Miễn học phí tới cấp trung học cơ sở: Nên cân nhắc kỹ

Việc miễn học phí đến cấp THCS là chính sách tốt đối với người dân, nhưng Bộ GD-ĐT nên cân nhắc đến nguồn lực của Nhà nước liệu có đảm bảo?

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí gồm học sinh tiểu học đến học sinh trung học cơ sở trường công lập nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục.

Miễn học phí tới cấp trung học cơ sở: Nên cân nhắc kỹ - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét lại việc miễn học phí tới cấp THCS. (Ảnh minh họa)

Căn cứ từ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng, nên phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục.

Một số ý kiến cho rằng, đứng trên góc độ của người dân, đề xuất miễn học phí cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở là chính sách tốt, giảm chi phí cho gia đình học sinh.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi miễn học phí ở hai cấp này thì Ngân sách nhà nước có đủ năng lực để triển khai hay không.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: "Vấn đề đặt ra là liệu rằng Nhà nước có đủ năng lực để làm việc này không. Hiến pháp những năm trước đây quy định rất rõ là nhân dân được học không phải đóng học phí nhưng cuối cùng chúng ta không thực hiện được. Vấn đề là cái gì cũng phải trong thực lực. Chính sách này có thực sự đi vào cuộc sống hay không thì phải bảo đảm nguồn lực chúng ta có đảm bảo không, năng lực của Nhà nước có đáp ứng được không, còn với người dân thì rõ ràng chính sách này rất tốt".

Tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, dự thảo miễn học phí đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở là không hợp lý. Lý do là mức học phí ở bậc trung học cơ sở không nhiều và phần lớn các gia đình học sinh đều có thể đáp ứng được mức phí này.

"Nếu lý do là 60% các gia đình cảm thấy khó khăn khi đóng học thì chúng ta miễn học phí là hợp lý. Nhưng điều này không phải, hầu như chúng ta có thể đáp ứng được và những trường hợp không đáp ứng được thì đều đã được Nhà nước hỗ trợ. Như vậy chủ trương thu học phí của trung học cơ sở không gây khó khăn cho người dân mà số kinh phí thu được từ việc đó có thể góp phần giải quyết rất nhiều khó khăn cho ngành giáo dục. Vậy tại sao chúng ta phải phá bỏ một chủ trương tốt khi không gây ra bất kể một mâu thuẫn hay khúc mắc nào. Tôi nghĩ điều này là không hợp lý", bà Hương phân tích.

Là một địa phương có nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng ông Chu Lê Chinh, Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy Lai Châu cũng cho rằng, không nên miễn học phí đại trà. Hiện nay nguồn lực cho giáo dục còn hạn chế thì cần tạo cơ chế tốt để thực hiện xã hội hóa giáo dục ở những vùng điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, chỉ nên miễn học phí ở những nơi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

"Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang còn nghèo, học sinh còn khó khăn thì chúng ta không những là miễn học phí mà Nhà nước còn dùng ngân sách hỗ trợ để học sinh có điều kiện đến lớp. Miễn học phí không thể cào bằng. Xã hội hóa được phải căn cứ vào điều kiện, xem xét cụ thể từng vùng miền, từng đối tượng. Nếu chúng ta chỗ nào cũng miễn học phí, chỗ nào cũng thu học phí là chính sách cào bằng không có hiệu quả", ông Chinh nêu ý kiến.

Theo Minh Hường

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm