Mới ra trường được cam kết việc làm 200 triệu/năm
Cam kết mới đây giữa ĐH FPT và công ty Phần mềm FPT đã mang lại cơ hội làm việc cho hơn 2.000 cử nhân của trường với mức lương khởi điểm 90 - 200 triệu đồng/năm.
Một thỏa thuận cho thấy bước đi thông minh của cả cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong bối cảnh cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tràn lan mà các cơ quan vẫn “khát” nhân lực chất lượng cao như hiện nay.
Tốt nghiệp đại học, có cử nhân mất cả chục, cả trăm triệu đồng để xin việc. Không xin được việc, nhiều người trong số họ đi bán hàng, đi chạy xe ôm, thậm chí về quê xin làm công nhân… để có thu nhập. Những câu chuyện buồn ấy không còn hiếm, mà thậm chí có chiều hướng gia tăng. Câu chuyện “việc làm” có thể nóng trên bàn ăn, mâm cơm của bất cứ gia đình nào có con đã, đang và sắp bước vào ngưỡng cửa đại học.
GS. TSKH Nguyễn Minh Đường - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng, thực tế, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn rất nhiều, nhưng không tuyển được mà buộc phải tuyển lao động, công nhân, kỹ sư nước ngoài. “Đó là một nghịch lý vì hiện nay 2 bộ phận đào tạo và tuyển dụng của chúng ta đang tách rời nhau, đào tạo một nơi, sử dụng một nẻo.” - GS Nguyễn Minh Đường khẳng định.
Quả thực, hàng nghìn cử nhân sẽ không còn phải lo thất nghiệp, nếu được nhà trường cam kết tạo việc làm ngay sau khi ra trường. Câu chuyện “không tưởng” này có thể sẽ trở thành hiện thực nếu các trường có trách nhiệm hơn với sinh viên, và các doanh nghiệp nhanh nhạy hơn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Mới đây, một cam kết của Đại học FPT và Công ty phần mềm FPT trong đó khẳng định từ năm 2018 - 2021, chi nhánh của công ty sẽ cam kết tuyển dụng sinh viên ĐH FPT làm việc tại Đà Nẵng với số lượng lên tới 2.200 sinh viên, với mức lương từ 90 - 200 triệu đồng/năm tùy thuộc năng lực, trình độ sinh viên.
Điều đó có nghĩa, hơn 2.000 sinh viên của trường ĐH FPT đã sẵn có một môi trường làm việc rộng mở chờ đợi. Có thể nói, đó là “giấc mơ” với rất nhiều sinh viên, học sinh Việt Nam, trong bối cảnh giáo dục đại học còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn như hiện tại.
Nguyễn Sơn Tùng - cựu SV Đại học Bách Khoa Hà Nội từng có một khoảng thời gian chật vật khi mới ra trường. Dù nắm trong tay tấm bằng Giỏi, khoa Chất Lượng Cao, nhưng Tùng tâm sự, cậu vẫn khá chông chênh vào thời điểm ấy.
“Tôi tự tin vào khả năng của mình, nhưng vẫn lo lắng. Nếu được tạo điều kiện vừa học, vừa thực hành tại doanh nghiệp, được một cơ quan, đơn vị nhất định mở rộng cửa tuyển dụng từ khi chưa tốt nghiệp đại học, chắc chắn mỗi sinh viên đều tự tin hơn, có định hướng rõ ràng và từ đó quyết tâm trong học tập hơn” - Tùng khẳng định.
Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT khẳng định, ngay từ đầu, chương trình đào tạo của nhà trường đã đề cao việc phối hợp với doanh nghiệp để tạo “đà” cho sinh viên cọ xát thực tế, tăng cơ hội rèn chuyên môn, kỹ năng từ sớm cho sinh viên. Thỏa thuận lần này với Công ty Phần mềm FPT là một bước tiến quan trọng, cho thấy những nỗ lực tạo cơ hội việc làm vững chắc cho sinh viên FPT sau khi ra trường cũng như khẳng định trách nhiệm của nhà trường với sinh viên.