Lớp học có... 41 ngàn sinh viên

Trong khi tất cả các phòng ban của trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng đã đóng cửa nghỉ hè, thì những giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh hằng ngày vẫn phải chuẩn bị giáo án cho những giờ dạy trực tuyến trên mạng.

Cùng với họ là 41.000 sinh viên đang tiếp thu những bài giảng về kinh tế mà họ ưa thích thông qua địa chỉ mạng E-Learning.

Từ ý tưởng đào tạo trực tuyến...

Cách đây 3 năm, Thạc sĩ Đặng Công Tuấn - Phó Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế (thuộc ĐH Đà Nẵng), nung nấu ý tưởng đào tạo hệ đại học trực tuyến  tại Việt Nam như cách dạy của nhiều nước.

Ý tưởng ấy đã được các đồng nghiệp ủng hộ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu xây dựng một website “động”, lãnh đạo khoa đã quyết định trích quỹ Công đoàn, cử 15 giáo viên và cán bộ tham gia cùng Th.S Tuấn soạn thảo bài giảng, ra đề thi để kịp thời đưa lên mạng.

Tháng 9/2005, website www.dbavn.com/elearning/ đã chính thức ra mắt. Những người theo học không chỉ nhận được chương trình đào tạo, phần tài liệu, mà họ còn có thể trao đổi ý kiến với thầy cô, bạn học của mình.

Hơn nữa, muốn nhận được một môn học mới, sinh viên chỉ cần truy cập vào trang web sẽ được giáo viên thông báo trực tiếp bằng email. Bất kỳ một ai, không kể độ tuổi, biên giới quốc gia... chỉ cần có một chút ít kiến thức về mạng sẽ nhanh chóng trở thành một sinh viên thực thụ.

... Đến những trái chín đầu mùa

Sau gần một năm chính thức hoạt động, đến nay “lớp học mạng” đã 41.000 học viên (60% có bằng đại học, cao đẳng đã và đang theo học, cũng như làm việc ở những cơ quan xí nghiệp...) theo học. 

Đặc biệt hơn, trong số những học viên tham gia đã có nhiều người đang học tập và làm việc tại những nước phát triển như Pháp, Úc, Anh. Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn miệt mài theo học và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích cho việc dạy và học hằng ngày của thầy trò theo học trên mạng. 

TS Đoàn Gia Dũng - Phó Hiệu trưởng trường ĐHKT Đà Nẵng, cho biết: “Đây là một mô hình đào tạo mới mẻ ở Việt Nam”. Mới đây, tổ chức học thuật Phần Lan đã đánh giá và xếp trang web đào tạo trực tuyến này đứng thứ 2 tại Việt Nam về hiệu suất người sử dụng. Khoa hiện đã trang bị được 305 máy vi tính thường xuyên hoạt động, trong đó đã có tới 19 máy chủ.

Và hoạch định tương lai

Về kế hoạch đào tạo trực tuyến cho năm học 2006 - 2007, TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng khắc phục một số hạn chế trong thời gian thực nghiệm vừa qua và sớm đưa ra một chương trình mang tính chính quy.

“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là chưa được Bộ GD-ĐT công nhận mô hình đào tạo. Trường đã gửi thư đến nhiều trường ĐH danh tiếng của Mỹ đề nghị  hỗ trợ và hợp tác cùng đào tạo trực tuyến ở Việt Nam.

Chúng tôi vẫn biết đây là mô hình hoàn toàn mới mẻ đối với nước ta. Nếu đã là vấn đề mới thì chúng ta phải khách quan khi đánh giá về nó, đặc biệt là ở giai đoạn hiện nay, nền giáo dục nước ta đang mang nặng tính hình thức, cần có những bước “đột phá” về cách học và cách dạy.

Theo Vũ Thắng
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm