Lời cuối đầy xúc động tiễn biệt thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký
(Dân trí) - "Thầy ơi, em chưa từng học thầy. Em chỉ gặp một lần duy nhất nhưng luôn nhớ đến những lời thầy dặn dò, những tâm tư về nghề giáo", một cô học trò viết trong sổ tang.
Chiều 28/9, tại lễ viếng thầy Nguyễn Ngọc Ký xuất hiện nhiều học trò, đồng nghiệp, đồng hương, bạn bè của ông.
Nghe tin thầy Ký ra đi, nhiều người chỉ biết ông qua trang sách cũng lặn lội tới viếng và ghi lời chia buồn với gia đình vào sổ tang.
"Thầy ơi, em chưa từng học thầy. Em chỉ gặp thầy một lần duy nhất nhưng luôn nhớ đến những lời thầy dặn dò, những tâm tư về nghề giáo. Nghị lực sống của thầy chính là những lời động viên, dẫn lối rất nhiều thế hệ. Chào người thầy "Bàn chân kì diệu", một người chưa từng học thầy Ký ghi trong sổ tang.
Viết lời cuối gửi người bạn chí cốt, luật gia Nguyễn Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Luật, Học viện Cán bộ TPHCM cũng viết: "Nguyễn Ngọc Ký ơi, thế là từ hôm nay, ngày 28/9/2022, chúng ta đã xa nhau vĩnh viễn trên dương thế...".
Ông Bình là bạn cùng quê, học cùng trường phổ thông ở Nam Định với thầy Nguyễn Ngọc Ký từ năm 1965. Sau này lên Hà Nội học, hai người ở cùng chỗ trọ, cùng vào TPHCM sinh sống. Tình bạn của họ đến nay đã gần 60 năm, trải qua nhiều kỷ niệm.
Ông Bình nhớ lại, ngày trước nhóm bạn của ông thường ra biển tắm đêm, trong đó có thầy Ký. Mặc dù bị liệt 2 tay nhưng đôi lúc thầy vẫn liều mình ra biển khiến mọi người hoảng sợ phải lôi lại.
Năm 1969, ông Bình chính là người đưa thầy Nguyễn Ngọc Ký xuống tàu ở Hải Phòng gặp Thượng úy hải quân, thuyền trưởng tàu quân sự Liên bang Xô Viết. Biết câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, vị Thượng úy nói rằng: "Đây chính là Pavel của Việt Nam" (Nhân vật truyền cảm hứng trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy).
Nói về bạn mình, ông Bình cho hay, Nguyễn Ngọc Ký là một người con Việt Nam đặc biệt, rất thông minh và chăm chỉ. Ông có nghị lực, vươn lên học hành, trở thành một hình mẫu về ý chí cho các thế hệ noi theo. Ông học hỏi toán, sau này lại đi dạy văn và viết văn, viết thơ bằng chân.
Hơn mười năm trở lại đây, thầy Nguyễn Ngọc Ký phải chạy thận nhân tạo, chịu rất nhiều đau đớn. Ông Bình chia sẻ, thời gian đó, thầy Ký vẫn tham gia tư vấn tâm lý về cuộc sống, tình yêu, hôn nhân gia đình qua tổng đài.
Chia sẻ về người cha đặc biệt của mình, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, con cả của thầy Nguyễn Ngọc Ký cho biết ông dạy dỗ con cái rất cẩn thận, rất chú ý đến việc rèn luyện đạo đức, tác phong. Và đặc biệt, ông truyền được tình yêu nghề dạy học sang cho con. Đến nay, ba người con của ông đều theo nghề giáo.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký được nhiều người đánh giá là con người phi thường giữa đời thường. Vì thế, khi biết tin thầy mất, rất nhiều người ở nơi xa bày tỏ nỗi tiếc thương.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ nhiều thế hệ người Việt trong đó có hàng triệu học trò biết đến cuộc đời của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Bị liệt hai tay từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Ký đã tập viết bằng chân để đi học, từng đi thi giỏi toán toàn quốc, vào học ĐH Tổng hợp văn.
Ông trở thành giáo viên dạy văn, được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Ông cũng là một nhà văn đặc biệt, viết bằng chân.
"Với tôi chú là chú Ký giản dị, hiền lành, giàu tình cảm. Mỗi lần gặp chú tôi đều thấy sức mạnh nội tâm và nghị lực. Chú điềm tĩnh, chấp nhận khuyết tật của mình để vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích", bà Bích Lan nói và cho biết sẽ nhớ mãi hình ảnh thầy giáo Ký đứng tiễn mình ở sân bay Đà Nẵng với đôi tay không thể vẫy chào nhưng ánh mắt thật trìu mến.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947, tại Nam Định. Ông bị sốt năm lên 4 tuổi dẫn đến bị liệt cả hai tay.
Hành trình đến trường của thầy Nguyễn Ngọc Ký sau này được đưa vào sách giáo khoa với câu chuyện "Bàn chân kì diệu" nổi tiếng.
Hai lần ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh.
Từ năm 1966 đến 1970, ông học Ngữ văn tại ĐH Tổng hợp Hà Nội. Được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, ông trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm giảng viên.
Năm 1992, thầy Nguyễn Ngọc Ký được công nhận danh hiệu "Nhà giáo ưu tú". Sau đó, ông chuyển vào TPHCM sinh sống và làm việc.
Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết".