Mất bằng tốt nghiệp có được dự thi ĐH, CĐ?
(Dân trí) - Mất bằng tốt nghiệp cấp 3 có được dự thi ĐH, CĐ không?Ký nguyện vọng 1 ở các trường khối quân đội nếu không đủ điểm có được xét tuyển NV2, NV3 ở các trường khối dân sự không? Học ngành Luật và Điều dưỡng ra làm gì, cơ hội việc làm có cao không?...
Em năm nay thi đại học nhưng mất bằng tốt nghiệp cấp 3. Nếu em làm lại không kịp thì tới kỳ thi em có được phép dự thi không?(lam776219@gmail.com)
Quy định tuyển sinh của Bộ GD-ĐT yêu cầu, trước khi vào thi, thí sinh xuất trình giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với những thí sinh vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp (đối với những thí sinh đã tốt nghiệp những năm học trước). Hiện nay, thời gian đến kỳ thi đến còn dài, em nên liên hệ trường THPT đã tốt nghiệp để làm thủ tục xin cấp lại bằng nhé.
Em đăng ký nguyện vọng 1 ở các trường khối quân đội nếu không đủ điểm có được xét tuyển NV2, NV3 ở các trường khối dân sự không? (ngohuongncc@yahoo.com.vn)
Năm nay kỳ thi tiếp tục thực hiện theo phương thức “3 chung”: thi chung đợt, làm chung đề, sử dụng chung kết quả. Thi chung đợt giống như mọi năm cũng thi 3 đợt: 4 và 5/7 (khối A), 9 và 10/7 (khối B,C), 15 và 16/7 (thi Cao đẳng); làm chung đề thi: nếu thi tự luận làm bài trong 180 phút, nếu thi trắc nghiệm 90 phút; sử dụng chung kết quả.
Trong hồ sơ dự thi mỗi thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng duy nhất, điều kiện để có nguyện vọng 2, 3 là thí sinh phải rớt nguyện vọng 1. Để xét tuyển NV2, NV3 thí sinh phải có kết quả dự thi trên điểm sàn qui định của Bộ GD-ĐT mới được trường thí sinh dự thi cấp phiếu số 1 và số 2 để đăng ký xét tuyển.
Quy định như vậy nên em dự thi trường quân đội nếu không đủ điểm em được quyền xét tuyển NV2, NV3 ở các trường khác.
Cho em hỏi về khoa Tài chính ngân hàng ĐH Hà Nội, em nghe nói, khoa này học theo giáo trình của Mĩ, học bằng tiếng Anh nhưng không chuyên sâu vào ngành Ngân hàng của VN nên sinh viên ra trường khi làm việc ở Ngân hàng VN còn nhiều bỡ ngỡ. Vậy có đúng như thế không? và có khoa này có ưu và nhược điểm gì? (minhhangyb11@yahoo.com.vn)
Năm nay cháu định thi ngành Điều Dưỡng. Cho cháu hỏi học điều dưỡng ở trường ĐH Y Hà Nội có khác gì với trường khác hay không? Và sau khi ra trường cơ hội việc làm có cao không? Cháu nghe nói học điều dưỡng sau làm Y tá phải không? (hoahongdai193@yahoo.com.vn):
Hiện nay, các trường ĐH, CĐ đào tạo về ngành Y đều có khoa Điều Dưỡng. Chương trình học về ngành Điều Dưỡng của các trường đều giống nhau 70 - 80% vì thực hiện theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Khác nhau khoảng 20 - 30% chương trình do mỗi trường tự biên soạn tạo nên thế mạnh riêng cho sinh viên của trường.
Theo Quyết định số 153/QĐ-TTg/2006 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 tỷ lệ phải đạt là 3,5 Điều dưỡng/1Bác sỹ, nghĩa là đến năm 2020, để chăm sóc nâng cao sức khỏe cho nhân dân, nước ta sẽ cần tới khoảng 70.000 Bác sỹ (hiện nay con số này là 58.000) và 245.000 điều dưỡng (hiện nay con số này là 70.000). Trong đó, chúng ta cần có trên 50.000 điều dưỡng trình độ từ đại học trở lên (hiện nay con số này là khoảng 2.000) để làm công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo điều dưỡng, làm Điều dưỡng trưởng Khoa, Điều dưỡng trưởng bệnh viện, Điều dưỡng trưởng sở, lãnh đạo Bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế và làm các công tác khác như nghiên cứu, quản lý điều dưỡng…
Như vậy, sinh viên đại học điều dưỡng tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để vào làm việc tại hơn 100 trường đào tạo điều dưỡng và hơn 1.100 bệnh viện và nhiều cơ sở y tế khác trong toàn quốc.
Sinh viên có bằng Cử nhân điều dưỡng có điều kiện tiếp tục theo học các bậc sau đại học như Điều dưỡng chuyên khoa, Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Điều dưỡng cũng như các ngành khoa học sức khoẻ khác như Y tế công cộng, Quản lý bệnh viện...
Học Ngành Luật có dễ kiếm được việc làm không và thường làm ở đâu? (cl825935@yahoo.com.vn):
Không phải học Luật ra là làm tòa án, viện kiểm sát mà chúng ta có thể công tác trong ngành Công an. Hiện nay rất nhiều cựu sinh viên luật đang công tác ở các vị trí quan trọng trong ngành công an. Nếu không thích làm việc trong các cơ quan nhà nước, sinh viên luật cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp, làm tư vấn luật, làm nhà báo... Nhu cầu về ngành Luật hiện nay là rất lớn. Khi trúng tuyển vào ĐH luật thí sinh có thể lựa chọn những ngành học phù hợp: Luật thương mại, Luật dân sự, Luật quốc tế, Luật hình sự, Luật hành chính, Quản trị - luật Ngành, Luật kinh doanh
Ban Tư vấn tuyển sinh