“Mỗi giáo viên 1 máy tính, mỗi phòng học một máy chiếu”

(Dân trí) - Đó là một trong những giải pháp mà các đơn vị đưa ra trong buổi hội thảo về “Phát triển dịch vụ băng rộng và máy tính vì lợi ích cộng đồng” được tổ chức sáng ngày 25/6 tại TP Thanh Hóa.

Hội thảo được tổ chức nhằm đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi mặt đời sống xã hội và thực hiện mục tiêu của Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT”. Trong đó, một có điểm đáng lưu ý là các nhà cung cấp dịch vụ sẽ chủ động gắn kết với ngành giáo dục (GD) trong các hoạt động hỗ trợ ứng dụng CNTT vào các hoạt động của ngành GD trong thời gian tới.

Cuộc hội thảo do Viễn thông Thanh Hóa (VNPT Thanh Hóa) phối hợp với VNPT của 10 tỉnh thành như: Hà Nam, Nam Định, Nình Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình... cùng đại diện của các tập đoàn như: Microsoft, Intel, Acer Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phát triển dịch vụ băng rộng và máy tính vì lợi ích cộng đồng”.

“Mỗi giáo viên 1 máy tính, mỗi phòng học một máy chiếu”    - 1
Các đơn vị tham gia ký kết bản ghi nhớ về việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển dịch vụ băng rộng và máy tính vì lợi ích cộng đồng.

Đây là một trong những hoạt động nhằm chung tay góp sức thực hiện mục tiêu của Đề án “Đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm 2010.

Trên cơ sở đó, đại diện các đơn vị tham gia đã có những đánh giá về tiềm năng phát triển của lĩnh vực CNTT và những tiện ích trong việc ứng dụng đồng bộ bộ sản phẩm tích hợp vào phục vụ nhu cầu trong cuộc sống.

Phát biểu tại buổi hội Thảo, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có khoảng 28.500 hộ gia đình có kết nối Internet, tuy nhiên so với dân số của tỉnh là còn thấp. Thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó ứng dụng rộng rãi CNTT vào phục vụ hoạt động của các ngành, các cấp là cần thiết.

Nhiều đại diện tham gia hội thảo cũng đồng nhất với quan điểm, hỗ trợ và giúp người dân có thể tiếp cận và sự dụng các dịch vụ CNTT một cách có hiệu quả.

Riêng về lĩnh vực giáo dục, VNPT đã chủ động gắn kết chặt chẽ với ngành GD trong các hoạt động hỗ trợ ứng dụng CNTT như: Triển khai đồng bộ chương trình gói cước Internet tốc độ cao ưu đãi Megaschool, dành riêng cho ngành GD và xây dựng thành công giải pháp phần mềm VNPT-School (quản lý thông tin nhà trường, kết nối nhà trường - gia đình - xã hội) phục vụ hệ thống GD phổ thông trên địa bàn Thanh Hóa. Phối hợp với ngành GD tổ chức thành công cuộc thi giải Toán qua mạng Internet dành cho học sinh cấp Tiểu học và THCS.

Đến nay tại Thanh Hóa đã có 2.267 trường học, các đơn vị GD sử sự dụng máy tính kết nối Internet; 1.274 trường đã được cài đặt, sự dụng hoàn toàn miễn phí phần mềm VNPT - School.

Ngành GD cũng đang triển khai, xây dựng kế hoạch, tìm tòi, tận dụng mọi nguồn lực vào phát triển ứng dụng CNTT; đầu tư các phòng máy phục vụ giảng dạy Tin học; phát động toàn ngành trang bị máy tính nối mạng.

Về phía Sở Thông tin truyền thông Thanh Hóa cùng với các ngành triển khai Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trên địa bàn Thanh Hóa. Nhiều đơn vị, khối ngành cũng đã ứng dụng rộng rãi các dịch vụ CNTT, kết nối Internet rộng rãi. Triển khai hệ thống điểm truy cập Internet công cộng tại các đồn biên phòng, các xã biên giới giúp người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận CNTT.

Trong năm 2011, VNPT Thanh Hóa và các đơn vị tham gia đề xuất giải pháp và đang triển khai chương trình: “Mỗi giáo viên 1 máy tính, mỗi phòng học một máy chiếu” và “Máy tính với thanh niên”. Ngoài ra, VNPT còn hỗ trợ các cơ quan, ban ngành khác triển khai giải pháp nối mạng Internet, ứng dụng CNTT trong quản lý.

Duy Tuyên