Mạng lưới ĐH châu Âu và Đông Nam Á lần đầu họp phiên toàn thể tại Đà Nẵng

(Dân trí) - Ngày 22/2, tại ĐH Đà Nẵng, phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Mạng lưới các trường đại học châu Âu và Đông Nam Á (ASEA - UNINET) đã chính thức khai mạc.

Đây là lần đầu tiên ĐH Đà Nẵng với tư cách đại học thành viên đăng cai tổ chức phiên họp toàn thể của Mạng lưới.

Tham dự sự kiện có hơn 100 đại biểu đến từ các trường đại học (ĐH) thành viên ASEA UNINET.

IMG_7045.JPG

Các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể của Mạng lưới đại học châu Âu và Đông Nam Á lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng

Theo chương trình, ngoài phiên toàn thể chính thức với 3 bài báo cáo chung, trong 4 ngày (22/2-25/2), các đại biểu sẽ chia nhóm thảo luận các chủ đề về khoa học nhân văn, khoa học công nghệ, kỹ thuật và Toán học (STEM)

Nội dung thảo luận tập trung vào tác động của thay đổi công nghệ nhanh chóng đối với sự phát triển bền vững; Văn hóa, âm nhạc, nhân văn; Áp dụng ống kính giới tính đối với sự thay đổi công nghệ nhanh chóng; Hỗ trợ nghề nghiệp học tập (nghề STEM),

Sự kiện cũng bao gồm các hoạt động xúc tiến, phát triển hợp tác giữa các thành viên ASEA - UNINET thu hút nhiều nhà khoa học, đại biểu lãnh đạo các tổ chức, hiệp hội, các trường ĐH và các đối tác doanh nghiệp, địa phương…

Phát biểu tại phiên khai mạc sự kiện, PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh đánh giá cao những hoạt động thiết thực, đặc biệt là các nhóm làm việc liên quan đến tính bền vững tại Phiên họp toàn thể của ASEA UNINET tại Đà Nẵng lần này.

Đại diện ban tổ chức khẳng định sự kiện là cơ hội tuyệt vời cho đại diện của các trường đại học thành viên trong Mạng lưới trao đổi ý tưởng, kết nối chuyên môn; cũng như chia sẻ các mối quan tâm thực tiễn để tạo ra ý tưởng hợp tác dự án và thành lập Nhóm nghiên cứu giảng dạy.

ASEA - UNINET hiện có 83 trường đại học thành viên ở 17 quốc gia. Mạng lưới được thành lập từ năm 1994 bởi các trường đại học thành viên đầu tiên ở Áo, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Mạng lưới đặt mục tiêu thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục và nghiên cứu; tạo điều kiện khuyến khích hợp tác giữa các tổ chức học thuật trong giảng dạy, nghiên cứu chung, trao đổi giảng viên, sinh viên; hỗ trợ nguồn lực cho các thành viên; tạo điều kiện hợp tác giữa các trường, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ và các nhà điều hành kinh tế tham gia vào các dự án liên quan; tổ chức và hỗ trợ tài chính chuyển giao tri thức, công nghệ cho khu vực Đông Nam Á.

Khánh Hiền