Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam và sự nhức nhối về hai lần lỡ "động thủ" với con
(Dân trí) - “Nếu hỏi bất cứ bố mẹ nào, tôi tin câu trả lời không nên đánh trẻ. Thế nhưng khi ức chế quá, nhiều người vẫn “động thủ”. Bản thân tôi đã hai lần đánh con. Câu chuyện đã nhiều năm nhưng hằng đêm vẫn trở về trong tôi nhức nhối”.
Đó là chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam tại Tọa đàm “kỉ luật tích cực không phải trừng phạt mà tôn trọng trẻ”, do Trường PTLC Gateway vừa phối hợp tổ chức.
“Thầy ơi con tôi muốn tự tử”
Mở đầu buổi tọa đàm, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ, thông thường phụ huynh nào cũng biết, trừng phạt con là không nên. Nhưng chị thích cụm từ “Kỉ luật tích cực”, nghĩa là yêu thương nhưng vẫn có một số nguyên tắc.
“Một số người đi tìm hết nhà tâm lý nọ đến chuyên gia kia nhưng khi hỏi đến một sở thích nhỏ của con thì không biết. Do đó, cần sự quan sát và hiểu con theo cách mà con mong muốn chứ không phải theo cách mà phụ huynh mong muốn”, chị Điệp nói.
Cũng theo chị Điệp, chị luôn quan sát cách con trai giao tiếp với mọi người để có các biện pháp phù hợp, luôn luôn có thời gian biểu hàng ngày và cho các việc làm của con trai Đỗ Nhật Nam.
Cũng theo “hot mom” này, chị kiên nhẫn cho Nam theo thời gian biểu từ khi con trai biết nói, biết chạy. Ban đầu lúc con chưa biết chữ thì phải làm thời gian biểu bằng tranh. Ngoài ra, chị thường tương tác bằng cách đặt câu hỏi, vừa để lấy thông tin vừa để gần gũi.
“Tôi nhớ hồi bé Nam học bình thường, chữ thì vô cùng xấu nên không bao giờ được chức vụ gì, kể cả bàn trưởng. Thế nên cô giáo cho một chức rất mơ hồ là đi chia cơm buổi trưa.
Hôm nào con trai đi học về, tôi hỏi thì đều thấy Nam đều kể mình ngồi cạnh một bạn nữ. Hóa ra là để xin thịt của bạn ấy do bạn ấy không thích ăn thịt. Xin mãi thì cũng ngại nên có hôm, Nam bảo bạn: “Cho tớ mượn miếng thịt của bạn được không”. Đó là những kỉ niệm rất đáng yêu của quãng đời ấu thơ của con mà suýt nữa tôi đã bỏ qua, nếu tôi không gần gũi con”, chị Điệp kể lại.
Tại buổi tọa đàm, chuyên gia Hoàng Anh Đức, Giám đốc học thuật Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway kể câu chuyện mình từng trải qua.
Đó là vào đêm 30 Tết, một phụ huynh gọi cho mình và thông báo đến lạc cả giọng: “Thầy ơi, con chị tự tử”. Và câu chuyện của người mẹ đó đã quay trở về rõ mồn một trong đầu anh khi đọc từng trang của 2 cuốn sách về kỉ luật tích cực.
Hãy cho trẻ cơ hội được bày tỏ
Chia sẻ về việc trong quá trình giáo dục, nếu trẻ mắc lỗi hoặc có hành vi người lớn không mong muốn, một số người đánh mắng hoặc dùng hình phạt có tính răn đe liệu có đúng không? Liệu câu “thương cho roi cho vọt” có còn giá trị trong thời điểm hiện tại?
Các chuyên gia khẳng định, sự trừng phạt chỉ có tác dụng trong thời điểm nhất định và khiến cho trẻ sợ hãi.
Thực tế cho thấy, trẻ không học được những kĩ năng dài hạn từ các hình thức trừng phạt, thậm chí gây nên những hậu quả về mặt thể chất và tinh thần.
Chuyên gia quốc tế Steven Foster, chuyên gia 20 năm kinh nghiệm về kỉ luật tích cực cho hay, thay vì đánh mắng, người lớn có thể giáo dục trẻ bằng phương pháp vừa kiên định vừa mềm mỏng. Đấy là phương pháp giáo dục trẻ tiên tiến hàng đầu trên thế giới.
Chị Hồ Điệp cho hay: “Nếu hỏi bất cứ bố mẹ nào, tôi tin câu trả lời không nên đánh trẻ. Thế nhưng khi ức chế quá, nhiều người vẫn “động thủ”. Bản thân tôi đã hai lần đánh con. Trong đó, có một lần hiểu nhầm con.
Và lần thứ hai là đánh do bản năng khi Nam bị sụt bùn ở miền Nam. Câu chuyện đã nhiều năm nhưng hằng đêm vẫn trở về trong tôi nhức nhối”.
Chị cũng nhớ lại, nhiều người hỏi mình có bao giờ cáu giận khi nuôi dạy con không? “Quả thật, tôi ít khi cáu giận.
Thế nên theo tôi, bố mẹ hãy cứ là chính mình. Bằng tất cả lòng thành của mình để cảm hóa xung quanh, và người đầu tiên mình cảm hóa đó là con cái”, chị Điệp nói.
Còn theo ông Nguyễn Bảo Trọng, Giám đốc học thuật Trường mầm non Quốc tế Sakura Montessori, ông không ủng hộ quan điểm “roi vọt” trên đây.
“Chúng ta tôn trọng vai trò cá nhân của trẻ. Tại trường chúng tôi luôn đặt ra một khẩu hiệu: “Tình yêu thương vô điều kiện” và thường cho trẻ một khoảng thời gian để chuẩn bị tâm lý khi chưa hoàn thành việc gì.
Lúc đó, phương pháp kỉ luật mà trường áp dụng là tách trẻ ra một góc yên tĩnh để trẻ tự nhìn nhận lại bản thân, giúp nhận ra sai lầm. Đặt ra tình yêu thương nhưng vẫn có giới hạn rõ ràng, các chỉ dẫn rõ ràng để trẻ đi theo”, ông Trọng nói.
Mỹ Hà