Mô hình học tiếng Anh mới của trường học vùng cao
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, vai trò của người dạy là quyết định đến hiệu quả thành công của một bộ SGK nhất định. Sử dụng SGK hay tài liệu giảng dạy dù lệ thuộc hay dùng một cách sáng tạo đều phải đặt trên cơ sở năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm của giáo viên.
Gần đây, câu chuyện cô gái Việt Nam đang đi du lịch ở Nepal có bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói về bất cập của sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh hiện nay đã khiến dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng, để học tốt tiếng Anh thì cần có một bộ SGK “hoàn hảo”. Tuy nhiên, đối với nhiều giáo viên, việc học và dạy tiếng Anh có tốt hay không thì cần có nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là cần xây dựng một cộng đồng học tập ngoại ngữ.
Sự tiên phong của một trường học vùng cao
Thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai) đã có một sự thay đổi “lột xác” trong việc dạy và học ngoại ngữ. Vẫn là SGK tiếng Anh thí điểm của Bộ GD-ĐT nhưng với sự tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ đã mang lại rất nhiều hiệu quả.
Vào thăm trường tiểu học Lê Ngọc Hân, không khó để nhận thấy sự tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh nơi đây. Không gian lớp học được bố trí theo kiểu mô hình trường học mới với những ngôn ngữ viết bằng tiếng Anh hết sức gần gũi.
Cô Trần Thị Thùy Dung - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân chia sẻ: “Với lợi thế là địa phương có nhiều khách nước ngoài đến du lịch, ban giám hiệu Trường tiểu học Lê Ngọc Hân đã mạnh dạn xây dựng các hoạt động cộng đồng nhằm thu hút các đối tượng này đến tham gia. Với sự tham gia của những khách nước ngoài không chỉ giúp cho học sinh tự tin hơn trong giao tiếp mà còn tạo điều kiện cho chính các giáo viên dạy tiếng Anh tự “điều chỉnh” lại chính mình”
Cũng theo cô Dung, đối với khách du lịch người nước ngoài họ rất thân thiện. Ở mỗi vùng miền nếu chúng ta có những hoạt động gắn liền với phong tục, tập quán địa phương chắc chắn họ sẽ đến khám phá và tham gia một cách nhiệt tình.
Em Thúy Quỳnh - học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân tâm sự: “Hàng tháng nhà trường đều tổ chức các hoạt động và thu hút được các du khách nước ngoài tham gia. Với việc được tiếp cận với người nước ngoài, được giao tiếp với người nước ngoài nên chúng em ngày càng tự tin hơn khi nói tiếng Anh. Hàng ngày đến trường các bạn ở trong lớp cũng đều mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Anh”.
Các chuyên gia dự án mô hình trường học mới cho biết: “Cộng đồng cùng với giáo viên và học sinh là ba chủ thể của mô hình trường học mới. Các chủ thể này luôn gắn bó hữu cơ và tương tác với nhau”.
Xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ rất quan trọng
Theo bà Vũ Thị Tú Anh - Phó trưởng ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 thì việc dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam đang chuyển dần từ dạy học ngoại ngữ như một môn khoa học sang dạy như một môn kỹ năng, từ sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống (phương pháp ngữ pháp-dịch) sang đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp, sự thiếu hụt lớn về môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ, sự chưa sẵn sàng của nhiều giáo viên ngoại ngữ, cũng như sự không đồng đều trong các điều kiện tổ chức dạy và học ngoại ngữ khác là không tránh khỏi.
Chính vì vậy, phong cách học của người học và định hướng phong cách học của người học là một yếu tố đặc biệt quan trọng bù đắp cho những khó khăn nói trên và có thể đẩy nhanh hiệu quả, chất lượng của không chỉ công việc dạy học ngoại ngữ mà còn trong việc sử dụng ngoại ngữ trên mọi khía cạnh, lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Xây dựng các cộng đồng học tập ngoại ngữ chính là một nỗ lực quan trọng góp phần cá thể hóa các chiến lược học tập của người học dựa trên những sự tương đồng phổ biến về phong cách học của một nhóm người học cụ thể trong những không gian, thời gian cụ thể… Trên thực tế các cộng đồng học tập ngoại ngữ này với những nét đặc trưng phong phú, hấp dẫn về nội dung, chương trình hoạt động cũng như cách thức tổ chức triển khai đã tạo nên một sự bổ sung cần thiết bên cạnh các cách thức tổ chức dạy học và phương pháp xây dựng chương trình, tài liệu dạy học ngoại ngữ phổ biến trong môi trường lớp học truyền thống (lớp học đông, giáo viên nói, học sinh/sinh viên ghi chép), góp phần chuyển mạnh từ việc dạy học để biết ngoại ngữ sang hình thành các kỹ năng ngoại ngữ, nâng cao từng bước năng lực sử dụng ngoại ngữ của người dạy, người học.
“Cộng đồng học tập ngoại ngữ theo đó có nhiều dạng thức tồn tại, nhưng về cơ bản có những điểm gặp chung đó là sự linh hoạt trong chương trình, nội dung, tài liệu và phương pháp và phương thức tổ chức dạy và học, tính tương tác cao giữa người học, người dạy/người hướng dẫn và một xu hướng mạnh mẽ trong việc xây dựng tổ/nhóm bạn cùng học. Cộng đồng học tập ngoại ngữ có thể là một nhóm bạn, một câu lạc bộ, một hội sinh viên, hoặc có thể là một lớp học, một nhà trường” - bà Tú Anh chia sẻ.
Được biết, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 trong chương trình kế hoạch chi tiết năm 2014 đã tập trung tăng cường áp dụng giải pháp xây dựng cũng như phát hiện, phát triển và nhân rộng mô hình điển hình cộng đồng học tập ngoại ngữ. Bên cạnh việc đa dạng hoá các hoạt động phát triển và ứng dụng chương trình ngoại khoá song song với các chương trình chính khoá, Ban quản lý Đề án hướng dẫn các địa phương đơn vị ưu tiên khuyến khích đa dạng hoá về loại hình, phương thức cũng như quy mô của các cộng đồng học tập ngoại ngữ.
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về chương trình và sách giáo khoa tiếng Anh nói riêng, hay các vấn đề giáo dục nói chung, quý độc giả có thể gửi đến địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |