Lý giải sức hút của ngành học được nhiều thủ khoa lựa chọn

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Năm 2022, có tới 3 thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng chọn theo học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, cho thấy sức hút của ngành học này.

Đó là các em Bùi Đức Anh (Thủ khoa khối B; cựu học sinh Trường THPT Quỳnh Côi, Thái Bình), Đặng Khánh Linh (Thủ khoa khối D01; cựu học sinh Trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) và em Vũ Khánh Huyền (Thủ khoa khối D03; cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Tĩnh). Trong đó, trường hợp của Bùi Đức Anh khá đặc biệt khi em chia sẻ câu chuyện từ bỏ ước mơ trường y để lựa chọn theo học Kinh tế đối ngoại.

Tại 2 trường đại học hàng đầu đào tạo chuyên ngành Kinh tế đối ngoại là Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn chương trình này qua các năm luôn thuộc top cao nhất.

Lý giải sức hút của ngành học được nhiều thủ khoa lựa chọn - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Sức hút của chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đến từ đâu?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ, sức hút của chương trình Kinh tế đối ngoại đến từ việc đây là ngành có sự kết hợp của cả tính vĩ mô và vi mô trong đào tạo. Điều này giúp sinh viên có cơ hội việc làm rất rộng mở, cả trong các khu vực công và khu vực tư.

Thứ hai, đây là chương trình có tính kết nối thực tiễn cao, khi sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực hành, thực tập, làm dự án, học với các giáo viên nước ngoài, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu, các chuyên gia đến từ doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên có tinh thần "thực chiến" rất cao, tức đa số các bạn khi tốt nghiệp đều có khả năng triển khai được ngay công việc tại các vị trí.

Thứ ba, tính quốc tế hóa của chương trình Kinh tế đối ngoại cũng rất cao. Sinh viên được học trong một môi trường ngoại ngữ khá phong phú, có thể lựa chọn nhiều ngoại ngữ khác nhau để song hành với chương trình, thậm chí học nhiều ngoại ngữ song song. Bởi vậy, khả năng thực hành trong những môi trường quốc tế của các bạn rất cao.

Bên cạnh đó, với Trường Đại học Ngoại thương, PGS Hiền cho biết Kinh tế đối ngoại là ngành truyền thống lâu đời nhất của trường nên mạng lưới của cựu sinh viên, kết nối với cộng đồng được hình thành và phát triển rất mạnh, là cơ hội để sinh viên kết nối và tìm kiếm việc làm với thu nhập cao.

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, vị trí việc làm của cử nhân Kinh tế đối ngoại tương đối rộng mở. Các bạn có thể làm kinh doanh, khởi nghiệp làm chủ các doanh nghiệp, làm các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực kinh tế. Nhiều bạn theo đuổi con đường nghiên cứu viên hay trở thành giảng viên của các trường đại học.

"Theo thống kê của chúng tôi qua các năm, tỷ lệ chung với sinh viên của trường khi tốt nghiệp là hơn 99% tìm kiếm được việc làm ngay sau 1 năm tốt nghiệp. Với chương trình Kinh tế đối ngoại, tỷ lệ này thậm chí còn vượt mức nói trên, phần lớn sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp", PGS Hiền thông tin.

Tố chất cần có khi chọn theo học Kinh tế đối ngoại

Tư vấn về những tố chất cần có để theo học Kinh tế đối ngoại, PGS.TS Vũ Thị Hiền chia sẻ, "tố chất" thực tế không phải là yếu tố quyết định nhất trong việc theo đuổi chương trình này.

"Điều quan trọng khi lựa chọn một ngành học là các em phải dựa vào ước mơ về công việc của mình sau này. Nếu như nghiên cứu vị trí việc làm dự kiến, nghiên cứu về kết cấu các môn học trong chương trình và những lợi điểm cũng như môi trường học tập mà cảm thấy phù hợp, các em đã có thể theo đuổi chương trình này", PGS Hiền nói.

Để tăng cơ hội trúng tuyển vào chương trình Kinh tế đối ngoại khi đây là chuyên ngành rất hot, luôn thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển, PGS Hiền đưa ra lời khuyên tới thí sinh: nên tìm kiếm, nghiên cứu kỹ các phương thức tuyển sinh để tìm ra được phương thức phù hợp nhất cho mình.

"Hiện nay, nhà trường thực hiện rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, tức cơ hội để các em vào được chương trình Kinh tế đối ngoại cũng rất rộng mở. Nếu phương thức này không phù hợp, em có thể lựa chọn phương thức khác. Như vậy, các em hãy cứ thử sức mình trong việc nộp hồ sơ đăng ký, không hạn chế đam mê của mình để có thêm cơ hội trúng tuyển", PGS Hiền chia sẻ.

Điểm chuẩn ngành Kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) qua các năm (theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT):

Tên trường  Điểm chuẩn năm 2020 Điểm chuẩn năm 2021 Điểm chuẩn năm 2022
Trường Đại học Ngoại thương28.6 28.8 28.75 
Trường Đại học Ngoại thương cơ sở II (TPHCM)28.3 28.6 28.40 
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)

- Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại): 27.45

- Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại) chất lượng cao: 27.20

- Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại): 27.45

- Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại) chất lượng cao: 27.00

- Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại) chất lượng cao bằng tiếng Anh: 26.60

 

- Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại): 26.9

- Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại) chất lượng cao: 26.3

- Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại) chất lượng cao bằng tiếng Anh: 25.75