Lý do nên học nội trú ở Mỹ?

Học phí không rẻ nhưng "điểm cộng" mà các trường nội trú ở Mỹ có được là hướng đến sự giáo dục toàn diện, đặt nền tảng vững vàng cho những năm đại học.

Đáng đồng tiền

 

Theo khảo sát biểu phí của trường nội trú ở Mỹ, trung bình mỗi du học sinh sẽ mất khoảng 40.000 - 50.000 USD/năm học. Con số này khiến không ít phụ huynh e ngại, phân vân.

 

Nhưng xét về đầu tư lâu dài, đây là chi phí trọn gói ăn ở và học phí trong môi trường học tập với trang thiết bị hiện đại, toàn diện nên đánh giá của nhiều người là "đáng đồng tiền bát gạo" và trong khả năng chi trả, bởi có thể trả hết một lần hoặc chia làm hai đợt.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Ngoài ra, những học sinh học tốt, giỏi ngoại ngữ hoàn toàn có khả năng giành những suất học bổng toàn phần lên đến hơn 40.000USD.

 

Nguyễn Thanh Hương, học sinh lớp 10 chuyên Anh trường Trần Đại Nghĩa, vừa được nhận học bổng toàn phần trị giá hơn 45.000USD của trường Nữ trung học Grier, bang Pennsylvania.

 

Hương không phải là trường hợp hiếm hoi của Việt Nam nhận được học bổng giá trị này. Một số trường có tiếng như: Phổ thông Năng khiếu, Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Hà Nội Amsterdam... hằng năm có hàng chục học sinh giành được học bổng toàn phần từ các trường nội trú danh giá ở Mỹ.

 

Ông Richard Sherwood, Giám đốc AEG (American Education Group) tại Việt Nam, đánh giá, các học sinh thuộc khối chuyên của một số trường như trên học rất giỏi, nhưng đa số các em thuộc nhóm "mọt sách, chỉ cắm cúi học và học", rất ít tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng xã hội.

 

Ông chia sẻ, ngay lần đầu gặp Thanh Hương ông đã nhận thấy cô bé là một học sinh tiêu biểu cho trường phái "học chay" đó. Sau hai năm học nội trú, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, cô bé đã phát triển toàn diện, năng động không kém học sinh Mỹ. Hương tự tin nộp hồ sơ vào trường kinh tế danh tiếng của Mỹ với nền tảng kiến thức vững chắc từ những năm học cấp 3.

 

Ông Richard Sherwood cũng cho biết thêm, tỷ lệ học sinh học ở trường công đậu vào trường đại học hàng top của Mỹ chỉ ở mức 0,2%, nhưng tỷ lệ này lên đến 40% ở số học sinh học ở những trường tư thục, nội trú và có sự đầu tư sớm.

 

Phát triển toàn diện

 

Rõ ràng, cung cấp nền tảng kiến thức vững, môi trường học tập tích cực, hướng đến phát triển các kỹ năng mềm khác như quản lý thời gian, tính tự lập và khả năng lãnh đạo là "bí kíp" các trường nội trú sở hữu.

 

Bà Annie Lundahl, đại diện Hiệp hội Các trường nội trú (TABS), cho biết: "Ngoài mở đường cho học sinh vào các trường đại học có uy tín, các trường nội trú còn mang lại cho học sinh những lợi ích lâu dài. Học sinh tốt nghiệp từ các trường nội trú đã quen với sự nghiêm túc trong học tập của giáo dục đại học và đã có một số trải nghiệm về sự tự lập. Họ được chuẩn bị để gặt hái thành công và sẵn sàng cho những thay đổi trong cuộc sống".

 

Bên cạnh đó, theo ông Richard Sherwood, trường nội trú còn giúp học sinh chuẩn bị đối đầu với những thử thách trong cuộc sống khi trưởng thành. Các nghiên cứu cho thấy, họ nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

 

Hoàng Nam, cựu học sinh trường Lê Hồng Phong, kể, thời gian đầu Nam hơi khó thích nghi với môi trường nội trú bởi nó khác các trường phổ thông ở Việt Nam. Du học sinh không chỉ cần học tốt, đạt điểm cao, mà còn phải nhiệt tình "lăn xả” vào các hoạt động xã hội.

 

"Trường nội trú dạy bạn cách trở thành một công dân năng động, có tầm nhìn toàn cầu và bạn sẽ thấy công sức mình bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng", Nam đánh giá.

 

Một nghiên cứu so sánh giáo dục trung học được thực hiện bởi Nhóm Nghệ thuật và Khoa học của Mỹ tìm thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa các trường nội trú và sự thành công sau đại học.

 

Nghiên cứu cho thấy, học sinh trường nội trú dành thời gian nhiều gấp 2 lần, khoảng 17 giờ/tuần, cho bài tập về nhà so với mức trung bình 8 giờ/tuần của các bạn cùng trang lứa học ở các trường công. 87% học sinh tốt nghiệp trường nội trú cho rằng họ được chuẩn bị tốt hơn cho đại học, rèn được tính tự lập, thích nghi với đời sống xã hội và biết quản lý thời gian.

 

Theo DNSG