Mẹ nghẹn ngào khi con nói: "Con làm gì có ngày nghỉ mà đi chơi"

Phạm Hồng Hải

(Dân trí) - Hào hứng nói về lịch nghỉ cuối tuần cả nhà, chị Hường như bị dội gáo nước lạnh khi nhận được câu trả lời của cô con gái lớn: "Con làm gì có ngày nghỉ mà đi chơi".

"Con làm gì có ngày nghỉ mà đi chơi"

Hàng năm, cứ mỗi tháng một lần, gia đình chị Hường tổ chức đi dã ngoại hoặc du lịch để các thành viên có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, gần một năm nay, gia đình chị Hường đã không có chuyến đi chơi nào cùng nhau kể cả ngày chủ nhật.

Hai hôm trước, chị được đồng nghiệp cho 3 phiếu giảm giá sâu tại khách sạn tại Hạ Long. May mắn sao, chị liên hệ khách sạn thì được biết phiếu áp dụng cho cả dịp cuối tuần này.

Trong bữa cơm tối, chị hào hứng chia sẻ cả nhà về kế hoạch du lịch cuối tuần thì như bị dội gáo nước lạnh khi nhận được câu trả lời của cô con gái lớn: "Con làm gì có ngày nghỉ mà đi chơi".

Mẹ nghẹn ngào khi con nói: Con làm gì có ngày nghỉ mà đi chơi - 1

Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh cuối cấp gần như không có ngày nghỉ (Ảnh minh họa: AI)

Nghe xong chị Hường sững người lại, nghẹn ngào nhớ lại lịch học thêm của con. Gần một năm nay, kể từ khi lên lớp 12, con gái lớn của chị gần không có ngày nghỉ. Ban ngày, con học trên trường, chiều và tối phụ đạo thêm các môn lý, hóa, anh. Thường con gái chị Hường sẽ kết thúc ca học vào lúc 21h và trở về nhà lúc 21h30.

Giữa các ca học con thường mua bánh hoặc uống tạm sữa để đi học, tối về nhà mới ăn cơm. Tuy nhiên, mỗi lần trở về nhà, con lao ngay vào giường nằm và than mệt, không muốn ăn uống gì nữa. Mỗi lần như thế chị Hường đều động viên con gái rằng chỉ còn vài tháng nữa là về đến đích rồi.

Sở dĩ phải đi học nhiều là bởi mỗi một môn học con gái chị Hường đều học 2 thầy cô. Một là thầy cô chị Hường được bạn bè giới thiệu bởi trước đó, con bạn chị cũng học các thầy cô này mà đỗ vào các trường đại học top đầu. Ngoài ra, con học thêm giáo viên trong trường mà con thích hoặc học cùng bạn.

Tương tự trường hợp nhà chị Hường, với quyết tâm đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội, hè năm lớp 11, con trai chị Trần Thị Bích Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) đã bắt đầu tăng tốc chương trình lớp 12. Bất kể là nghỉ hè, con chị vẫn đi học cả ngày. Ngoài học thêm 3 môn vật lý, hóa học, sinh học , con trai chị còn đăng ký thêm một số khóa tiếng Anh nhằm đạt điểm cao IELTS.

Trước đây, mỗi buổi chiều đi học về, con trai chị Ngọc thường đi đá bóng hoặc đi bơi. Nhưng từ khi lên lớp 12, con không thể xếp lịch thể thao vì không có thời gian. Và hiện tại, nửa ngày nghỉ đối với con trai chị cũng thật "hiếm có khó tìm".

"Biết con học hành vất vả, tôi luôn chuẩn bị sữa và bánh trong phòng để con ăn khi đói. Thế nhưng, chỉ khi nào bị mẹ nhắc nhở con mới ăn thêm còn không thì mỗi buổi tối đi học về, con chỉ ăn vội vàng một bát cơm rồi lại lên phòng học luôn", chị Ngọc chia sẻ.

Lớp 12 luôn là khoảng thời gian các em phải "cày ngày cày đêm" để đạt được mơ ước. Bởi vậy mà một số học sinh đi học thêm nhiều môn, thậm chí một môn học thêm hai đến ba nơi để mong tiếp thu, lật đi lật lại kiến thức. Thế nhưng, điều đó khiến cho thời gian nghỉ ngơi hay ngày nghỉ cũng trở nên khan hiếm.

Mẹ nghẹn ngào khi con nói: Con làm gì có ngày nghỉ mà đi chơi - 2

Học sinh nên kết hợp giữa học tập và nghỉ ngơi hợp lý để không bị quá tải (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Ai cũng cần có ngày nghỉ

TS Nguyễn Thanh Nga, giảng viên môn Tâm lý học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, ngày nghỉ là điều cơ bản mà ai cũng nên có để có thể tham gia các hoạt động giúp cơ thể thư giãn như chơi thể thao, tập thể dục, nghe nhạc... Đặc biệt, với các sĩ tử, ngày nghỉ càng trở nên quan trọng. Bởi đây là thời gian giúp học sinh tái tạo năng lượng, giảm stress sau những giờ học căng thẳng.

"Học thêm để tích lũy, trau dồi kiến thức là điều tốt, tuy nhiên các em không nên đi học thêm quá nhiều. Bởi nếu không có thời gian nghỉ ngơi sẽ dẫn đến tinh thần mệt mỏi, hiệu quả tiếp thu bài giảm. Thậm chí dẫn đến tình trạng học sinh uể oải, chán học", cô Nga chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm về tình trạng học sinh học thêm nhiều thầy cô cho cùng một môn học, TS Nguyễn Thanh Nga cho biết, đây là điều không nên vì nó khiến học sinh mất thời gian và phụ huynh tốn tiền.

"Thay vì học nhiều thầy cô trong cùng một môn học, phụ huynh có thể lựa chọn giáo viên có phương pháp dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của con. Học ít mà hiệu quả vẫn hơn là học nhiều nhưng tràn lan, không đúng trọng tâm", TS Nga khuyên.

Cùng với đó, để học tập đạt kết quả tối đa, phụ huynh và học sinh nên xác định mục tiêu rõ ràng, khả năng cũng như sở thích của con để đưa ra quyết định chọn ngành, nghề đúng đắn.

Từ đó, gia đình lên kế hoạch học tập phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân học sinh, tránh tình trạng quá tải. Trong quá trình học tập, học sinh nên học kết hợp với giải trí, thư giãn và phân bổ thời gian học tập hợp lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm