Lớp năng khiếu hay lớp học "nhà giàu"?

Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ra thông báo, học sinh của lớp năng khiếu, nếu không đủ tiền tham gia khoá học ngoại ngữ "dự án" của trường, sẽ bị chuyển sang lớp thường (!?)

Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) vừa ký thông báo gửi các bậc cha mẹ học sinh và các em học sinh hai lớp năng khiếu (10A3 và 10A5) với nội dung: Trường đã xây dựng dự án với Trung tâm ngoại ngữ AAC (Mỹ) nhằm giảng dạy môn ngoại ngữ một cách bài bản, có hệ thống cùng với một môi trường chuẩn; vì vậy học sinh hai lớp này sẽ "được" học mỗi tuần một buổi ở Trung tâm AAC, thời gian học từ 15/9/2005 - 30/4/2006; học phí cho cả năm học (trừ 3 tháng hè, thực chất thì chỉ có khoảng 30 buổi học) là 100USD.

 

Chuyện chẳng có gì phải băn khoăn, nếu thông báo trên không kèm theo điều kiện sau: "Nếu học sinh nào đã đăng ký vào lớp năng khiếu mà không thực hiện được theo kế hoạch của dự án, nhà trường sẽ chuyển sang lớp khác".

 

Quyền của các em là được học. Các em đã thi và đủ điều kiện vào học, thế nhưng chỉ vì không học lớp ngoại ngữ theo cái gọi là dự án (phải nộp 100USD, và dự án này không hề nằm trong chương trình chính khoá được Bộ GD-ĐT phê chuẩn) thì lại không được học lớp năng khiếu nữa! Trường THPT Việt Đức có quyền gì để tự cho mình được quy định riêng vượt quyền Bộ GD-ĐT như vậy?

 

Không phải tất cả học sinh hai lớp năng khiếu đều có đủ khả năng tài chính để theo học "dự án". Bởi vậy, các em sẽ bị chuyển sang lớp khác. Như vậy, sẽ có những học sinh giỏi nhưng vì gia đình không đủ điều kiện tài chính thì bị loại khỏi lớp năng khiếu. Điều đó cũng có nghĩa là nhà trường đã tước mất quyền được phát triển khả năng của các em.

 

Bộ GD-ĐT thường xuyên tuyên bố: Nghiêm cấm việc bắt ép học sinh học thêm để thu tiền. Thế nhưng trong trường hợp này trường THPT Việt Đức đã bắt buộc học sinh phải học thêm có thu tiền dưới hình thức "dự án". Lần này, lệnh cấm đó có được thực hiện đối với trường hợp này?

 

Nhiều trường học đang có phong trào liên doanh, liên kết với nước ngoài để thực hiện các dự án với mục đích rất đẹp: Xây dựng những nền tảng kiến thức vững chắc cho học sinh, tăng cường sự phát triển toàn diện...

 

Vậy nhưng, nếu cứ như việc thực hiện "dự án" theo cách của trường THPT Việt Đức (Hà Nội) thì mục đích đẹp đó đã bị đánh tráo mất rồi. Gần đây, người lớn thường tỏ thái độ thương cảm trước nỗi vất vả của học sinh, nhưng các trường có thương các em không lại là chuyện hoàn toàn khác!

 

Theo Tô Phán

 Lao Động