Mô hình trường học mới làm thay đổi diện mạo giáo dục Lào Cai
(Dân trí) - Trong số học sinh tiểu học tỉnh Lào Cai, học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 72,6%. Sở GD-ĐT xác định thực hiện dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) là giải pháp quan trọng, then chốt, có tính bền vững quyết định chất lượng giáo dục.
Những tín hiệu vui
Theo đánh giá của Phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Lào Cai), sau 3 năm thực hiện tất dự án VNEN đã tạo được những đổi mới rõ rệt trong lĩnh vực Giáo dục tiểu học. Các trường tham gia thực hiện dự án VNEN tạo được những chuyển biến rõ rệt, quang cảnh khang trang, lớp học trang trí theo lớp học của Mô hình trường tiểu học mới sinh động hơn, đẹp hơn. Đặc biệt là các góc học tập, thư viện lớp học được thể hiện theo chủ đề, chủ điểm giúp học sinh thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, nghiên cứu trải nghiệm, học sinh được thể hiện chính bản thân mình trong các hoạt động tìm tòi, khám phá chủ động lĩnh hội kiến thức trong nội dung bài học.
Thầy cô giáo không giảng bài truyền thụ tri thức cho học sinh, mà hướng dẫn học sinh làm việc với Hướng dẫn học tập, cá nhân học sinh tự nghiên cứu, cùng nhau thảo luận nhóm kết hợp vận dụng các đồ dùng học tập liên quan để tự mình lĩnh hội kiến thức.
Học theo mô hình trường học VNEN là học sinh cùng nhau làm việc để học những tri thức liên quan mật thiết đến cuộc sống của các em. Học sinh phải chủ động làm việc độc lập, làm việc cùng bạn trong nhóm, cả lớp. Thầy cô giáo quan sát, hỗ trợ các em khi cần thiết đảm bảo tất cả học sinh hoàn thành từng hoạt động học, từng bài học. Bên cạnh đó, học sinh được ngồi học theo nhóm rất thuận lợi trong quá trình trao đổi ý kiến, học sinh được tương tác trực tiếp với nhau và tương tác với thầy cô giáo. Hội đồng tự quản được thành lập là vì học sinh, cho học sinh, các em tự nguyện tham gia và tham gia thuyết trình, tranh cử, các em được chủ động tự quản các hoạt động của Hội đồng tự quản lớp, các Ban (Ban học tập, Ban văn nghệ, Ban đối ngoại…) giúp học sinh mạnh dạn, nhanh nhẹn, tự tin thể hiện chính mình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ Lào Cai đạt được thành công khi triển khai mô hình trường học VNEN xuất phát từ việc đổi mới trong công tác quản lý cũng như trong việc bồi dưỡng đội ngũ. Cụ thể, ngoài quản lý nhà nước theo quy định, mỗi lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT đều giữ vai trò là nòng cốt chuyên môn. Luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Phòng GD-ĐT, các nhà trường khi cần thiết.
Tổ chức tốt hội thảo, chuyên đề nội dung gắn liền với mục tiêu đổi mới, nhu cầu cần giải đáp những khó khăn vướng mắc của các cơ sở giáo dục đề xuất. Đặc biệt, Sở GD-ĐT Lào Cai đã tổ chức thành công hội thảo Đảm bảo chất lượng bền vững học sinh tiểu học hoàn thành Chương trình tiểu học lên học THCS đảm bảo tính liên thông giữa hai bậc học; Tổ chức ký cam kết các nhiệm vụ giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục nói riêng giữa Sở GD-ĐT với Phòng GD-ĐT; Phòng GD-ĐT với Hiệu trưởng; Hiệu trưởng với giáo viên nhằm nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng toàn diện giáo dục trong toàn tỉnh.
Song hành với đó là bồi dưỡng tập trung 100% Hiệu trưởng trường tiểu học là nòng cốt chuyên môn được bồi dưỡng về các chuyên đề lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, cách xây dựng mô hình GDTH, Đổi mới sinh hoạt chuyên môn trường tiểu học, phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, Bàn tay nặn bột…, bồi dưỡng thông qua đội ngũ cốt cán, thông qua sinh hoạt chuyên môn…cốt cán Hiệu trưởng tập huấn trực tiếp cho giáo viên trong toàn trường. Do đó, hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mạnh dạn, tự tin. Các trường đều tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi thiết thực cho học sinh, không khí tiết học diễn ra sôi nổi, nề nếp học tập tốt, hội đồng tự quản có kỹ năng điều hành, chia sẻ, phản hồi, tự đánh giá cho mình, cho bạn chính xác, học sinh tự tin, nhanh nhẹn.
Và những giải pháp táo bạo
Sở GD-ĐT Lào Cai xác định triển khai dạy và học theo mô hình VNEN là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa sâu sắc về khoa học và là cơ hội tốt để nâng cao chất lượng cho học sinh, đặc biệt giúp các em học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo đạt chuẩn kiến kiến thức, kỹ năng từng môn học và các hoạt động giáo dục khác song song với sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng cá nhân học sinh tạo tiền đề vững chắc đảm bảo khi hoàn thành chương trình tiểu học các em tự tin bước vào lớp 6.
Chính vì thế, sau khi thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý Dự án mô hình trường tiểu học mới Việt Nam, Sở GD-ĐT Lào Cai đã chỉ đạo các trường tiểu học tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên trong trường dạy học theo mô hình VNEN, dạy lý thuyết gắn với dạy thực hành trực tiếp trên học sinh theo nguyên tắc “5 bước dạy và 10 bước học tập ” hoạt động giữa cô và trò đồng bộ, giáo viên linh hoạt, sáng tạo điều chỉnh ngữ liệu trong từng hoạt động cho phù hợp với đối tượng học sinh, tiết học diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả đảm bảo sau tiết học 100% học sinh đạt mục tiêu bài học.
Đối với các trường nhân rộng, Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố bố trí CBQL, giáo viên trực tiếp giảng dạy theo từng khối lớp/năm, tham gia tập huấn cùng các trường thực hiện theo mô hình VNEN. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho các trường còn lại do đơn vị mình phụ trách về: cách tổ chức lớp, hình thức tổ chức dạy học, xây dựng các góc học tập theo mô hình VNEN. Tùy thuộc vào điều kiện, mục tiêu của các trường linh hoạt áp dụng cho phù hợp.
Tổ chức hội thảo, chuyên đề chuyên đề như: biên soạn tài liệu theo mô hình VNEN; dạy học theo mô hình VNEN..., áp dụng linh hoạt các phương pháp vào giảng dạy, chú trọng dạy đến từng đối tượng học sinh như trong hoạt động nhóm: học sinh phải hoàn thành bài cá nhân thì mới trao đổi nhóm có hiệu quả. Trong thời gian tham gia hội thảo, tất cả các học viên phải tham gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ đóng góp ý kiến, đảm bảo sau khi kết thúc hội thảo mỗi giáo viên phải nắm chắc mục tiểu, phương pháp dạy và học theo mô hình VNEN áp dụng tốt tại lớp mình, trường mình.
Điều đặc biệt, mỗi trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Lào Cai mạnh dạn xây dựng một mô hình giáo dục gắn với địa phương. Mỗi mô hình có một ý tưởng riêng, sáng tạo, độc đáo phát huy hết thế mạnh từng lớp, từng trường, từng địa phương. Chú trọng phát huy vai trò, đề cao tư tưởng, ý tưởng của học sinh, của cộng đồng cùng tham gia xây dựng kế hoạch, hợp tác cùng thực hiện tốt như: mô hình Trường học Nông trại tại Trường Tiểu học Bản Xen, mô hình Trường học Sinh Thái tại Trường Tiểu học Lùng Vai huyện Mường Khương…
Nguyễn Hùng
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |