1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Bạn đọc viết:

“Mẹ ơi, lớp con đông, vui nhưng ồn lắm!”

(Dân trí) - Hôm vừa rồi, cậu con trai thứ hai của tôi vừa đi học về đã rối rít gọi mẹ để khoe chuyện lớp mình. Con bảo “Lớp con vừa có một bạn mới chuyển đến. Vậy là chẵn con số năm chục. Giờ lớp con rất đông, vui nhưng ồn lắm mẹ ạ!”.

Con trai tôi năm nay học lớp 7. Từ đầu năm cháu đã phàn nàn về chuyện sĩ số lớp mình đông rồi. Bữa nào cô chủ nhiệm cũng phải lớn tiếng mới ổn định được nề nếp lớp. Khổ nhất là từ bữa học chính thức. Nhiều giờ học, lớp con rất ồn ào. Thế là ảnh hưởng đến việc nghe giảng của các con. Giờ con chỉ ước sĩ số lớp mình được ít hơn. Chứ tình trạng này, sức học của các con sẽ dần đi xuống mất. 

Nghe con kể, tôi bắt đầu lo lắng cho các con. Rồi đây các con sẽ học hành ra sao trong tình trạng như vậy. Cả một bầy loi nhoi đang tuổi dở dở, ương ương. Gặp thầy cô khó còn nghiêm túc học chứ giáo viên dễ chắc gì học được. Tự nhiên tôi đâm ra lo sợ cho những ngày học hành sắp tới của con.

Bây giờ các trường đều thực hiện theo chính sách tinh giản biên chế, dồn lớp. Vì vậy mà sĩ số lớp nào cũng đông cả (chỉ trừ trường tư). Bình quân mỗi lớp gần năm chục học sinh.

Với số lượng như thế, đương nhiên là giáo viên cực kì vất vả rồi. Từ quản lí các em cho đến việc chấm bài, sửa bài... Mà lớp đông, chắc chắn việc quan tâm đến các em sẽ bị hạn chế. Chưa kể, lớp đông thường ồn ào ảnh hưởng đến chất lượng bài dạy. Cuối cùng sự thiệt thòi khổ nhất vẫn là những em học sinh.

Bản thân là một giáo viên nên tôi hiểu dạy ở lớp đông cực khổ vô cùng. Chỉ nhìn các em thôi cũng đủ ngộp rồi. Các em học sinh khối Trung học cơ sở đang ở tuổi dậy thì. Nhiều em lớn hơn độ tuổi rất nhiều. Mỗi khi vào lớp, giáo viên thường rất mất thời gian để ổn định nền nếp. Lớp đông, các em lại hay thưa gửi. Chỉ cần xử lí những việc không tên ấy cũng đủ cho giáo viên mệt đứt hơi rồi.

Lớp đông, thương nhất vẫn là những học sinh yếu kém. Thầy cô đâu có thời gian để kèm cặp thêm cho các em. Chưa kể, sĩ số đông, các hoạt động dạy học tích cực thường bị cắt bỏ. Chẳng hạn hoạt động nhóm giúp học sinh tự tìm hiểu kiến thức và rèn luyện khả năng tập thể rất tốt nhưng lại bị giáo viên bỏ qua. Lý do thì ai cũng biết lớp đông hoạt động nhóm thường rất ồn. Nếu thầy cô quản lí không tốt lớp học sẽ bị rối ngay. Thành thử để an toàn, không ít thầy cô đã bỏ qua nhiều hoạt động dạy học tích cực khác. Điều này rất thiệt thòi cho các em.

Tôi đã từng giật mình khi nghe một cô giáo trẻ tâm sự như thế này: Sĩ số đông, em chẳng dám vận dụng các hoạt động dạy học tích cực đâu. Sợ nhất là không quản nổi các em. Em đã từng khóc vì hò hét mãi mà trò không giữ trật tự. Thôi thì để an toàn em cứ cho các em ghi nhiều.

Như vậy, sĩ số đông, khổ cả cô lẫn trò. Với tình trạng sĩ số đông như hiện nay, chắc chắn việc học tập sẽ khó đạt được hiệu quả cao. Cuối cùng sự thiệt thòi đương nhiên sẽ thuộc về những em học sinh yêu thương của chúng ta.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!