Lớp học tiếng Anh đặc biệt ở Bình Hòa

“Con học để khi phụ mẹ bán hàng mà gặp người nước ngoài thì con sẽ không sợ họ hỏi con gì nữa”.

Đó là lý do rất đơn giản mà em Lê Thị Minh Tâm (12 tuổi, đang học lớp 3) khi đến với lớp tiếng Anh giao tiếp mỗi chiều thứ Bảy. Đây là lớp học đặc biệt mới được mở miễn phí dành cho những học sinh (HS) đang học từ lớp 1 đến lớp 5 ban đêm tại Trường Phổ cập giáo dục phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM (số 1 Chu Văn An, trong khuôn viên Trường Tiểu học Bình Hòa).

Thích thú vì biết chữ hello, tên xe đạp

Mặc dù 2 giờ 30 mới bắt đầu học nhưng Minh Tâm đã đến trường trước đó cả tiếng đồng hồ. chỉ lát sau, thêm hàng chục bạn đến và háo hức chờ giờ học bắt đầu. Tâm cho hay em đến sớm vì muốn tranh thủ học cho nhanh để về phụ mẹ bán cá khô ở chợ Bà Chiểu. Ngày nào em cũng phụ mẹ bán hàng, chiều về sớm để giúp ba bị khiếm thị bới cơm ăn rồi đi học lớp buổi tối.

“Khi nghe thầy hiệu trưởng nói có lớp tiếng Anh chiều thứ Bảy, con về nói với mẹ thì mẹ cho đi học ngay. Con cũng muốn học vì con muốn biết nó khác với tiếng Việt thế nào, để khi con phụ mẹ bán hàng mà gặp người nước ngoài thì con sẽ không sợ họ hỏi con gì nữa. Học xong, con ra chợ vừa phụ bán vừa kể lại cho mẹ nghe đã học những gì để mẹ vui” - Tâm lanh lợi nói.

Gần 20 HS ngồi ngay ngắn, lắng nghe và chép bài một cách chăm chú. Thi thoảng cả lớp lại cười phá lên khi xuất hiện một từ mới hoặc có cách đọc nghe là lạ, ngượng nghịu.

Cũng như Minh Tâm, Lê Thị Ngọc Linh (15 tuổi, đang học lớp 4) cặm cụi nắn nót viết từng chữ vào vở cho nhớ bài. Linh cho hay em thích học tiếng Anh từ lâu rồi vì trong xóm các bạn học tiếng Anh nhiều lắm, còn em không được học.

“Lúc trước, em phụ mẹ bán nước mía hay gặp người nước ngoài và thấy họ chào nhau là hello nghe kỳ kỳ nhưng giờ em biết từ đó viết thế nào rồi. em biết cả tên tiếng Anh của chiếc xe đạp em đang đi nữa. Các anh chị còn dạy về ngày tháng trong tiếng Anh, các đồ dùng học tập, tên gọi những người trong gia đình...” - Ngọc Linh hồ hởi khoe.

Bạn Nhật Khang đang kèm các em nhỏ viết tiếng Anh trong buổi học. (Ảnh: Phạm Anh)
Bạn Nhật Khang đang kèm các em nhỏ viết tiếng Anh trong buổi học. (Ảnh: Phạm Anh)

“Giáo viên” là... học sinh phổ thông

Lớp học đặc biệt không chỉ do học trò mà còn bởi những “giáo viên” đứng lớp cũng chính là những HS đang học ở các trường THPT như Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), THPT chuyên Lê Hồng Phong... Đây là những thành viên phụ trách mảng dạy học của Dự án tình nguyện SVA (Saigon voice Amplifier) do chính các em sáng lập và hoạt động dưới sự bảo trợ của Trung tâm ngoại ngữ Stella. Dự án được lập ra từ cuối năm 2014 nhằm dạy học và hỗ trợ cho những trẻ em đường phố, là nơi để HS tham gia các hoạt động cộng đồng.

Em Trương Nhật Khang, đang học lớp 11KC1, Trường Phổ thông Năng khiếu, cho hay em đi dạy được khoảng 10 tuần nay. Các em nhỏ tuy học chưa vững nhưng rất chịu khó. Mỗi tuần nhóm sẽ dạy cho các em theo từng chủ đề để dễ hình dung như gia đình, giao thông, đồ vật...

Khang cho biết trong trường em có nhiều bạn cũng tham gia hoạt động này. Em muốn được trải nghiệm để học hỏi qua các hoạt động cộng đồng, được đưa kiến thức của mình đến với những em nhỏ kém may mắn hơn.

Hiện dự án có hơn 20 thành viên, phần lớn là HS phổ thông, chia ra làm nhiều nhóm lĩnh vực như dạy học, tổ chức sự kiện cho trẻ đường phố...

Bạn Lương Vinh Khả Định (cựu HS chuyên toán Trường Phổ thông Năng khiếu) cho biết nhóm dạy học của dự án có năm bạn, luân phiên nhau đi dạy tiếng Anh cho những em nhỏ kém may mắn ở các mái ấm, lớp phổ cập. Ngoài việc dạy tại trường này, các em còn dạy tiếng Anh cho các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thảo Đàn (quận 1). Có thành viên còn tự đứng ra dạy tiếng Anh cho một số em kém may mắn trong các khu phố mà các bạn sinh sống.

Định cho hay kinh phí hoạt động của dự án hiện tại do tự các thành viên đi kêu gọi hỗ trợ hoặc thu được thông qua bán các sản phẩm tự làm. Phần lớn các bạn sử dụng kinh nghiệm, tài liệu và kiến thức của mình để dạy lại các em nhỏ.

“Vì tiếng Việt các em chưa vững nên theo học tiếng Anh khá khó, nhiều em lại đi làm bên ngoài để kiếm sống khiến việc học bị ảnh hưởng. Lúc đầu lớp có hơn 30 HS nhưng giờ rơi rớt chỉ còn gần 20 em. Trong đó có bạn đã 17, 18 tuổi, lớn hơn cả tuổi “thầy” nên nhắc nhở rất khó. Dù thế nào nhóm cũng sẽ cố gắng theo đuổi lớp học để phần nào cải thiện vốn tiếng Anh cho các em” - Định chia sẻ.

Nhu cầu học tiếng Anh của các em là có thật nhưng trường không có cách nào thực hiện cả. Nay được hỗ trợ mở lớp như vậy là mừng cho các em lắm. Lớp tiếng Anh này bắt đầu dạy từ cuối tháng 10-2015, dành cho tất cả các em trong trường có nhu cầu và hoàn toàn miễn phí. Lớp chủ yếu dạy tiếng Anh giao tiếp, dù chưa trôi chảy nhưng ít nhiều phục vụ tốt hơn cho việc mưu sinh hằng ngày của các em.

Thầy Huỳnh Thúc Tịnh, Hiệu trưởng Trường Phổ cập giáo dục phường 12, quận Bình Thạnh

“Mỗi thứ Bảy chúng mình dạy cho khoảng 20-30 em đến từ nhiều mái ấm khác nhau. Các em đều đi học rất đầy đủ và có ý thức giữ trật tự trong lớp. Hiện nay ở lớp chúng mình đang dạy, độ tuổi các em khá chênh lệch. Tuy có hơi hiếu động nhưng các em đều rất tôn trọng chúng mình và quan tâm lẫn nhau như một gia đình vậy!” - một thành viên trong Teaching Team của Dự án tình nguyện SVA chia sẻ.

Theo Phạm Anh

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm