“Mổ xẻ” những bất cập trong giáo dục ĐH, CĐ

(Dân trí) - Hôm qua, 17/5, Tại thư viện Tạ Quang Bửu-Trường ĐH Bách khoa HN, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban lần thứ 2 khối các trường ĐH, CĐ năm học 2007-2008 thông qua 4 điểm cầu truyền hình là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cùng Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long đã chủ trì hội nghị.

Hội nghị lần này tập trung đánh giá và sơ kết 6 tháng thực hiện kế hoạch năm học khối các trường ĐH, CĐ; kết quả chủ trương đẩy mạnh đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội; tình hình triển khai về việc cho vay ưu đãi để học ĐH, CĐ…

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT thì sau khi có công văn yêu cầu các trường ĐH, CĐ rà soát lại chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu chất lượng và đáp ứng yêu cầu sử dụng thì nhiều trường đã tích cực triển khai nhiệm vụ này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có 81 trường ĐH, CĐ chưa nộp chương trình về Bộ. Trong số 81 trường này thì có 21 trường ĐH, CĐ mới thành lập, như vậy còn 54 cơ sở giáo dục ĐH đã tổ chức đào tạo nhưng chưa có chương trình đào tạo gửi về Bộ.

Nhấn mạnh về sự chậm trễ này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Việc chưa có chương trình thì không thể đảm bảo chất lượng đào tạo do đó đối với các trường “cố tình” không thực hiện chủ trương của Bộ sẽ bị khống chế chỉ tiêu tuyển sinh”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết thêm: Năm 2007 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đã xử phạt hành chính đối với các 18 trường ĐH, CĐ làm sai quy chế tuyển sinh thể hiện ở chỗ vượt quá 20% chỉ tiêu đã giao. Trong số 18 trường này có trường đã tuyển vượt quá 97,84%.

Khá bức xúc về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lê, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm TW phát biểu: Bộ GD-ĐT cần phải nghiêm khắc xử lý các trường vi phạm chứ không thể suốt ngày chỉ yêu cầu kiểm điểm và rút kinh nghiệm.

Các trường tiếp tục đòi “cởi trói”

Liên quan đến vấn đề chuyển hình thức đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo tín chỉ, ông Phan Thanh Bình-Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế bức xúc nói: “ Hiện nay trường chúng tôi đang rất “cô độc” khi thực hiện chủ trương này. Trong số các trường ĐH thuộc khối các ngành Nghệ thuật thì chỉ có duy nhất trường thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ GD-ĐT nên rất khó để triển khai. Hơn thế nữa đối với các ngành nghệ thuật thì số lượng học sinh ở mỗi ngành là không nhiều trong khi đó học theo tín chỉ chỉ có lợi nếu ngành học đó có nhiều sinh viên do đó nếu trường có thực hiện thì điều đó chỉ mang tính hình thức mà thôi”.

“Khối các trường nghệ thuật có những đặc điểm khác biệt so với các trường khác, do đó Bộ GD-ĐT nên cho các trường tuyển sinh 2 lần trong năm vì việc tuyển sinh của các trường là rất khó khăn”, Bà Nguyễn Thị Hà-Hiệu trưởng trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Hà Long góp thêm tiếng nói.

Trước xu hướng chung hiện nay là các trường đều muốn được “cởi trói” trong vấn đề đưa ra mức học phí, PGS.TS Mai Hồng Quỳ- Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM đề nghị: “Hiện nay sinh viên rất thụ động trong kỹ năng làm việc. Sinh viên mới chỉ học, hiểu biết nhưng chưa thể áp dụng vào trong công việc. Do đó để hạn chế được nhược điểm này cần phải có một chương trình đào tạo cơ bản kết hợp giữa kỹ năng và kiến thức.

Tuy nhiên để thực hiện cần có kinh phí. Song hiện nay do lạm phát cao nên vấn đề tăng học phí là quá nhạy cảm. Do đó, Bộ GD-ĐT nên có cơ chế linh động đối với các trường đào tạo có quy mô đào tạo một số ngành theo tính đặc thù. Đối với các ngành như vậy thì nên để các trường được phép ấn định mức học phí”…

Cần nâng cao mức cho vay ưu đãi

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với tình hình hiện nay là lạm phát tăng cao nên chủ trương cho sinh viên vay ưu đãi là hết sức phù hợp. Hiện nay tổng số tiền cho vay là 4.700 tỷ và chắc chắn con số này sẽ còn gia tăng hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trường trường ĐH Lâm nghiệp thì việc Chính phủ cho sinh viên vay vốn ưu đãi là một chủ trương hết sức đúng đắn. Từ khi có chủ trường mà tình trạng sinh viên nợ học phí của trường giảm hẳn.

Tuy nhiên với tình hình lạm phát hiện nay thì mức cho vay 800.000đ/tháng là không đáng kể.
 
“Mổ xẻ” những bất cập trong giáo dục ĐH, CĐ - 1
"Mức cho vay 800.000đ/tháng hiện nay là không đáng kể"-
ông Nguyễn Văn Tuấn Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp cho hay.

Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn đề nghị cần phải xem xét lại mức cho vay dựa trên tình hình cụ thể.

Một trong những vấn đề được quan tâm là sẽ thu hồi vốn của sinh viên như thế nào sau khi cho vay?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bành Tiến Long nhấn mạnh: “Bộ GD-ĐT đã có giải pháp cho việc thu hồi vốn đó là sinh viên vay ở ngân hàng chính sách nào sẽ do ngân hàng đó đặt điều kiện để thu hồi. Các trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào các yêu cầu đó để thực hiện giám sát. Tuy nhiên, các ngân hàng không được đề ra yêu cầu là giữ bằng của sinh viên. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là sinh viên học xong phải được cấp bằng”.

Cũng để giải quyết tình trạng quản lý sinh viên cho vay vốn, ông Nguyễn Văn Tuấn- Phó hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp góp ý thêm: Hiện nay giữa trường ĐH, CĐ và các Ngân hàng chính sách vẫn chưa có cơ sở quản lý chung. Do đó các trường không thể kiểm soát được tình hình sinh viên nào vay vốn và vay vào mục đích gì.

Dẫn chứng điều này ông Tuấn cho biết: Hiện nay có tình trạng sinh viên bị đình chỉ học tập những vẫn vay vốn để đưa vào mục đích khác. Rõ ràng đây là kẽ hở mà cần có sự quản lý khắt khe hơn.

Trung tâm dự báo nguồn nhân lực cần sớm đưa vào hoạt động

“Hiện nay thí sinh rất đói thông tin về xu hướng phát triển của ngành nghề. Hiểu biết của thí sinh về thị trường lao động là không nhiều. Chính vì vậy mà khi thí sinh chọn trường chỉ đổ xô vào một số ngành mà xã hội cho là “hot”. Chính điều này đã tạo ra sự mất cân đối về nhu cầu nhân lực”, ông Nguyễn Văn Lê- Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Trung ương nhận định.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Hiệu trưởng trường ĐH DL Văn Hiến bức xúc nói: “Do Việt Nam chưa có một trung tâm dự báo nguồn nhân lực nên cho dù tầm nhìn của các trường, đặc biệt là các trường thuộc khối dân lập, tư thục có đi trước một bước nhưng thí sinh cũng khó mà chấp nhận. Chẳng hạn như chúng tôi nhìn ra tương lai nguồn nhân lực ngành Tâm lý học, Việt Nam học…Tuy nhiên khi tuyển sinh thì không có nhiều thí sinh đăng ký và kết quả là không đủ để mở ngành…”.

Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng, đã đến lúc trung tâm dự báo nguồn nhân lực phải được đưa vào hoạt động một cách có bài bản. Đây cũng chính là yếu tố để các trường có thể đào tạo đáp ứng theo nhu cầu xã hội…

Trước những ý kiến khá gay gắt giữa các trường ĐH, CĐ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận: Về vấn đề tăng học phí thì những trường có chương trình đào tạo chất lượng cao hơn mức bình quân cả nước sẽ được phép thu học phí cao hơn. Mức học phí có thể trong khung hay ngoài khung nhưng phải đảm bảo chi phí tương xứng chất lượng.

"Khối ĐH, CĐ sẽ tăng dần học phí, tiến tới đảm bảo bù đắp gần đủ chi phí thường xuyên. Tiến tới không phải ngay lập tức năm sau bù đắp nhưng ít nhất đến 2010 phải bù đắp được chi phí thường xuyên", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm là hiện nay do giá cả các mặt hàng biến động nên sắp tới Chính phủ có thể tăng vốn vay cho sinh viên lên 1 triệu đồng, thay vì mức 800.000 đồng mỗi tháng như hiện nay.
 
Cũng tại Hội nghị này nhiều đại biểu cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nên có những chế tài đối với những người đi học SĐH theo diện Ngân sách.
 
Bên cạnh đó Bộ cũng cần phải sớm ban hành văn bản hướng dẫn chuyển đổi các trường Dân lập sang Tự thục nhằm tạo điều kiện cho khối các trường này thu thêm nguồn ngân sách từ sự hợp tác của các tổ chức tập thể và cá nhân khi muốn tham gia vào công tác đào tạo

 

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm