Đồng Tháp:
Môi trường giáo dục mầm non làm "say đắm" phụ huynh
(Dân trí) - Ngôi trường không chỉ rộng đẹp, rợp bóng cây xanh, đến lớp học cũng đẹp, giáo viên giỏi chuyên môn, tận tình với học sinh mà phụ huynh còn được cùng tham gia vào thực hiện chương trình giáo dục của lớp học, của nhà trường.
Giai đoạn 2011-2015, ngành GD&ĐT Đồng Tháp cùng địa phương đã đưa công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi đạt chuẩn. Tỷ lệ trẻ huy động 5 tuổi ra lớp, trẻ trong độ tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, trẻ chuyên cần đều đạt 99%, suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân còn 3%, (chuẩn dưới 10%), giáo viên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 50%, cơ sở vật chất các đơn vị trường đều đạt các tiêu chí theo qui định... Với tỷ lệ trên, tỉnh được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi đúng lộ trình.
Mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm
Đối với nhà giáo dục, việc xây dựng môi trường giáo dục phù hợp sẽ là phương tiện, là điều kiện để họ phát triển phù hợp với từng trẻ và từng lứa tuổi.
Đối với phụ huynh và xã hội, quá trình xây dựng môi trường giáo dục sẽ thu hút được sự tham gia của các bậc phụ huynh và sự đóng góp của cộng đồng xã hội để thỏa mãn mong đợi của họ đối với sự phát triển của trẻ trong từng giai đoạn.
Trường MN thị trấn Lấp Vò - huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp là một trong những trường MN đạt mức độ 3. Trường đã xác định rõ mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm.
Học sinh trường MN trị trấn Lấp Vò - Đồng Tháp trong giờ học ngoài trời
Với diện tích rộng, nhà trường đã bố trí các khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời một cách khoa học và phù hợp như bố trí diện tích sân tập thể dục cho trẻ toàn trường và khu chơi thể thao (cột bóng rổ, thang leo, sân chơi bóng đá mini…).
Sân chơi xanh, sạch, đẹp, có 3/3 sân có bộ đồ chơi ngoài trời, được sử dụng thường xuyên an toàn, có nguồn nước sạch cho trẻ sử dụng.
Khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời (cầu trượt, đu quay, đu bay, bập bênh, nhà bóng…); khu vực chơi “giao thông”; khu vực chơi với đất, cát, nước, đá, sỏi…; khu vực trẻ trồng rau, trồng cây và chăm sóc cây cối, con vật nuôi; khu trồng cỏ, trồng hoa, trồng cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát trên sân trường; khu tạo sân cỏ… hệ thống đường đi lối lại trên sân...
Trường có 100% trẻ được học 2 buổi/ngày
Đặc biệt, với yếu tố thời tiết khí hậu nắng nóng nhiều, trường MN Lấp Vò đã xác định sân chơi của trẻ rất cần có cây xanh bóng mát, do đó việc trồng các cây bóng mát đã được nhà trường chú trọng.
Lá dừa cũng được cô giáo đưa đến để học sinh cùng gấp đồ chơi
Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Tuyến, hiệu trưởng trường MN thị trấn Lấp Vò cho biết, có được thành quả này là nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền phối hợp giữa gia đình và nhà trường, các ban ngành đoàn thể ở địa phương cùng cộng đồng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ ra lớp.
Để phụ huynh tham gia lớp học, trường MN Lấp Vò đã thường xuyên duy trì đều đặn các cuộc họp phụ huynh thông báo tình hình hoạt động của nhà trường.
Kéo phụ huynh cùng tham gia giảng dạy
Cùng với trường MN thị trấn Lấp Vò, trường MN Hòa An (TP.Cao Lãnh) cũng là những điểm trường sáng về thực hiện phổ cập giáo dục MN. Cuối năm 2015, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Cô Đỗ Thị Điểm, Hiệu trưởng trường MN Hòa An cho biết, từ khi thực hiện công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đến nay đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt là có sự phối hợp của phụ huynh và cộng đồng cùng nhà trường chăm lo cho các cháu luôn gắn kết.
Việc thực hiện xã hội hóa tăng (năm 2014 phụ huynh và cộng đồng đóng góp hơn 70 triệu, năm 2016 đóng góp được hơn 175 triệu đồng), đóng góp tiền và ngày công lao động, hiện vật, đặc biệt là công tác chăm sóc giáo dục các cháu hàng ngày luôn được phụ huynh quan tâm.
Phụ huynh trường MN Hòa An tới lớp cùng giáo viên tham gia dạy trẻ
Phụ huynh trường MN Hòa An không chỉ được mời tới lớp tham gia giảng dạy cùng giáo viên mà còn được đọc tài liệu giáo viên đưa cho để về nhà giảng dạy cho con.
Cô giáo Trần Mỹ Thuận trường MN Hòa An cho biết, để lôi kéo phụ huynh tham gia dạy trẻ, tôi đã giới thiệu các hoạt động ở trường, ở lớp cách sinh hoạt và cho phụ huynh trực tiếp ở lớp chơi với trẻ để cho trẻ mạnh dạn tự tin. Phối hợp với phụ huynh về các chủ đề từng tuần như hội thi của bé khỏe, bé ngoan.
Đồng thời gửi tài liệu đã ôn tập ở lớp rồi đưa cho phụ huynh về nhà ôn tiếp cho trẻ để trẻ thi đạt kết quả cao. Đặc biệt, phối hợp cùng phụ huynh cho dự giờ, thao giảng để phụ huynh thấy bé học như thế nào để phối hợp hỗ trợ cùng với cô giáo. Bên cạnh đó, khuyến khích phụ huynh tham gia cùng với giáo viên làm đồ dùng học tập như chai, lọ...
Học sinh trường MN Hòa An trong giờ học
Trao đổi với PV, phụ huynh Lê Thị Ngọc Mai trường MN Hòa An cho biết, cô giáo ở lớp chăm sóc, tận tình, vui vẻ. Tôi thấy con rất thích đi học, đi học về thì rất vui vẻ. Con đi học biết được nhiều thứ như về nhà biết tự vệ sinh, biết chào hỏi, biết phân biệt giờ giấc. Ăn uống đảm bảo vệ sinh. Tôi cũng thường xuyên tham gia vào hoạt động của lớp, của nhà trường, giám sát được từng bữa ăn giấc ngủ của con. Tôi rất hài lòng khi gửi con tới môi trường này.
Trường MN Tân Nghĩa thuộc xã vùng sâu của huyện Cao Lãnh. Tuy nhiên, xã lại được huyện đầu tư là xã nông thôn mới nên việc phát triển giáo dục đã được địa phương đưa vào kế hoạch phát triển. Do đó, khi thực hiện đề án phổ cập GDMN, trường đã được đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thành một trường điểm đạt chuẩn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Diễm, Hiệu trưởng trường MN Tân Nghĩa cho biết, để thực hiện đạt chuẩn theo từng cấp độ, trường đã xây dựng môi trường hoạt động phù hợp với nhu cầu của trẻ. Đồng thời, tận dụng các nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương để trẻ khám phá, tạo ra các sản phẩm gần gũi với trẻ.
100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi của xã được tới trường
Khu vui chơi của trẻ được nhà trường xây dựng từ tận dụng các vật liệu sẵn có địa phương
Trường MN Tân Nghĩa được UBND huyện Cao Lãnh công nhận đạt chuẩn phổ cập GD MN cho trẻ 5 tuổi từ năm 2014. Trường đã luôn duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN
Trường luôn tạo môi trường giáo dục luôn đảm bảo an toàn cho trẻ, tạo cho trẻ cảm giác an toàn, được yêu thương, được tôn trọng và được đáp ứng nhu cầu chính đáng. Trong đó, tăng cường phổ biến kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng.
Cô giáo Nguyễn Diễm Phúc, trường MN Tân Nghĩa cho hay, khi được thực tập theo mô đun, em học được nhiều cái mới, phương pháp mới, sáng tạo mới để vận dụng giảng dạy trên lớp giúp trẻ phát huy tính tích cực trên lớp như môn thể dục, trẻ được luyện tập nhiều hơn; môn Âm nhạc, không chỉ chú trọng vào dạy hát mà nghe con hát và ôn lại bài cũ.
Để bài giảng phong phú, giáo viên trường MN Tân Nghĩa đã sưu tầm, tham khảo các chương trình, các trò chơi trên báo đài, internet... và áp dụng công nghệ giảng dạy để nâng cao chất lượng giờ học cho học sinh.
Có thể nói việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non là thực sự cần thiết và quan trọng. Nó được ví như người giáo viên thứ hai trong công tác tổ chức, hướng dẫn cho trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, thông qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.
Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo.
Cô Trần Thị Kim Thoa, Phó Trưởng phòng GD huyện Cao Lãnh nhận định, phổ cập GD MN 5 năm tuổi là Đề án mang tính nhân văn sâu sắc bởi sự quan tâm tạo điều kiện cho tất cả trẻ 5 tuổi đều được đến trường, được chăm sóc và học 2 buổi/ngày. Đồng thời, học sinh đến trường được giáo viên chăm sóc, cho trẻ phát triển về thể chất, trí tuệ về kỹ năng xã hội. Đặc biệt, trẻ MN được phát triển kỹ năng ngôn ngữ tiếng Việt là điều quan trọng.
Đối với giáo viên muốn thực hiện được yêu cầu Đề án đưa ra thì bản thân giáo viên phải nâng cao chuyên môn của mình, nâng cao chất lượng giáo dục và làm thêm đồ dùng dạy học, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh. Do đó, địa phương rất mong Bộ GD&ĐT có thêm đề án giúp giáo dục MN tiếp tục phát triển như thời gian vừa qua.
Theo bà Kim Thoa, huyện Cao Lãnh, mặc dù huy động trẻ ra lớp tăng so với những năm học trước. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và giáo viên vẫn còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng được với nhu cầu chuyển từ nhóm trẻ cộng đồng thành các điểm lẻ trong năm học 2016 - 2017.
Nhiều trường vẫn chưa được đầu tư xây dựng, vẫn phải thuê mướn nhà dân để mở lớp và số lớp điểm lẻ còn cao. Số lượng giáo viên dạy lớp còn thiếu nhiều. Bên cạnh đó, đời sống người dân vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, nên công tác vận động huy động và công tác xã hội hóa đạt chưa cao.
Hồng Hạnh