Loay hoay gửi con ngày hè

Những ngày này, cuộc sống sinh hoạt của nhiều gia đình có con nhỏ bị xáo trộn bất thường, nhất là các gia đình ở thành phố chỉ có hai thế hệ là bố mẹ và con.

10 ngày nghỉ hè với học sinh mẫu giáo đã khiến nhiều gia đình rối tung vì không có người trông con, chứ chưa nói đến học sinh tiểu học nghỉ hè suốt 3 tháng…

Sinh hoạt đảo lộn

Sáng 29/5, cả nhà chị Nguyễn Thị Hồng ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội nháo nhác đi tìm con. Bé Phạm Nhật Anh 4 tuổi chợt biến mất khi đang ở nhà chơi cùng ông bà. Mấy hôm nay bé nghỉ hè nên ông bà phải trông cháu cho bố mẹ đi làm. Ông bà năm nay đã ngoài 80 tuổi nên không thể nhanh mắt, nhanh chân như bọn trẻ. Loáng một cái, họ không thấy cháu gái của mình đâu. Hai ông bà chia nhau mỗi người một ngả đi tìm cháu. Lo cháu ra Hồ Tây chơi rồi rơi xuống nước, ông bà cũng lao ra hồ tìm. Nhưng sau một hồi hỏi dò, người dân ở khu vực xung quanh cho biết họ không thấy cháu bé nào đi một mình ra hồ, ông bà mới tạm thời yên tâm quay về. Vừa về đến nhà, ông bà thấy cô bé Nhật Anh lững thững đi về. Hóa ra, bé sang nhà hàng xóm chơi rồi đi theo bác hàng xóm ra phố chơi. Ông bà được một phen hú hồn.

Trường hợp trẻ em nghỉ hè ở nhà gây ra những phiền phức như trên có khá nhiều. Đó là chưa kể việc trẻ nhỏ ở lứa tuổi mẫu giáo có thể nghịch ngợm điện nước, vui chơi trong điều kiện mất an toàn.

Chị Hồng Hạnh ở huyện Đông Anh, Hà Nội thì đưa ra những băn khoăn: "Tôi có hai cháu, đứa lớn học lớp 3, đứa nhỏ đi nhà trẻ. Mới có hai, ba ngày ở nhà, đứa lớn thì luôn miệng kêu chán rồi đạp xe đi chơi khắp nơi, về nhà lại dán mắt vào vô tuyến. Mà có ép cháu học thì tôi cũng không nỡ, vì muốn cho cháu được nghỉ ngơi sau một năm học. Đứa bé ở nhà thì quấy hơn, suốt ngày khóc, đòi bế đi chơi. Cũng may là các cháu có ông bà nội trông hai đứa nên vợ chồng tôi vẫn đi làm bình thường được. Chứ hàng xóm nhà tôi có 2 vợ chồng cứ loay hoay tìm người trông con. Nhưng tìm người trông trẻ trong thời gian ngắn thì rất khó nên họ đành chuyển con về quê ở Tuyên Quang, nhờ ông bà trông hộ. Đứa trẻ ít về quê, lạ ông bà nên phải mất một thời gian mới làm quen được".

Trẻ thành phố thì bị nhốt trong nhà, đứa lớn trông đứa bé. Liên tục trong ngày, bố mẹ phải gọi điện thoại về kiểm tra, nhắc nhở con chơi an toàn. Buổi trưa, bố mẹ lại tất bật về nhà nấu cơm cho trẻ. Trẻ sống ở vùng nông thôn thì đỡ bị cuồng chân hơn, được đi chơi thoải mái hơn, nhưng lại gặp phải nỗi lo khác, đó là sự an toàn. Cứ hè đến, năm nào cũng xảy ra tai nạn đuối nước. Trẻ không có chỗ vui chơi ngày hè nên tất yếu phải chơi trong môi trường thiếu an toàn.

Quá tải đăng ký dịch vụ học bán trú ngày hè

Đáp ứng nhu cầu trông trẻ ngày hè, một số dịch vụ trông trẻ hoặc học bán trú hè đã ra đời nhưng vẫn chưa giải quyết hết nhu cầu đang rất lớn hiện nay. Theo ông Lê Quang Tuấn, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội, mấy năm nay Cung Thiếu nhi liên tục nhận được lời đề nghị của nhiều phụ huynh về việc mở lớp bán trú cho trẻ ngày hè. Tuy nhiên, do Cung chưa sắp xếp được phòng và nơi ăn nghỉ cho các cháu nên đành lỗi hẹn với phụ huynh. Hè năm nay, Cung Thiếu nhi đã cố gắng bố trí lại các phòng học và tuyển sinh thí điểm 6 lớp học bán trú cho các cháu từ 6 đến 9 tuổi. Mới qua vài ngày tuyển sinh, lượng học sinh đăng ký đã kín chỗ.

Loay hoay gửi con ngày hè - 1
Nghỉ hè, nhưng số trẻ em được đến các điểm vui chơi chưa nhiều.

Nhu cầu đăng ký cho con học bán trú 3 tháng hè ở Cung Thiếu nhi luôn quá tải, nhưng việc mở thêm lớp lại rất khó khăn vì quỹ phòng cho các cháu chỉ có hạn. Không chỉ trông các cháu trong ngày hè mà lớp học bán trú có các chương trình ngoại khoá như: tham gia các đội, nhóm, chơi trò chơi kỹ năng, có một số buổi được học làm lãnh đạo, hằng tuần được vào thư viện đọc những cuốn sách hay… Đặc biệt, ở lớp học này, trẻ em còn được đi xem phim, dã ngoại, được học các môn vẽ, võ thuật, giao tiếp ứng xử, kể chuyện, viết chữ đẹp (với các cháu học lớp 1, lớp 2), học toán (lớp 3).

Theo ông Tuấn thì tất cả những môn học trong 3 tháng hè này nhằm bổ sung khả năng tư duy, sáng tạo cho các cháu, thỉnh thoảng học nhắc lại những môn văn hoá chính ở lớp là toán và tiếng Việt. Chính vì thế mà học phí cho mỗi cháu trong một tháng tương đối cao: 2,3 triệu đồng.

Chị Minh Anh, ở phố Hàng Buồm xin cho con vào học bán trú ở Cung Thiếu nhi cho biết: "Tuy giá hơi cao nhưng vào đây mình cũng yên tâm, các cháu được học nhiều kỹ năng cơ bản, đặc biệt có nhắc lại kiến thức giúp các cháu không quên khi bước vào năm học mới".

Nhu cầu vui chơi của trẻ em trong ngày hè là rất lớn, nhưng cuộc sống công nghiệp đã khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ không có thời gian cho con vui chơi nhiều trong suốt kỳ nghỉ hè. Sân chơi của các em không có, nhốt con ở nhà thì lại không yên tâm. Thế nên, dù rất muốn con được nghỉ ngơi khi cả một năm học hành vất vả, nhưng nhiều gia đình vẫn phải gửi con vào lớp bán trú hè. Những cháu vừa qua tuổi mẫu giáo năm nay vào lớp 1 cũng được bố mẹ cho đi học chữ bán trú luôn tại nhà cô giáo. Các "lò" luyện lớp 1 ùn ùn mọc lên ở Hà Nội. Tiền học, tiền ăn ngủ bán trú lên tới 100 nghìn đồng/buổi, nhưng phụ huynh vẫn phải chấp nhận vì không có nơi gửi con.

Học cả năm, hè lại học. Guồng quay học tập quá lớn đang tạo nên một áp lực cho trẻ em. Nhưng không cho con học bán trú ngày hè thì không có người trông con, mà thuê người giúp việc thời vụ đâu phải dễ. Mâu thuẫn này khiến nhiều gia đình rơi vào thế bí. Thực tế trên cho thấy ngành Giáo dục cần cấp thiết lập một chương trình hè cho trẻ, vừa đảm bảo an toàn, vừa xây dựng cho trẻ kiến thức cơ bản về các kỹ năng khác ngoài kiến thức văn hóa đã học trong năm.

Theo Trần Hằng - Việt Hà
CAND