Một câu chuyện thập thò?!

(Dân trí) - Không thể tới được các trường phổ thông, internet hiện chỉ đang trong tình trạng “thập thò” cho ngành giáo dục đạt được mục tiêu phổ cập internet! Được biết, với cụm từ “phổ cập”, tình trạng thập thò không chỉ là của riêng internet.

Mặc dù, trong báo cáo về tình hình công tác khoa học công nghệ năm học 2004-2005, Bộ GD-ĐT luôn khẳng định sau 30 tháng thực hiện bản thoả thuận giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Bưu chính Viễn thông về việc thực hiện triển khai kết nối Internet trường học tới tất cả các trường ĐH, CĐ, THCN, THPT và 50% THCS, đã có 98% các trường THPT kết nối Internet và tính đến tháng 6/2005, cả nước có 33% trường THCS được kết nối. Internet đã được phổ cấp tới các trường phổ thông!

 

Tuy nhiên, thực tế của việc phổ cập này là thế nào? Nếu như ở những tỉnh có điều kiện về kinh phí, các trường được đầu tư cho những phòng máy tính gọi là cũng tàm tạm thì ở những phòng máy này, theo sự đánh giá của TS.Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ GD-ĐT: luôn có bụi vì luôn bị khoá cửa im ỉm và chỉ được mở một số lần trong tuần với những giờ học ngắn ngủi. Nếu trường nào khả dĩ hơn không để bụi bám trên máy tính thì đống máy tính đắt tiền đó được biến thành... đống máy chữ chứ không phải để phục vụ cho việc dẫn lối vào Internet!

 

Tình hình của những tỉnh có điều kiện số phận của Internet trong trường học còn hẩm hiu như vậy, thì hiển nhiên ở những tỉnh mà mỗi trường chỉ có một máy tính thì chiếc máy tính này phải gánh tất cả nhiệm vụ trừ nhiệm vụ kết nối!

 

Theo biên bản thoả thuận, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trang bị máy tính, Bộ Bưu chính Viễn thông chịu trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và internet triển khai đường kết nối đến tận cổng các cơ sở giáo dục đào tạo. Quả thật, nếu tính theo kiểu: có máy, có cổng đường truyền thì đúng là những tỷ lệ mà Bộ đã công bố không hề sai vì một máy thì cũng là có máy và có cổng đường truyền nhưng không quan tâm đến kết nối thì cũng vẫn là đã có internet!

 

Cùng đó, theo sự than vãn của Bộ GD-ĐT thì dự toán cho dự án đào tạo nguồn nhân lực CNTT, đưa CNTT vào nhà trường là 120 tỷ đồng nhưng thực tế Bộ Tài chính mới chỉ bố trí được 65 tỷ đồng, đáp ứng 54% so với nhu cầu. Trong đó, phân bổ cho Trung ương 15 tỷ đồng, các địa phương 50 tỷ đồng. Bình quân mỗi tỉnh chỉ được phân bổ gần 800 triệu đồng và Bộ đã phải chỉ đạo các địa phương cố gắng ưu tiên kinh phí cho việc kết nối để mỗi trường có ít nhất là... một máy!

 

 

Đoàn Trần

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm