Mông lung con đường du học bằng ngân sách
Năm nay, tất cả các em đạt giải đã học xong lớp 12 tiếp tục sự nghiệp đèn sách tại một trường ĐH trong nước, giấc mơ du học có trở thành hiện thực hay không còn tùy vào sự xoay xở của từng em.
Trong khi đó, theo quy chế, thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.
Thích Toán nhưng phải học Kinh tế Đối ngoại
Nguyễn Hùng Tâm, huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế 2012, cựu học sinh lớp 12 chuyên Toán trường THPT Hà Nội - Amsterdam, hiện đang là sinh viên năm nhất khoa Kinh tế Đối ngoại trường ĐH Ngoại thương, Hà Nội.
Cũng như hầu hết sinh viên từng có thành tích cao trong học tập khác, Tâm mong mỏi có cơ hội du học ở các trường ĐH tiên tiến của thế giới.
Tuy nhiên, cơ hội du học bằng nguồn ngân sách nhà nước đối với Tâm đến thời điểm này rất mờ mịt vì đề án 322 đã ngừng tuyển sinh bắt đầu từ năm nay, còn đề án mới thì chưa biết bao giờ sẽ được phê duyệt.
Tự biết không thể trông chờ vào nguồn nhà nước nên Tâm đang nỗ lực nộp hồ sơ xin học bổng một số trường ĐH ở Mỹ và Singapore.
“Em học chuyên toán khá lâu nên muốn gắn bó sự nghiệp của mình với toán hoặc các ngành liên quan tới logic như tin học, công nghệ máy tính. Nhưng trong trường hợp xấu nhất là phải học trong nước thì em phải theo ngành kinh tế. Nếu chỉ học rồi làm việc ở Việt Nam, em không thể vừa làm toán cả đời vừa mưu cầu một cuộc sống đầy đủ, Tâm cho biết.
Tự xoay xở
Không chỉ Tâm mà tất cả các tân sinh viên vừa đạt giải Olympic khu vực, quốc tế năm 2012 đều phải tự “liệu cơm gắp mắm” khi hoạch định tương lai của mình.
Nguyễn Việt Hoàng, cựu học sinh lớp 12 chuyên Hoá trường Hà Nội - Amsterdam, huy chương bạc Olympic Hoá học quốc tế, cũng đang vừa học chương trình chính khoá ở trường ĐH Dược Hà Nội vừa gấp rút học tiếng Anh để hoàn thành các chứng chỉ cần thiết cho việc xin học bổng.
Hoàng hy vọng sẽ kịp để được chấp nhận thành sinh viên ngành Hóa - Dược ở một trường ĐH tốt ở Mỹ vào mùa thu năm 2013.
Một nhân vật được nhiều báo chí viết chân dung trong đợt hè vừa qua - Đậu Hải Đăng, huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, cựu học sinh lớp 12 toán trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội thì lập một kế hoạch chậm rãi hơn: Du học vào mùa thu năm 2014.
Hải Đăng giải thích: “Bây giờ em mới bắt đầu học tiếng Anh vì thời gian vừa rồi em lo học đội tuyển nên không có thời gian học. Nếu việc học trôi chảy thì sang năm em mới apply xin học bổng được. Em đang học ngành toán ở ĐH Quốc gia, xin học bổng cũng ngành toán nên em hy vọng khi được du học mình không phải học lại từ đầu mà chuyển tiếp luôn lên năm thứ ba”.
Trao đổi với Tiền Phong, không chỉ các phụ huynh có con đoạt giải các kỳ thi Olympic quốc tế năm nay mà giáo viên dạy các em đều tỏ ra băn khoăn khi nói về chính sách ưu đãi hiện nay dành cho các học sinh đạt giải quốc tế.
Thầy Kim Ngọc Chính, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa nhận xét chính sách đãi ngộ của địa phương đối với học sinh chuyên nói chung và học sinh đạt các giải quốc gia, quốc tế rất tốt trong khi chính sách chung của nhà nước thì chưa có gì nổi bật ngoài việc các em đoạt giải quốc tế được du học bằng ngân sách.
“Vậy mà đến bây giờ việc du học bằng ngân sách năm nay của các em ra sao Bộ GD&ĐT cũng chưa có bất kỳ một thông báo nào”, thầy Chính nói. Trường Lam Sơn năm nay có 2 học sinh đạt giải quốc tế là Lê Huy Quang huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế và em Lê Quang Lâm huy chương Đồng Olympic toán quốc tế. Hiện Quang đang học trường ĐH Ngoại thương (dù rất muốn tiếp tục học vật lý), còn Lâm học ĐH Xây dựng.
Ưu đãi “cà giật”
Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Bộ sẽ không để cho các em tự thân vận động mà Bộ sẽ lo về việc này, tuy nhiên hiện nay chưa có kết quả cụ thể. Bộ sẽ phấn đấu để vào năm học tới các em kịp du học. Cái này khó vì không chỉ phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT”.
Nhiều nhà khoa học và là giáo viên được giao phụ trách việc dẫn các đội tuyển Olympic quốc tế đi thi hàng năm cũng cho rằng không có gì để nghi ngờ về chủ trương ưu đãi học sinh giỏi quốc tế du học nước ngoài, việc gián đoạn như hiện nay chỉ là tạm thời.
Tuy nhiên, cũng có nhà khoa học nhận xét, chính sự gián đoạn này thể hiện chính sách đãi ngộ kiểu “cà giật”, thiếu đồng bộ trong vấn đề trọng dụng nhân tài nói chung, khích lệ các cá nhân đạt kết quả xuất sắc trong giáo dục - đào tạo nói riêng.
Theo Tiền Phong