Mở rộng cơ hội hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật
(Dân trí) - Ngày 19/8, Bộ GD-ĐT phối hợp với tổ chức CRS (Hoa Kỳ) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả dự án “Tăng cường tiếp cận và chất lượng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật thông qua CNTT”. Kết quả dự án mở rộng cơ hội hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật.
Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả và kinh nghiệm trong việc triển khai dự án, với sự tham gia của các đại biểu đại diện từ Bộ GD-ĐT, đại biểu đến từ 26 Sở GD-ĐT, Tổ chức Catholic Relief Services (CRS), các cơ sở tham gia thí điểm, cách chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục hòa nhập, các tổ chức vì người khuyết tật, các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động hoặc quan tâm cùng lĩnh vực…
Bà Trần Thị Thắm – Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-DT) cho biết: Dự án “Tăng cường tiếp cận và chất lượng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật thông qua CNTT” nằm trong khuôn khổ chương trình “Hòa nhập người khuyết tật Việt Nam” của Bộ GD-ĐT phê duyệt, với sự tham gia của tổ chức Catholic Relief Services (CRS) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Tổ chức CRS và Bộ GD-ĐT đã triển khai và thí điểm chương trình giáo dục từ xa cho trẻ khuyết tật (TKT) không có cơ hội đến trường thông của công nghệ thông tin (ICT). Dự án được thực hiện từ tháng 6/2012 đến tháng 9/2015.
Dự án thực hiện nhằm mục tiêu tăng cường chất lượng giáo dục hòa nhập của TKT tại bậc học phổ thông thông qua việc giảm thiểu các rào cản khó khăn của người khuyết tật trong việc tiếp cận nền giáo dục có chất lượng. Dự án được triển khai trên địa bàn 10 tỉnh/ thành phố trên cả nước với 42 cơ sở (trường/trung tâm) tham gia thí điểm.
Cũng theo bà Thắm, giáo dục hòa nhập TKT hiện đang là một trong những vấn đề cơ bản và cũng là thách thức lớn đối với ngành giáo dục trước mục tiêu hướng tới một nền giáo dục bình đẳng, có chất lượng cho mọi trẻ em. Việc triển khai giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở nước ta đang phải đương đầu với nhiều thách thức và rào cản.
Dự án tăng cường tiếp cận chất lượng giáo dục hòa nhập thông qua CNTT do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức CRS tài trợ là một trong những giải pháp thiết thực giúp ngành giáo dục gỡ bỏ từng bước những khó khăn, trở ngại.
Kết quả, sau 3 năm tập trung nguồn nhân lực, vật lực tổ chức triển khai, dự án đã xây dựng được một số mô hình về ứng dụng CNTT giúp TKT có điều kiện học tập chất lượng hơn. Đó là phần mềm tổng hợp tiếng nói và phần mềm tổng đọc màn hình NVDA; trang website: giaoduchoanhap.edu.vn với hơn 100 đầu sách về giáo dục hòa nhập; 40 đĩa băng hình bài giảng tiếng Việt, Toán lớp 5; các bài học từ xa của hai môn Ngữ văn và Tin học lớp 6.
“Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giáo dục trẻ khuyết tât là một hướng đi đúng đắn nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh, học viên là người khuyết tật trưởng thành” – bà Thắm nhấn mạnh.
Trước kết quả của dự án, TS Đặng Huỳnh Mai - Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chia sẻ: Việc dự án hình thành được trang web để cho người khuyết tật có thể học tập thông qua công nghệ thông tin là một tin vui đối với nhiều người khuyết tật. Liên hiệp hội sẽ chủ động tìm hiểu thông tin và triển khai học tập trên website, quá trình tham khảo nếu phát hiện những điểm chưa hợp lý sẽ có phản hồi để điều chỉnh cho hoàn thiện hơn.
Tại hội thảo này, với việc rất nhiều địa phương bày tỏ quan điểm tiếp tục xin được thực hiện dự án, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thông tin: Để phát huy kết quả và duy trì tính bền vững của dự án Bộ GD-ĐT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể, Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với dự án THCS vùng khó khăn nhất và Chương trình phát triển giáo dục trung học xây dựng các bài học giáo dục từ xa cho học sinh khuyết tật mở rộng ra các môn và các khối lớp. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên trong việc tổ chức hương dẫn học sinh học tập từ xa. Ban hành qui định về việc đánh giá kết quả học tập của học sinh theo mô hình giáo dục từ xa.
Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai mô hình giáo dục từ xa 2015-2016, Bộ chính thức giao nhiệm vụ xây dựng cứ liệu thông tin đảm bảo học sinh khuyết tật tiếp cận chương trình GDPT cho Trung tâm nghiên cứu và sản xuất học liệu (ĐH Sư phạm Hà Nội), tổ chức hội thảo về ngôn ngữ ký hiệu sử dụng trong học liệu giáo dục từ xa hoặc trong bộ băng hình bài giảng để thống nhất một cách tương đối ngôn ngữ ký hiệu giữa các vùng miền trong cả nước.
Các Sở GD-ĐT, căn cứ bản hướng dẫn của Bộ, tiến hành tổ chức hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai, khai thác và sử dụng hiệu quả các phần mềm từ thư viện giáo dục hòa nhập trực tuyến, thiết lập cơ chế quản lý, triển khai chương trình GDTX cho học sinh khuyết tật không có điều kiện đến trường...
“Trên tinh thần vì quyền lợi của học sinh khuyết tật, các địa phương trong cả nước cần vượt khó, chủ động áp dụng các kết quả của dự án vào trong các hoạt động để tạo dựng môi trường tiếp cận giáo dục công bằng và chất lượng cho TKT” – Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh.
Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn )