Một hình mẫu về kết nối trường sư phạm với hệ thống phổ thông
Sứ mạng của trường sư phạm là đào tạo và phát triển liên tục đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục, phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục. Sứ mạng này không thể được thực hiện nếu tách rời trường sư phạm với hệ thống phổ thông.
Mâu thuẫn giữa một bên là sự cần thiết của hệ thống phổ thông với tư cách môi trường cho sự phát triển năng lực của các trường sư phạm, và một bên là sự bất cập, sự tách rời trường sư phạm với hệ thống phổ thông dẫn đến đòi hỏi khách quan phải tìm kiếm một mô hình gắn kết hai hệ thống này.
Một hình mẫu đáng suy ngẫm đáp ứng yêu cầu trên được PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng chia sẻ trong tham luận tại Hội thảo “Phát triển năng lực trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng GV & CBQLCSGDPT” do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV & CBQLCSGDPT (ETEP) - Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 22/11/2017 tại Hà Nội.
Kết nối qua mạng lưới trường vệ tinh
PGS.TS. Lê Quang Sơn cho biết: Sự cần thiết tất yếu phải kết nối với hệ thống phổ thông thúc đẩy Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng nghiên cứu đề xuất và bước đầu thử nghiệm thành công mô hình kết nối thông qua việc xây dựng Mạng lưới trường vệ tinh gồm các trường mầm non và phổ thông tại địa phương.
Mạng lưới trường vệ tinh của ĐHSP-ĐHĐN được thiết lập với triết lý tạo môi trường trải nghiệm và nghiên cứu thường xuyên, liên tục, sát thực tiễn và ngay từ bước đầu của quá trình đào tạo GV&CBQLGD.
Mạng lưới này được thành lập với đồng ý của Thành ủy Đà Nẵng, sự hợp tác của Sở GD&ĐT Đà Nẵng và các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Mạng lưới trường vệ tinh của ĐHSP-ĐHĐN được thiết lập với triết lý tạo môi trường trải nghiệm và nghiên cứu thường xuyên, liên tục, sát thực tiễn và ngay từ bước đầu của quá trình đào tạo GV&CBQLGD.
Khởi đầu, mạng lưới bao gồm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT. này đã ký kết tham gia mạng lưới vệ tinh – nơi sinh viên, học viên của trường sư phạm thường xuyên được gửi đến tham gia các hoạt động.
Các trường được lựa chọn với các tiêu chí: 1) là trường tiên tiến hoặc trường trọng điểm của địa phương; 2) có đội ngũ cán bộ quản lý gương mẫu, có đội ngũ giáo viên đồng bộ và có kinh nghiệm sư phạm; 3) có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho các hoạt động dạy - học và giáo dục của trường và hoạt động thực hành của học viên và sinh viên (HVSV); 4) có quy mô và bậc học, cấp học phù hợp với yêu cầu thực hành của trường sư phạm; và 5) có vị trí thuận tiện cho HVSV thường xuyên đến thực hành.
Hiện tại, mạng lưới đã mở rộng ra 9 trường (mỗi bậc học phổ thông 2 trường và 3 trường mầm non) tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Các hoạt động được lên kế hoạch và thống nhất thực hiện giữa trường sư phạm và mạng lưới trường vệ tinh. Nội dung hoạt động của mạng lưới trường vệ tinh bao gồm:
Thực tế và thực hành dạy học, giáo dục và quản lý giáo dục ngay từ thời điểm khởi đầu quá trình đào tạo. HVSV thực hiện các hoạt động thực tế, thực hành, nghiên cứu trong suốt thời gian học tại trường sư phạm (4 năm đối với SV và 2 năm đối với học viên sau đại học) với thời gian từ 1 buổi/tuần đến 4 buổi/tuần tùy chương trình và kế hoạch đào tạo.
Triển khai các nghiên cứu, thực nghiệm các đề tài khoa học giáo dục do các nhóm nghiên cứu – giảng dạy bao gồm giảng viên của Trường ĐHSP và giáo viên các trường vệ tinh thực hiện;
Chuyển giao các kết quả nghiên cứu, phổ biến các thành tựu mới về khoa học giáo dục, các sáng kiến, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến thông qua các hoạt động hội nghị, hội thảo, xeminar khoa học. Các hoạt động này có thể thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến qua các phương tiện công nghệ. Phối hợp thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng, các hoạt động sự kiện.
Trường ĐHSP có trách nhiệm phối hợp với trường vệ tinh xây dựng kế hoạch; phối hợp triển khai hoạt động thực hành, thực tập, NCKH theo mục tiêu, yêu cầu trong chương trình đào tạo, phát triển GV&CBQLGD và đảm bảo kinh phí cho các hoạt động theo kế hoạch. Nguồn kinh phí hoạt động trích từ kinh phí đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ và các nguồn huy động khác theo quy định.
Sở GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp với trường ĐHSP quản lý, chỉ đạo các hoạt động thực hành, thực tập, NCKH, chuyển giao tri thức và công nghệ theo kế hoạch, đáp ứng yêu cầu của trường ĐHSP.
Trường vệ tinh căn cứ vào Điều lệ trường học tương ứng; căn cứ Thông tư số 16/2014/TT-BGDĐT và thỏa thuận hợp tác với trường ĐHSP để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Điều hành hoạt động theo kế hoạch tại các trường vệ tinh được thực hiện thông qua các Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo được thành lập theo 3 cấp: cấp Sở GD&ĐT, cấp Trường ĐHSP và cấp trường vệ tinh. Các Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng, phê duyệt kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ liên quan.
Kết quả triển vọng
Theo PGS.TS. Lê Quang Sơn, những kết quả ban đầu trong hoạt động của mạng lưới trường vệ tinh cho thấy nhiều triển vọng.
Đợt thử nghiệm thứ nhất được tiến hành với hoạt động đào tạo bậc đại học. Có 149 SV các ngành sư phạm Vật lý, GD Tiểu học, GD Mầm non và Tâm lý học khóa tuyển sinh 2013 tham gia. Đợt thử nghiệm thứ hai được tiến hành với 227 giáo sinh các ngành trên ở khóa tuyển sinh 2014. Kết quả 100% giáo sinh được đánh giá “giỏi” trong thực tập tốt nghiệp.
Các cơ sở thực tập đều đánh giá cao về chất lượng giáo dục, đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của trường ĐHSP-ĐHĐN. Các giáo sinh đều tự tin với phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của mình.
Từ thực tiễn, PGS.TS. Lê Quang Sơn cho rằng, mạng lưới trường vệ tinh cho phép trường sư phạm có được một môi trường phù hợp cho HVSV trải nghiệm thực tiễn giáo dục và QLGD để hình thành các phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cần thiết.
Bản thân trường sư phạm có được cơ hội mở rộng thêm thực tế giáo dục để bổ sung vào quá trình đào tạo về khoa học và nghiệp vụ sư phạm, điều chỉnh chương trình và quy trình đào tạo; mở rộng cơ hội phát hiện và triển khai NCKH giáo dục cũng như triển khai ứng dụng các thành tựu mới về giáo dục một cách thuận lợi và hiệu quả.
Đồng thời, có được động lực mới để phát triển theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn giáo dục; phát huy tốt hơn vai trò của mình trong các hoạt động cộng đồng...
Theo Hải Bình
Giáo dục & Thời đại