Lối thoát nào cho sự tự chủ của các trường ĐH?

(Dân trí) - Tự chủ là vấn đề được bặt lên bàn nghị luận trong tất cả các hội nghị bàn về giáo dục đại học suốt từ 4 năm nay. Nhưng qua đủ các hội nghị đổi mới, vấn đề nóng bỏng, bức thiết này tưởng như đã đi vào thực tiễn đến nơi, song rút cục lại vẫn chỉ là câu chuyện tranh cãi triền miên...

Và đến nay, lại một hội nghị về giáo dục đại học được tổ chức, một hội nghị được đánh giá là đặc biệt nhất từ trước đến nay về nội dung cũng như về quy mô, vấn đề tự chủ trở lại với tư cách như một “kẻ chiến thắng” theo nhận xét của hầu hết các đại biểu tham gia hội nghị. Tuy nhiên, thực tế liệu có diễn biến như thế hoàn toàn đang là vấn đề phụ thuộc nhiều vào thời gian.

 

Dân trí xin được trân trọng giới thiệu một vài ý kiến xoay quanh sự tự chủ này:

 

Bộ GD-ĐT rất muốn quyết tâm, nhưng... - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển

 

Lối thoát nào cho sự tự chủ của các trường ĐH? - 1

Ông Nguyễn Minh Hiển

Đến 2008, 2009 nên có thay đổi cơ bản trong giáo dục đại học. Đó là đổi mới quản lý, tăng tính tự chịu trách nhiệm cho các trường. Cơ chế quản lý đại học phải như thế nào để các trường có thể phát triển? Phải dùng từ “cởi trói” thì các trường mới phát triển được. Chính sự cởi trói này sẽ khiến các trường có thể huy động các nguồn lực để phát triển. Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở và tìm cách tháo gỡ.

 

Tăng tính tự chịu trách nhiệm của các trường là quyền đi liền với trách nhiệm. Chúng tôi sẽ cùng với các Vụ bàn với các trường để trong năm 2006 sớm có một quy định về phân cấp cụ thể hơn. Tuy nhiên, ở đây có vướng là Bộ GD-ĐT dù rất quyết tâm làm việc này sớm nhưng ở một vài trường thuộc các bộ khác quản lý như ĐH Y thuộc Bộ Y tế, ĐH Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, Nông nghiệp I thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... thì chúng tôi chỉ có thể kiến nghị với lãnh đạo các Bộ cũng nên có cơ chế thông thoáng, rộng mở để các trường có thể thực hiện quyền và trách nhiệm của mình chứ không thể trực tiếp can thiệp.

 

Tự chủ phải theo cùng quyền sở hữu - Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục Đặng Ứng Vận

 

Lối thoát nào cho sự tự chủ của các trường ĐH? - 2

Ông Đặng Ứng Vận

Tự chủ trách nhiệm hiểu đầy đủ ra có 3 nội dung: Pháp lý, tinh thần và giải trình trách nhiệm trước xã hội. Lâu nay, nếu trường nào có vấn đề gì thì Bộ cử đoàn thanh tra về và Bộ lại đứng ra giải thích cho xã hội về trường này có vấn đề này, vấn đề kia. Nếu tự chủ thì những vấn đề đó, nhà trường phải trả lời trước xã hội chứ không ai trả lời thay được.

 

Ngoài ra, trong xu thế phân cấp quản lý hiện nay thì các trường đại học cần được trao luôn quyền được sở hữu, nhất là ở các trường công. Sự sở hữu này phải mang tính chất lâu dài và xuyên suốt trong cả quá trình hoạt động và lịch sử của trường.

 

Khi tự chủ, Hiệu trưởng nên thế nào? Hiệu trưởng giỏi thì một  nhiệm kỳ cũng chỉ là 5 năm trong khi đó nhà trường là cả một lịch sử! Vì vậy, không nên giao đại diện chủ sở hữu cho một người vì giao quyền sở hữu nhà nước cho một người thì điều đó rất nguy hiểm vậy nên phải thành lập một hội đồng trường mang tính chất trách nhiệm rất nặng nề.

 

Lâu nay, nhiều hiệu trưởng làm theo Bộ thì làm rất giỏi nhưng sắp tới mở rộng quyền tự chủ thì các nhà trưòng tự tổ chức hoạt động của mình, có những quyền rất rộng rãi và không phải lúc nào Bộ cũng cầm tay chỉ việc được. Đó là một điều rất khó khi giao cho các trường quyền tự chủ.

 

Tự chủ là một lợi thế to lớn! - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Trọng Quát

 

Lối thoát nào cho sự tự chủ của các trường ĐH? - 3

Ông Phạm Trọng Quát

ĐHQG là mô hình đặc biệt, không có bộ chủ quản, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác, tức là ĐHQG rất có quyền tự chủ. Đây là một lợi thế to lớn để các ĐHQG có điều kiện phát triển. Do đó, ĐHQG được tự chủ về mở ngành học mới, xây dựng, ban hành các quy chế và quy trình riêng để tuyển chọn HSSV, cao học và nghiên cứu sinh, in các loại văn bằng, chứng chỉ, đào tạo nguồn lực tài năng, xây dựng chương trình đạt chuẩn quốc tế…

 

Tuy nhiên, trường ĐHQG vẫn chưa được tự chủ hoàn toàn khi phải phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT về chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, khung chương trình đào tạo, quy định thu và sử dụng học phí cứng nhắc. Trong khi đó, các nhà quản lý giáo dục đã chỉ ra rằng khi lẫn lộn chức năng quản lý chính sách của cơ quan quản lý nhà nước với chức năng tác nghiệp của các trường đại học sẽ làm nảy sinh các vấn đề trong hoạt động quản lý làm giảm đi năng lực và hiệu quả quản lý. Vì khi trao trả các hoạt động tác nghiệp cho các trường đại học, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có điều kiện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, đồng thời làm tăng tính tự chủ, sáng tạo của các trường đại học, tương ứng với tính tự chịu trách nhiệm được yêu cầu đảm bảo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

 

Tự chủ như không tự chủ! - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM Nguyễn Đức Nghĩa

 

Lối thoát nào cho sự tự chủ của các trường ĐH? - 4

Ông Nguyễn Đức Nghĩa

Luật Giáo dục qui định cho phép nhà trường xác định chương trình và giáo trình. Quy định đó cho thấy tinh thần phân cấp quản lý giáo dục nhưng trong thực tế đang gặp phải những bất cập hoặc do nhà trường không đủ năng lực. Vậy là tự chủ mà như không tự chủ!

 

Trong tổng số khoảng gần 150 ngành đào tạo đại học hiện có trong cả nước, Bộ GD-ĐT đã ban hành được hơn 100 chương trình khung, phần lớn đều có số lượng kiến thức tối thiểu là khoảng 180 - 200 đơn vị học trình. Nhưng theo chúng tôi, nên tiếp tục giảm số đơn vị học trình cho phù hợp với các nước trong khu vực.

 

Cơ cấu nội dung các môn học theo các chương trình khung đã được ban hành hiện nay vẫn còn mang hơi hướng của phương thức đào tạo niên chế. Số tiết lên lớp sẽ vào khoảng 3.000 - 3.300 tiết. Ở Nhật, số lượng tín chỉ tối thiểu của hệ đại học 4 năm chỉ khoảng 120 - 130, ở Thái Lan từ 120 - 150...

 

Trong kế hoạch chuẩn bị chương trình đào tạo tiên tiến trường ĐHQG TPHCM cũng chỉ xây dựng chương trình khoảng 140 - 150. Chúng tôi sẽ giảm bớt số giờ lên lớp để tăng cường tính tự học cho sinh viên. Theo đó, sẽ phân bổ thời gian giữa các môn học để các cơ sở đào tạo phát huy quyền tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo và đưa các thế mạnh, đặc thù đào tạo của mình vào ngành đào tạo đó tại cơ sở đào tạo.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn nói đến văn bằng tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT nên để bằng tốt nghiệp đại học phải do chính trường ĐH chịu trách nhiệm vì chất lượng của sản phẩm sinh viên do chính trường đào tạo.

 

Ý tưởng về việc các trường đại học tự cấp phôi bằng đã được nói đến từ lâu, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thực hiện được (hiện mới có 2 trường ĐHQG là có phôi bằng riêng). Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng xác lập cơ chế, quy trình để trường nào đã có đầy đủ chương trình đào tạo do trường ban hành được tự cấp bằng riêng cho trường mình.

 

Mai Minh, Hồng Hạnh

(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm