Lớp học tình thương nơi quán cơm 2.000 đồng

(Dân trí) -“Cây viết này của ai?” - cậu em 5 tuổi hỏi. Cô chị lớn hơn hai tuổi ngồi cạnh trả lời: “Của tao… À quên, của chị”. Từ ngày đến lớp học tình thương Nụ Cười 2 (đặt tại quán cơm có giá 2.000 đồng), các em mới bắt đầu học cách gọi nhau là chị em.

Những đứa trẻ lần đầu cầm bút

Cô chị là Lý Hoàng Kim Châu và cậu em có cái tên rất hùng dũng - Lý Tất Hoàng Phi Hổ - là hai trong gần 30 trẻ em nghèo từ lớp 1 đến lớp 8 đang theo học tại lớp học tình thương Nụ Cười 2 (đường Nguyễn Ngọc Nhựt, phường Tân Quý, Tân Phú, TPHCM). Lớp mở vào tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần và sắp tới sẽ mở thêm vào thứ 7.

Cô giáo tại lớp Nụ Cười 2 dạy học trò làm Toán
Cô giáo tại lớp Nụ Cười 2 dạy học trò làm Toán.

Hổ mới chỉ biết cầm bút viết nghệch ngoạc trên mảng, còn Châu hôm nay đã biết viết và đọc chữ O, chữ A. Viết được chữ nào, cô bé lại cầm vở lên đọc to và hỏi cô giáo: “Con đọc vậy đúng chưa cô?”. Sau cái gật đầu của cô, Châu lại tiếp tục ngồi viết.

Trẻ đến học ở đây có nhiều thành phần, có em đang đi học, có em đã bỏ học biết bì bõm vài ba chữ nhưng cũng nhiều em chưa từng một ngày đến lớp. Như trường hợp hai chị em Châu, từ khi biết đi là theo mẹ đi bán vé số khắp mọi ngõ ngách. Đường đời trang bị cho các em là sự lì lợm và đối đáp vô cùng trôi chảy bằng những lời... chửi thề.

Cô giáo Đỗ Thị Kim Dung chỉ dẫn em Lý Hoàng Kim Châu viết những nét chữ đầu đời.

Cô giáo Đỗ Thị Kim Dung chỉ dẫn em Lý Hoàng Kim Châu viết những nét chữ đầu đời.
Cô giáo Đỗ Thị Kim Dung chỉ dẫn em Lý Hoàng Kim Châu viết những nét chữ đầu đời.

Thói quen đó theo các em đến lớp, những ngày đầu các em rất thích gây sự với bạn bè. Ngay cả khi cô giáo yêu cầu xếp hàng, học chữ, Châu còn kéo áo cậu em: “Tao với mày uýnh chết mẹ cô giáo đi”. Hôm nay, Châu đã tự biết xếp hàng, biết ngồi vào bàn học, biết thư gửi với cô giáo và còn dặn cậu em: “Em phải gọi chị là chị nha”.

Đến lớp học là lần đầu tiên trong đời Hổ biết đến bút, bảng.
Đến lớp học là lần đầu tiên trong đời Hổ biết đến bút, bảng.

Cô Đỗ Thị Kim Dung cho hay, cái khó của hai chị em Châu là sự bướng bỉnh, chống đối, tuy nhiên lại rất nhanh nhẹn. Còn cậu học trò tên Lễ, 7 tuổi, bố mẹ đi làm giam trong nhà từ nhỏ, nhìn rất trắng trẻo, sáng sủa nhưng không chịu giao tiếp, sợ tiếp xúc với người xunh quanh. Để tập cho em nói chuyện, tham gia các hoạt động cũng đã rất khó chứ chưa nói đến việc học chữ.

Dạy chữ “kèm” dạy người

Cô Phan Thị Châu, Chủ nhiệm quán cơm Nụ Cười (quán cơm có giá 2.000 đồng) tại địa điểm này cho hay, việc mở lớp học tình thương cho trẻ nghèo đã được ấp ủ từ lâu. Đến đầu tháng 7/2014, tận dụng mặt bằng của quán cơm mới được cho mượn, lớp mới chính thức mở...

Cô Phan Thị Châu kèm học sinh làm bài tập trong giờ học 
Cô Phan Thị Châu kèm học sinh làm bài tập trong giờ học 

"Từ cái nghèo, cái khổ của bố mẹ, cuộc đời các em rất gian truân. Có em mắc chứng tử kỷ  không được chữ trị, có em không có giấy khai sinh, bị bệnh không bao giờ biết đến bệnh viện... Những mầm non cực kỳ giai góc" - cô Phan Thị Châu, Chủ nhiệm quán cơm Nụ Cười 2.

Trước mỗi buổi học, các em sẽ được ăn cơm miễn phí rồi tự mình rửa chén bát. Trước khi vào học chữ phân theo từng nhóm lớp, các em sẽ cùng tìm hiểu về Lịch sử qua những câu chuyện của giáo viên hoặc qua truyện tranh như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo… Các em sẽ kể lại theo cách hiểu của mình cũng như trả lời những câu giỏi của cô giáo. Những phần quà khích lệ đi kèm như là hộp sữa, cái bánh…

Hiện tại, có 8 - 9 giáo viên cũng là tình nguyện viên, nhân viên của quán cơm Nụ Cười thay nhau đứng lớp.
 
“Chúng tôi không tham vọng việc dạy học phải theo một chương trình cố định. Những em đang đi học ở trường sẽ được củng cố thêm kiến thức, những em chưa bao giờ đến trường thì tập cho các em những dòng chữ đầu tiên. Việc giáo dục làm người, đức dục với các em rất quan trọng” - cô Châu tâm sự.
 
Ở lớp học, các em được ăn một bữa tối, học văn hóa và cả học võ hoàn toàn miễn phí. 
Ở lớp học, các em được ăn một bữa tối, học văn hóa và cả học võ hoàn toàn miễn phí.

Sau giờ học văn hóa, các em sẽ được tham gia lớp học võ do thầy Nguyễn Tấn Thành, huấn luận viên đội tuyển Karate quận Tân Phú, cũng là tình nguyện viên phục vụ tại quán cơm Nụ Cười phụ trách. Môn thể lực này không chỉ giúp các em thích thú đến lớp hơn, tăng cường khả năng tự vệ mà khi đưa môn võ vào, điều các thầy cô ở đây muốn là truyền cho các tinh thần thượng võ, dũng cảm, hướng thiện.

Lần đầu biết chào ba mẹ

7h30 tối, từ lớp học, các em ùa ra sân luyện những bài tập thể lực sau khi tự xếp gọn gàng lại ghế ngồi. Bên cạnh sự háo hức của các em là những ánh mắt rạng người của những ông bố bà mẹ nghèo đang đứng chờ rước con.

Đứng bên chiếc xích lô cũ kỹ chất đầy các loại túi bóng, vỏ chai và cả những bịch cơm nguội gom được trên đường, chú Lý Quốc Phùng, 63 tuổi, bố của Châu và Hổ cho hay, nhà nghèo nên hai đứa con chưa từng được đi học. Đến thứ 3, thứ 5, chú Phùng đi chở hàng thuê, hai đứa lại kéo ba dặn: “Hôm nay ba nhớ về sớm để đưa con đến lớp”.

Điều hạnh phúc nhất của chú Lý Quốc Phùng là hai đứa con mình đã biết chào, thưa gửi với ba mẹ.
Điều hạnh phúc nhất của chú Lý Quốc Phùng là hai đứa con mình đã biết chào, thưa gửi với ba mẹ.

Chú Phùng cũng chỉ viết vài ba con chữ, không nắm rõ con mình học chữ tới đâu. Nhưng “Hai đứa nó đã biết chào, biết thưa gửi ba mẹ. Lần đâu tiên tui nghe tiếng con chào, vui lắm” là điều chú cảm nhận rõ nhất khi con đến lớp học tình thương này.

Từ chỗ nhà trọ ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh qua lớp học gần 15 cây số cứ tuần hai buổi, người cha già túc tắc đạp xích lô đưa đón con đến lớp. Dọc đường đi về, thấy lon bia hay túi rác nào họ lại tranh thủ nhặt thêm.

Hoài Nam
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm