Một bộ phận không nhỏ giáo viên chán nghề

(Dân trí)-Đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông” do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm vừa được đánh giá, nghiệm thu. Nghiên cứu cho thấy, một bộ phận không nhỏ GV chán nghề.

Đây là đề tài do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam thực hiện với sự phối hợp của các cơ quan: Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Văn phòng Quốc hội); Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT); Trường ĐH Giáo dục- ĐH Quốc gia HN và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Đề tài nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2012, với 27 tác giả, nghiên cứu trên 6.000 nghiệm thể ở 13 tỉnh thành và 10 trường sư phạm trên cả nước. Kết quả nghiên cứu đạt được là xây dựng được cơ sở khoa học làm căn cứ đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó xác định vị trí, vai trò, chức năng của giáo dục phổ thông trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; xác định mục tiêu giáo dục phổ thông và mô hình nhà trường phổ thông sau 10 - 15 năm tới.

Trong đề tài nghiên cứu này, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, do khó khăn của cuộc sống, áp lực của công việc nên có một bộ phận không nhỏ giáo viên không còn tâm huyết với nghề. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến thời gian qua số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường sư phạm giảm, chất lượng đầu vào không cao.

Đề tài nghiên cứu cũng chỉ ra những thực trạng công tác đào tạo giáo viên phổ thông hiện nay. Chẳng hạn như, kết quả khảo sát cho thấy những hạn chế của sinh viên trong các trường sư phạm được thể hiện rõ nhất ở năng lực tìm hiểu học sinh, môi trường giáo dục, năng lực giao tiếp và công tác xã hội, phối hợp các lực lượng giáo dục. Chưa có cơ chế về sự cộng tác giữa trường sư phạm và trường phổ thông trên nhiều lĩnh vực.

Đề tài nghiên cứu cũng chỉ rõ, công tác nghiên cứu khoa học ở các trường sư phạm còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất ở các trường thực hiện đào tạo theo tín chỉ vẫn còn nhiều bất cập kể cả quy mô và chất lượng....

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, Ban chủ nhiệm đã đề xuất 6 nhóm giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, như: Tái cơ cấu hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên: giảm số lượng của các cơ sở, mỗi cơ sở thực hiện đồng thời 3 chức năng (đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu), tăng cường mối quan hệ nội bộ, giữ liên hệ chặt chẽ với các trường phổ thông;

Chuyển đổi mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản - ban đầu kết hợp với đào tạo bổ sung định kỳ; Đề nghị Quốc hội ban hành đạo luật về giáo viên và nghề dạy học nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp cải cách…

Ngoài ra, nhóm cũng đề xuất cần có chính sách để tăng lương cho giáo viên. Qua điều tra của nhóm tác giả, lương của giáo viên trung bình hiện này chỉ dao động từ 3-3,5 triệu/tháng. Với mức lương như vậy, các tác giả cho rằng giáo viên không đủ sống.

Theo phân tích của đề tài nghiên cứu, với mức lương hiện nay thì để nâng cao đời sống của mình thì giáo viên chỉ có thể dạy thêm hoặc làm thêm nghề khác. Trong khi xã hội đang bức xúc về chuyện dạy thêm, học thêm nên đã có những văn bản khắt khe. Cơ chế dạy thêm bị thắt chặt nên giáo viên sẽ làm thêm những nghề khác dẫn đến thời gian nghiên cứu, sáng tạo trong giảng dạy cũng bị hạn chế. Giải pháp tăng lương cho giáo viên sẽ tạo điều kiện cho họ chú tâm với nghề hơn.

Với chất lượng nghiên cứu được đảm bảo, đề tài đã đạt điểm bình quân là 93,29 điểm và đạt loại xuất sắc.

S.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm