Luyện thi đại học: May - rủi khó lường!

TPHCM có gần 400 trung tâm luyện thi đang hoạt động trên địa bàn các quận, huyện trong tầm quản lý của Sở GD-ĐT và các trường đại học. Có bao nhiêu trung tâm hoạt động đúng thực chất với những lời quảng cáo?

Các sĩ tử không thể nào biết được trừ khi phải tốn một khoản tiền không nhỏ để thử nghiệm! Cho nên các sĩ tử luyện thi chỉ biết trông chờ vào sự may rủi mà thôi...

 

Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi

 

Đến trung tâm luyện thi tại số 306 XVNT, quận Bình Thạnh, không ít thí sinh bất ngờ khi thấy văn phòng một trung tâm luyện thi có tầm cỡ mà chỉ rộng khoảng 10 m2. Trong khi quảng cáo rùm beng rằng phòng học đạt tiêu chuẩn cao cấp, có máy lạnh thì thực tế chỉ là chật chội, nóng nực, bàn ghế cũ kỹ. Đã thế, học phí ở đây không rẻ một chút nào và phải đóng một lần. Học phí luyện thi thường là 1.400.000 đồng đến 1.600.000 đồng một khóa học 6 tháng, còn lớp đặc biệt là lớp học 2 buổi với học phí

 

2.600.000 đồng. Giá thuê phòng trọ là 150.000 đồng đến 180.000 đồng/người/tháng nhưng chỉ là một dãy nhà cũ ngăn vách, với các phòng ở chật hẹp, chứa được từ 6 đến 8 người trong diện tích khoảng 8 m2 đến 10 m2 .Với số tiền như vậy thí sinh có thể thuê một chỗ trọ đàng hoàng hơn rất nhiều ở ngoài. Tuy nhiên vẫn có nhiều thí sinh phải thuê vì chân ướt chân ráo vào TPHCM không biết phải bắt đầu từ đâu.

 

Em N.T.H cho biết: "Ở đây chật chội, sinh hoạt cá nhân rất hạn chế, nhưng không dám mướn chỗ khác vì không rành đường, lại đâu có phương tiện đi lại, kinh tế gia đình đâu có khá, nên đành cắn răng cố gắng vượt qua để mong đậu trong kỳ thi sắp tới". Em N.H.N quê ở Vĩnh Long đang luyện thi ở trung tâm số 18 Võ Văn Tần, quận 3 cho biết: "Năm ngoái em thi rớt ở Cần Thơ, năm nay quyết định khăn gói lên TPHCM để "dùi mài kinh sử" từ tháng 10 năm ngoái, chấp nhận sống chen chúc cùng với các người bạn luyện thi trong một phòng trọ thuộc trung tâm luyện thi. Những ngày mưa chúng em phải thay nhau hứng nước, còn nắng nóng trong phòng chẳng khác nào một lò bánh mì. Em đâu còn sự lựa chọn nào khác hơn vì tiền đã đóng".

 

Em L.T.T quê ở Chợ Lách, Bến Tre lần đầu lên luyện thi cho biết: "Khi bước chân vào TPHCM, em thấy rất nhiều trung tâm quảng cáo luyện thi đại học chất lượng thật là cao. Em đã chọn một trong số đó. Trung tâm hình như không quan tâm số học sinh trong lớp luyện thi có bao nhiêu? Thầy lên lớp cứ giảng bài, còn tụi em muốn học sao thì học. Chán thì chán thật nhưng em cũng ráng học, tiền đã đóng rồi không theo không được nữa, em làm gì có tiền để tiếp tục sang luyện thi ở một trung tâm khác. Mấy bạn cùng quê, học ở các trung tâm luyện thi khác cũng đều than thở như em”.

 

Những “chiêu thức” thu hút thí sinh

 

Khó khăn lớn nhất các thí sinh phải đối mặt là vấn đề về nhà ở, phương tiện đi lại và đặc biệt là có được học ở một lớp thật sự có chất lượng hay không? Em H.V.T quê ở Cầu Kè, Trà Vinh tâm sự: “Vô lớp thì ai lượm được bao nhiêu kiến thức thì lượm. Đôi khi em cũng hoang mang không biết mình học được cái gì, lớp quá đông có nhiều lúc không hiểu bài cũng không dám hỏi lại thầy giảng dạy". Khu vực phường Bắc Hải, quận 10, một trong những khu tập trung khá nhiều trung tâm luyện thi đại học, tình hình cũng tương tự.

 

Ngoài những quảng cáo quá lời để cạnh tranh, năm nay các trung tâm còn thu hút thí sinh bằng cách đưa ra các dịch vụ thi thử với mức lệ phí từ 15.000 đến 20.000 đồng/một môn. Kết quả thi thử của các sĩ tử sẽ được các trung tâm thông báo về gia đình để có sự chuẩn bị. Trung tâm luyện thi Gia Đình 123 Xô Viết Nghệ Tĩnh còn đưa ra quy định nếu học viên nghỉ 3 buổi không có lý do sẽ bị đuổi học không hoàn tiền học phí.

 

Trên đường Kha Vạn Cân, Thủ Đức có một lò luyện thi dễ thu hút và hấp dẫn đối với các sĩ tử chọn trung tâm luyện thi cho mình ở mùa thi năm nay, bởi băng rôn quảng cáo treo ở ngoài ghi là do nhóm giáo viên Đại học Quốc gia tham gia ra đề và chấm thi trực tiếp giảng dạy. Một lời quảng cáo mà bất cứ ai nắm vững quy trình tổ chức thi đều phải tỏ ý nghi ngờ.

 

 

Theo Thời Báo Kinh Tế VN