ những nghiên cứu của GS Phạm Phụ)

 

Theo Kim Hạnh - Lam Phương - Mai Lan

Pháp luật TPHCM