Mẹ tặng hoa tiền cho con trai trong lễ tốt nghiệp, lý do bất ngờ
(Dân trí) - Ngày con tốt nghiệp, vợ chồng chị Trinh ở quận 4, TPHCM tặng con bó hoa kết từ những tờ tiền polymer. Phía sau bó hoa đó là kỷ niệm đặc biệt của gia đình chị...
Sáng 22/11, với bó hoa kết bằng tiền trên tay, chị Nguyễn Thị Kiều Trinh (nhà ở quận 4, TPHCM) cùng chồng đứng ở sảnh hội trường Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) chờ tặng con trai trong buổi lễ tốt nghiệp.
Hôm nay, Trường Đại học Bách khoa TPHCM bắt đầu chuỗi 3 ngày tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cho 16 nghiên cứu sinh, 250 học viên cao học và gần 3.000 sinh viên.
Khác với hầu hết các ông bố bà mẹ khác chúc mừng con tốt nghiệp bằng những bó hoa tươi, hoa giấy, gấu bông, vợ chồng chị Trinh tặng con trai hoa tiền. Con trai anh chị là cháu Nguyễn Anh Khôi, theo học khoa kỹ thuật xây dựng.
Người mẹ chỉ lên những cánh hoa được kết từ các tờ tiền polymer cho biết, bó hoa có giá hơn 3 triệu đồng, bao gồm hơn 2,5 triệu đồng tiền kết hoa. Hoa tiền không chỉ là một món quà mà với chị Trinh còn gắn với kỷ niệm chị nhớ mãi 4 năm về trước.
Năm đó, Khôi vào đại học, cũng là thời điểm bắt đầu bùng phát dịch bệnh Covid-19. Chị Trinh làm nail (làm móng tay, chân) tại nhà, chồng làm điện lạnh đều bị ảnh hưởng, gia đình gặp khó khăn về kinh tế.
Sinh nhật năm đó, người mẹ vô cùng bất ngờ khi con trai tặng mình bó hoa tiền. Đó là tất cả số tiền cháu dành dụm được lâu nay.
Số tiền không bao nhiêu nhưng chị hiểu, phía sau bó hoa chính là lời động viên bố mẹ đừng quá lo lắng, cũng như mong muốn chia sẻ khó khăn cùng với gia đình của con. Mỗi khi cần, chị lại rút tiền từ bó hoa con tặng để dùng.
Hình ảnh đó đi theo chị suốt mấy năm qua. Do đó, dịp đặc biệt của con, chị cũng học theo con tặng hoa tiền, như để nhắc lại kỷ niệm và cũng là lời nhắn nhủ bố mẹ luôn bên cạnh con.
Chị Trinh còn chỉ vào bộ váy, chiếc túi, đôi giày mình đang mặc trên người và cả bộ đồ vest của chồng, cười thật thà: "Lần đầu tiên chúng tôi mặc bộ đồ, đeo chiếc túi, đi đôi giày mắc tiền như thế này đấy. Chiếc túi này 2,5 triệu đồng, tôi xót lắm!".
Người mẹ tiết lộ đây là những thứ Khôi dẫn bố mẹ đi mua sắm tại một trung tâm thương mại vài ngày trước.
Thường ngày, nói sắm gì bố mẹ cũng lắc đầu, cũng xót tiền. Lần này cháu giao kèo: "Bố mẹ không được hỏi giá, không được chê mắc nha". Dù vậy, khi đi chọn đồ, thấy giá tiền, chị Trinh vẫn liên tục đưa tay... kéo áo con trai.
Người mẹ kể, từ năm thứ 2 đại học, Khôi bắt đầu làm gia sư. Lúc đầu chỉ mới kèm những bé người quen gần nhà, các cháu tiến bộ rất nhanh. Nhờ vậy, người này giới thiệu người khác, đến nay Khôi đang làm gia sư cho hơn 30 học sinh.
Từ đó, Khôi không chỉ trang trải toàn bộ chi phí học tập của mình mà còn lo các khoản chi tiêu trong gia đình.
Tân kỹ sư Nguyễn Anh Khôi cho biết mình dạy thêm các môn toán, văn, Anh trải rộng ở tất cả các lớp. Không phải mở một lớp rồi cùng lúc dạy cho nhiều em mà Khôi chia nhóm lớp theo năng lực, cá tính và cả đặc điểm của học trò. Giáo án của mỗi nhóm cũng một khác…
Khôi cho hay, để học sinh thích học và học hiệu quả thì người đứng lớp phải thật sự lắng nghe, hiểu về tâm lý trẻ, tạo được cho các em niềm vui, sự tin tưởng...
Hiện tại, công việc gia sư đưa đến cho Khôi nguồn thu nhập 35 triệu đồng/tháng.
Khôi thừa nhận, việc làm thêm ít nhiều ảnh hưởng đến việc học của mình, cậu không thể dành hết thời gian cho việc học. Mỗi tối, Khôi phải xử lý hàng loạt việc như dạy học, soạn giáo án, học bài… Như đợt làm luận án tốt nghiệp, Khôi thường xuyên phải thức đến 3-4h sáng.
Thế nhưng, với Khôi mọi lựa chọn đều phải đánh đổi. Khôi thích công việc dạy học, vui khi thấy những học trò tiến bộ, hạnh phúc khi nhiều gia đình tìm đến gửi con...
Chưa kể, công việc làm thêm này đưa đến cho Khôi nguồn thu nhập cao để trang trải chi phí học tập cũng như có thể hỗ trợ bố mẹ, mua những thứ mình muốn dành tặng bố mẹ.
"Em là con một, ba mẹ chỉ có mình em thôi. Ba mẹ đã làm rất nhiều thứ cho em nên khi trưởng thành thì điều tốt nhất em muốn dành cho ba mẹ mình", Khôi trải lòng.
Kế hoạch của Khôi sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục học cao học về lĩnh vực kinh doanh. Cậu vẫn sẽ duy trì công việc gia sư nhưng sẽ tìm người cùng hỗ trợ, đồng hành.
Đứng bên cạnh con trai, chị Trinh đưa tay quệt nước mắt vì xúc động...
Chị nhớ ngày Khôi còn nhỏ, khi nào chị cũng là phụ huynh đẩy cánh cổng trường sớm nhất, bước vào sớm nhất để đón con, không để con phải chờ đợi.
Năm đầu tiên Khôi học đại học, chị Trinh quyết không cho con tự chạy xe đi học vì chưa có bằng. Hàng ngày, chị chở con đi đi về về giữa nhà và Trường Đại học Bách khoa TPHCM ở cơ sở Thủ Đức gần 40 cây số.
Chị muốn dạy con bài học về tuân thủ pháp luật. Và hơn hết là với tình yêu của người mẹ, chị chỉ yên tâm buông tay ra khi con thật sự vững vàng…
Ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết sinh viên tốt nghiệp năm nay là khóa sinh viên nhập học trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trước khó khăn này, nhà trường và mỗi sinh viên đều phải xây dựng cho mình những biện pháp thích nghi, thay đổi để vượt qua thách thức nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo.
Trong đợt tốt nghiệp tháng 11/2024, Trường Đại học Bách khoa TPHCM ghi nhận 27,8% sinh viên đạt xếp loại giỏi trở lên trong tổng số sinh viên tốt nghiệp. Có 11 sinh viên được trao tặng Cúp Toàn năng, trong đó có 5 bạn xếp loại xuất sắc. Bên cạnh đó, có 42 sinh viên của các khoa được trao tặng Huy chương Vàng tốt nghiệp.