Lớp học xoá mù chữ của cô Huyền

Từ ngày về hưu, cô giáo Huyền chẳng chịu nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, mà tập trung một lớp học hoàn toàn miễn phí, học sinh đều là các em mù chữ, có gia cảnh đặc biệt khó khăn. Lớp học ấy đã hoạt động gần chục năm nay.

Người dân ở ngõ 443 đường Nguyễn Trãi (phường Hạ Đình, Thanh Xuân) không ai không biết tiếng cô giáo Phạm Thị Huyền (ảnh) ở số nhà 101. Từ sáng thứ hai tới sáng thứ 6 hàng tuần, ở đây luôn rộn rã tiếng đọc bài ê a của các em nhỏ và tiếng giảng bài của cô giáo.

 

Cô Huyền nguyên là giáo viên tiểu học ở phường Phan Thiết, thị xã Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). Về hưu năm 1997, cô chuyển về Hà Nội. Nhìn những đứa trẻ không học hành mà suốt ngày vật vờ lang thang đi qua trước cửa nhà, cô nảy ra ý định thu gom chúng về dạy dỗ. Lớp học bắt đầu hoạt động từ tháng 1 năm 1998, buổi đầu chỉ vẻn vẹn có 6 học sinh. Sau lớp học ngày càng đông.

 

Cô Huyền kể lại: “Mới đầu việc học hành chật vật lắm, các em quen chơi bời lêu lổng nên rất khó rèn giũa. Nhiều em tới 8-9 tuổi còn chưa biết chữ. Bàn ghế cũng chẳng có, tôi phải bán bộ bàn ghế sa lông nan mang từ Tuyên Quang về, lấy tiền mua được 3 bộ bàn ghế và một tấm bảng rất bé. Dạy một thời gian thì phường biết, rồi phòng giáo dục quận Thanh Xuân, uỷ ban dân số gia đình và trẻ em quận Thanh Xuân biết, nên lớp học được hỗ trợ! Các em không phải đóng bất kể khoản chi phí gì, kể cả sách vở giấy bút cũng không phải mua.”

 

Hết 5 năm tiểu học theo chương trình giáo khoa nhà trường, cô Huyền lại đưa các em học sinh tới Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân để đăng ký học tiếp. Nhiều em bị thất lạc giấy tờ, hồ sơ, cô tất bật ngược xuôi lo liệu chu tất. Đến nay, cô Huyền đã dạy được tổng cộng 40 học sinh, tất cả đều được cô xoá mù, trong đó có những em học lên lớp trên, cũng có em trở về với gia đình. Hiện tại, cô đã có 5 học sinh theo học lớp 9. Trong quá trình gần 10 năm giảng dạy, cô nhận được nhiều giấy khen của quận, thành phố, nhiều lần dự thi giáo viên dạy giỏi tại các lớp học linh hoạt và đoạt nhiều giải.

 

Cô Huyền đánh giá chương trình giáo dục ở bậc tiểu học hiện nay là quá nặng đối với các em nhỏ, học sinh phải học ngày học đêm mới theo được chương trình. Nói về nguyện vọng, cô Huyền cho biết cô sẽ dạy cho đến khi không còn sức, hoặc giả không có học sinh mù chữ tìm đến cô nữa. Cô Huyền mong rằng trong tương lai những lớp học linh hoạt như thế này sẽ chẳng còn, mong sao cho ai cũng được học, được đến trường.

 

Bảo Trung